Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bóng đá nữ Việt​​​​​​​ Nam: Bao giờ hết khó?

Thứ Tư 10/08/2022 | 09:28 GMT+7

VHO- Dù đã 6 lần vô địch SEA Games và mới giành vé dự World Cup nữ 2023 nhưng dường như cái khó vẫn đeo bám sự phát triển của bóng đá nữ. Trong thời gian qua, VFF cũng đã có nhiều nỗ lực để thành tích của đội tuyển nữ ổn định và lên tầm cao mới, nhưng để bóng đá nữ xây được chân đế vững chắc thì một mình VFF nỗ lực là chưa đủ.

 Dù đội tuyển nữ đã đạt nhiều thành tích xuất sắc tại đấu trường khu vực nhưng sự phát triển của bóng đá nữ trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn Ảnh: TRẦN HUẤN

Phụ thuộc vào quyết tâm của các địa phương

Tại Lễ công bố nhà tài trợ, bốc thăm xếp lịch thi đấu Giải bóng đá nữ quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội, BTC cho biết, tham gia giải đấu năm nay chỉ có 7 đội vẫn là những gương mặt cũ. Đó là Hà Nội I, Hà Nội II, TP.HCM I, TP.HCM II, Phong Phú Hà Nam, Than khoáng sản Việt Nam và Thái Nguyên T&T. Nhìn vào danh sách này thì thấy dù có tới 7 đội nhưng thực ra các CLB bóng đá nữ vẫn chỉ đến từ 5 địa phương truyền thống là Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Quảng Ninh và Thái Nguyên. Để gây dựng phong trào bóng đá nữ, VFF cũng đã phối hợp với các địa phương nhưng “cái khó bó cái khôn”, vấn đề kinh phí luôn là bài toán khó giải. Mấy năm trước, giải có thêm sự tham gia của đội bóng đá nữ Sơn La, nhưng rồi khó khăn về tài chính, cùng với việc thi đấu lẹt đẹt nên tỉnh đã không thể duy trì được đội bóng. Sát ngày đăng ký giải năm nay, đội Phong Phú Hà Nam II cũng xin rút lui nên giải chỉ quanh đi, quẩn lại mấy đội như trước.

Ngay cả nhà tài trợ cũng vậy. Năm nay đã là năm thứ 11 liên tiếp doanh nghiệp của bầu Tú tài trợ cho đội tuyển nữ. Lý do là bởi vì nếu bầu Tú rút lui thì VFF không thể tìm đâu ra nhà tài trợ thay thế. 3 năm nay, VFF cũng nỗ lực tạo thêm sân chơi cho các nữ cầu thủ bằng cách tổ chức thêm Cúp quốc gia, nhưng rồi giải năm nay cũng không thể kêu gọi được tài trợ. Ngay tại Lễ ký hợp đồng tài trợ vào ngày 8.8, bản thân nhà tài trợ cũng bày tỏ lo ngại về việc giải vô địch quốc gia nữ năm nay chỉ chừng ấy đội tham dự và mong các địa phương, các doanh nghiệp đồng hành hơn nữa để bóng đá nữ Việt Nam có được bước phát triển bứt phá.

Trả lời phỏng vấn Văn Hóa, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, bóng đá nữ đã có thời gian khá dài phát triển ở nước ta với tiền thân là các đội bóng Hoa học trò từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên sự phát triển của bóng đá nữ còn rất nhiều hạn chế so với bóng đá nam. Đa phần các đội bóng đá nữ trên cả nước hiện nay đều được đầu tư từ nguồn kinh phí là ngân sách của các địa phương, chỉ duy nhất có đội Than khoáng sản là thành viên của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, duy trì ngân sách hoạt động từ hầu bao của doanh nghiệp.

Chính vì như thế nên dù VFF có muốn, nhưng lại phụ thuộc vào quyết tâm của các địa phương trong việc phát triển bóng đá nữ. Như đội bóng đá nữ Sơn La, bắt đầu được gây dựng từ năm 2016 nhưng đã 2 mùa giải gần đây không thể tham dự. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, việc thuyết phục được bà con cho con em mình đi đá bóng đã khó, việc tìm kiếm được kinh phí, nhất là các nguồn tài trợ để duy trì đội bóng và cho các cầu thủ mức thu nhập ổn định lại càng khó khăn hơn. Vì thế nhiều em đã bỏ đội đi lấy chồng hoặc làm công nhân để có thu nhập cao hơn và đội bóng thì đành tan giã.

Co kéo

Chính vì bóng đá nữ khó kêu gọi tài trợ hơn bóng đá nam, nên các địa phương có muốn phát triển phong trào thì cũng gặp muôn vàn khó khăn về kinh phí. Để duy trì phong trào, VFF phải tổ chức thêm giải đấu, cho các đội thi đấu với 2 đội hình để tăng cơ hội cọ xát cho các cầu thủ. “Với khó khăn như hiện nay, Ban bóng đá nữ VFF đã bàn bạc để tìm hướng ra. Chúng tôi cũng đang tính hướng có nên cho cầu thủ ngước ngoài thi đấu để tăng tính hấp dẫn cho giải đấu hay không. Sắp tới bóng đá Việt Nam cũng sẽ tổng kết chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trong đó có những mục tiêu quan trọng cho bóng đá nữ. Chắc chắn chúng ta sẽ có giải pháp để hỗ trợ, có chủ trương, cơ chế để phát triển bóng đá nữ”, ông Lê Hoài Anh nhấn mạnh.

Để khắc phục được hạn chế từ việc có ít địa phương phát triển bóng đá nữ dẫn đến nguồn cung cho đội tuyển quốc gia hạn hẹp, VFF đã xây dựng các tuyến nữ trẻ cho đội tuyển. Theo ông Lê Hoài Anh, trong khoảng 5 năm qua, được sự quan tâm từ Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, VFF đã tập trung các đội nữ trẻ tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Đây là nguồn cầu thủ được tuyển chọn từ nhiều địa phương, có thể hình, thể lực tốt hơn so với thế hệ trước. VFF cũng tổ chức giải U16, U19 nữ để tạo điều kiện cho các nữ cầu thủ cọ xát, kịp thời giúp ban huấn luyện đội tuyển tìm ra các nhân tố bổ sung cho các đội tuyển trẻ quốc gia.

Tuy nhiên trong lúc lứa cầu thủ trẻ chưa kịp chín, thì đội tuyển nữ Việt Nam lại gặp thách thức từ các đội tuyển trong khu vực. Như tại giải vô địch Đông Nam Á vừa qua, việc Philippines sử dụng lực lượng các cầu thủ Phi kiều đã giúp cho sức mạnh của đội tuyển này nâng lên rõ rệt. Phân tích về cách làm này, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Mai Đức Chung cho rằng, đó chỉ là cách làm xây nhà từ nóc. Còn con đường bền vững vẫn chính là việc chúng ta phải xây dựng các tuyến trẻ, dù mất nhiều thời gian và có khi phải hy sinh thành tích trước mắt.

“Sau khi hoàn thành các giải đấu quốc tế, từ nay đến cuối năm, các tuyển thủ quốc gia về thi đấu cọ xát tại các giải đấu quốc nội. Đó là giải Cúp quốc gia, rồi tới giải vô địch quốc gia (sẽ khởi tranh vào ngày 30.8) và trung tuần tháng 12 là Đại hội thể thao toàn quốc. Sau đó ban huấn luyện đội tuyển sẽ tuyển chọn các cầu thủ trẻ của các địa phương và triệu tập lên đội tuyển quốc gia khoảng vài tuần để rèn luyện các kỹ năng, chuẩn bị lực lượng cho việc tham dự VCK World Cup, SEA Games hay Asian Games vào năm sau”, HLV Mai Đức Chung cho biết.

Dù đã nhận được nhiều sự quan tâm từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội, nhưng rõ ràng bóng đá nữ Việt Nam vẫn chưa thể thoát được cái vòng luẩn quẩn trong việc phát triển phong trào tại các địa phương. Để phát triển được phong trào bóng đá nữ, chúng ta cần một chiến lược tổng thể, dài hơi, từ quyết tâm của các địa phương, đơn vị tới các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động thêm được nhiều nguồn lực.

 VÂN GIANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top