Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Học phí đại học: Chi phí phải đi đôi với chất lượng

Thứ Tư 10/08/2022 | 09:28 GMT+7

VHO- Chỉ còn 10 ngày nữa, thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022 sẽ kết thúc. Đây là thời điểm các thí sinh có thể đổi nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Bên cạnh những băn khoăn về việc đăng ký thế nào để được trúng tuyển, thì không ít thí sinh lại cân nhắc đổi nguyện vọng vì vấn đề học phí.

 Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho biết, những sinh viên thuộc hộ nghèo trường đã có chính sách hỗ trợ

Thí sinh Nguyễn Quốc Vượng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, em rất “mê” Trường Đại học Y Hà Nội, nhưng qua nghiên cứu, thấy mức học phí ngành Y khoa khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, cộng với tiền thuê trọ và sinh hoạt phí, tổng chi phí tiết kiệm nhất cũng phải 8 triệu đồng/tháng. Đó là mức chi phí vượt quá khả năng của một gia đình thuần nông thuộc một huyện ngoại thành Hà Nội, nên Vượng đang dự kiến sẽ chuyển nguyện vọng sang Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để có ưu đãi về chi phí đào tạo.

Có mong ước được trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội từ khi bước chân vào lớp 10, nhưng Nguyễn Tùng Dương (Thanh Hóa) cũng không dám đăng ký xét tuyển vào ngôi trường được xem là trọng điểm này, vì mức chi phí vượt quá khả năng của gia đình. Dương cho biết, mức thu nhập của bố em không ổn định, vì làm thuê tính theo công nhật, còn mẹ em làm ruộng, trong khi em trai Dương cũng sắp vào lớp 10, nên không thể dồn mọi thu nhập cho Dương đi học tận Hà Nội. Em chọn Đại học Hồng Đức là trường đăng ký nguyện vọng 1, để hằng ngày có thể đi đi về về, tiết kiệm được tiền thuê trọ và tiền ăn.

Cũng như những năm trước, trước thềm năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã rục rịch tăng học phí. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội công khai mức tăng học phí và cam kết mỗi năm không tăng quá từ 8-10%, từ đó sinh viên có thể tính toán được học phí trong 4-5 năm học. Mức học phí của từng chuyên ngành đào tạo là khác nhau, trong đó mức thấp nhất là 22.000.000 đồng/năm và mức cao nhất là 80.000.000 đồng/năm.

Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chi phí và chất lượng đào tạo luôn phải song hành với nhau, làm sao để đào tạo ra được một kỹ sư, một cử nhân tương lai có năng lực, khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng. Ông lấy ví dụ, năm 2016 Trường bắt đầu một chương trình đào tạo là kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Ban đầu, nhiều người e dè và không mong muốn học, nhưng khóa đầu tiên ra trường có 30% số em đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm. “Điều đó có nghĩa đây là một sự đầu tư đúng đắn”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thì cho rằng, về vấn đề học phí trước hết cần có sự “tính giá”, tức nêu chi phí cụ thể đào tạo ra một cử nhân, một bác sĩ hay một kỹ sư… có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, thông cảm của xã hội, thậm chí khi doanh nghiệp nhìn vào cũng thấy được niềm tin của nguồn lực. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh nhìn vào đó sẽ có sự chia sẻ. Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng cho rằng, học phí chỉ là một nguồn, ngoài ra còn những nguồn khác từ doanh nghiệp, từ gia đình và hỗ trợ của các đơn vị tài trợ.

Việc học phí cao thấp khác nhau, có tạo ra sự bất công đối với người học không? PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nêu quan điểm, để tạo ra sự công bằng trong giáo dục, vẫn cần có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo và những sinh viên giỏi. Đối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những sinh viên thuộc hộ nghèo, nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ riêng. “Ví dụ, năm 2021, nhà trường đã thành lập quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho các sinh viên nghèo vượt khó, thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, hằng năm chúng tôi luôn dành khoảng từ 5-8% học phí để làm các quỹ học bổng cho sinh viên. Điều này giúp đảm bảo ở mức độ nào đó sự công bằng trong giáo dục cho sinh viên của nhà trường”, PGS Thắng chia sẻ.

Để giải bài toán tài chính cho sinh viên theo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học, Nhà nước đã có chính sách tín dụng cho sinh viên. Tuy nhiên, đối tượng vay hạn chế, chỉ sinh viên mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh mới được vay. Bên cạnh đó, mức cho vay cũng khá thấp, chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ chiếm khoảng 35-40% tổng chi phí học tập của sinh viên. Chưa kể, thời hạn cho vay ngắn (sinh viên phải trả gốc và lãi lần đầu tiên ngay khi có việc làm nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học); thủ tục và phương thức vay phức tạp (người đứng tên vay phải là bố mẹ hoặc người giám hộ), lãi suất cho vay cao (hiện 6,6%/năm). 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top