Bình Định quyết bóc dỡ các “cứ điểm ở ẩn” của loạt cán bộ về hưu

VHO- Quy Nhơn (Bình Định) đang là “điểm nóng” của tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất di tích, đất đồi… Trong những trường hợp vi phạm, có thể “điểm mặt chỉ tên” không ít tư gia của cán bộ, quan chức hưu trí.

Bình Định quyết bóc dỡ các “cứ điểm ở ẩn” của loạt cán bộ về hưu - Anh 1

 Biệt phủ của ông Phan Phi Hổ xây dựng trái phép trên núi Xuân Vân

Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định nêu rõ quan điểm: “Trước tiên sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ các trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm của các hộ gia đình là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên nếu vi phạm thì phải bị xử lý trước để làm gương”…

Vạch trần “cứ điểm ở ẩn”

Thực ra, việc lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép các điểm du lịch chui, nhà ở… đã âm thầm diễn ra từ lâu, có trường hợp xây kiên cố từ cả chục năm trước. Tuy nhiên, nó chỉ trở thành “điểm nóng” khi báo chí vào cuộc, liên tiếp có những phản ánh chính xác, cụ thể, khiến cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền cấp tỉnh không thể làm ngơ, đứng ngoài cuộc được nữa.

Sau nhiều tháng theo dõi, phóng viên Văn Hóa phải vào nhiều vai khác nhau, lúc “diễn” là người đi mua đất, khi thì “áo rách” như lao động tự do, có hôm thì trong vai thợ rừng đi tìm mật ong để có thể tiếp cận hàng loạt cứ điểm “ở ẩn” trái phép của một số cán bộ, quan chức hưu trí... Tại TP Quy Nhơn, khu vực núi Suối Trầu (phường Quang Trung) và núi Xuân Vân (phường Ghềnh Ráng) là hai địa bàn xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép nhiều nhất, trong đó có không ít trường hợp là cán bộ, lãnh đạo Sở, tỉnh. Dưới danh nghĩa “ở ẩn” khi về hưu, những vị này thường chọn địa bàn cách xa thành phố, vị trí trên cao, nơi ít có sự để ý của cơ quan chức năng để xây dựng nên những căn biệt phủ nguy nga trái phép.

Cụ thể, tại khu vực núi Suối Trầu nổi lên trường hợp của ông Nguyễn Tân (nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định), xây nhà trái phép và từng bị xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng, cưỡng chế một số hạng mục. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại. “Ngôi nhà này hoàn toàn xây dựng không phép, tôi chỉ được một vị lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn đồng ý miệng cho xây”, ông Tân thẳng thắn thừa nhận. Kế đến là ngôi nhà của ông Thái Thành Long (bác sĩ tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bình Định), bị xử phạt, cưỡng chế vào năm 2009; nhà của bà Trần Thị Thanh Tuyền (vợ ông Võ Văn Hoan, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Bình Định) đã 2 lần bị cưỡng chế; nhà của ông Võ Văn Toàn (từng là cán bộ Trường Đại học Quy Nhơn) xây trên đất đồi từ năm 2010…

Nghiêm trọng hơn, trên núi Xuân Vân thuộc quần thể Danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng, một “biệt phủ” đồ sộ xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp rộng khoảng 700m2 của ông Phan Phi Hổ (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định), nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. “Căn cứ theo Luật Di sản văn hóa, công trình xây dựng của ông Phan Phi Hổ là trái quy định pháp luật. Nếu ông Hổ xây được thì sau này sẽ có nhiều người đòi xây theo. Như vậy sẽ tạo tiền đề không tốt, dễ biến danh thắng thành khu dân cư, phá vỡ cảnh quan nơi đây”, ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) nhìn nhận.

Những phản ánh về sai phạm liên quan đến cán bộ, quan chức đã làm dấy lên trong dư luận nhiều “lời ra tiếng vào”. Bởi có trường hợp người dân nghèo không “tấc đất cắm dùi” lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép thì họ đã ngay lập tức bị xử lý nghiêm, còn những cán bộ, quan chức vi phạm lại chỉ bị xử lý qua loa.

Cẩn trọng khi xử lý

Về phương án xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên địa bàn TP Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thông tin: Đây là câu chuyện dài, chính quyền cần có thời gian để tháo gỡ từng bước. Bởi sau khi khảo sát thực tế, nhiều trường hợp vi phạm có hoàn cảnh khó khăn, đến mức không có nhà ở và có yếu tố lịch sử để lại. Vì vậy, phương án xử lý cũng phải căn cơ, rà soát lại tất cả các trường hợp vi phạm để phân loại rồi mới xử lý.

Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định cũng nêu rõ quan điểm, chính quyền phải lo cho người nghèo có nhà. Những trường hợp không có nhà ở, khó khăn, neo đơn thì phải có giải pháp bố trí để an sinh. Còn những trường hợp có điều kiện nhưng vẫn cố tình chây ỳ thì phải cương quyết xử lý, đặc biệt là những trường hợp liên quan đến người nhà cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân đã có nhà ở nhưng cố tình xây dựng để chiếm đất.

Theo ông Tuấn, thống kê toàn tỉnh Bình Định có khoảng gần 8.000 vụ việc lấn chiếm đất đai. “Con số biết nói” nêu trên cho thấy tình trạng lấn chiếm, xây nhà trái phép đang thực sự nóng, cần phải nhanh chóng vào cuộc để xử lý dứt điểm. “Đây là sự quản lý lỏng lẻo của các địa phương, ngành chức năng, hoặc sự cả nể đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, nguyên lãnh đạo của tỉnh khi chưa quyết liệt xử lý, mặc dù đã nhiều lần xử phạt và ra quyết định cưỡng chế”, ông Tuấn chỉ rõ. 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc