Hiểu hơn về “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ”

VHO - Ngày nay, ai cũng biết ngôn ngữ hiện thân cho văn hóa và là chìa khóa để mở cửa những nền văn minh và văn hóa xa lạ. Theo tổ chức UNESCO, hiện tại trên thế giới có (có lẽ phải nói là còn) hơn 6.700 ngôn ngữ khác nhau vẫn được nói và sử dụng hằng ngày.

Hiểu hơn về “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” - Anh 1

 Ngôn ngữ giúp con người tiếp cận với tri thức, khoa học... là cơ hội, điều kiện để mọi người hướng tới tương lai

Con số các ngôn ngữ đã giảm đi rất nhiều theo thời gian và cũng rất nhiều trong số hơn 6.700 còn lại nói trên có nguy cơ bị biến mất. UNESCO coi việc bảo tồn và phát triển tất cả ngôn ngữ của con người trên thế giới là sứ mệnh. Sự ra đời của “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” là một trong những đóng góp rất quan trọng.

Ngày này có lịch sử ra đời rất đặc biệt. Cách đây đúng 25 năm, UNESCO lấy ngày 21.2 hằng năm làm “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ”, tên gọi chính thức trong tiếng Anh là “International Mother Language Day”. Tên gọi chính thức này không phải không gây tranh cãi, bởi câu hỏi được không ít người trên thế giới đặt ra là tại sao gọi là tiếng mẹ đẻ mà không phải là tiếng cha đẻ. Tuy nhiên, cách hiểu chung phổ cập rộng rãi trên thế giới ngày nay là khái niệm và cụm từ “tiếng mẹ đẻ” hàm ý cội nguồn xuất thân của từng người về chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ.

Lịch sử “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” bắt đầu ở Pakistan. Năm 1947, Ấn Độ và Pakistan trở thành quốc gia độc lập từ vùng lãnh thổ rộng lớn ở vùng Nam Á mà thực dân Anh đánh chiếm làm thuộc địa. Ngày 21.2.1952, chính quyền Pakistan quyết định coi tiếng Urdu làm ngôn ngữ chính thức của đất nước này, cho dù chỉ có hơn 2% dân ở Pakistan (thời ấy) sử dụng ngôn ngữ Urdu. Gần 98% số dân còn lại sử dụng ngôn ngữ Bengali. Người Bengal xuống đường biểu tình phản đối rầm rộ. Chính quyền huy động cảnh sát trấn áp người biểu tình. Cảnh sát đã nổ súng vào người biểu tình và đã có người bị chết và bị thương. Sự phân biệt đối xử giữa các ngôn ngữ đã làm cho Pakistan từ sau đấy không có được an ninh chính trị và ổn định xã hội nội bộ. Hệ luỵ là nội chiến với kết quả hình thành nhà nước Bangladesh tách ra khỏi Pakistan vào năm 1971. Lúc đầu, chính quyền Bangladesh coi và công nhận chính thức ngày 21.2 hằng năm là “Ngày của những người tử vì đạo”. Năm 1999, Bangladesh kiến nghị tổ chức UNESCO coi ngày 21.2 hằng năm là “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” và được UNESCO chấp nhận.

Mục đích của việc có “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” trên thế giới là để tôn vinh tiếng mẹ đẻ, để nhắc nhở nhận thức và trách nhiệm của các chính quyền và người dân, chính trị và xã hội ở mọi nơi trên thế giới về bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ. Nhận thức chung cần có ở đây là nhìn nhận mọi ngôn ngữ trên thế giới, bất kể được bao nhiêu người sử dụng hằng ngày đều thuộc về những giá trị và di sản văn hóa chung của cả nhân loại, đều cần được bảo tồn và phát triển. Sự ra đời của “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” thúc đẩy sự hình thành và phát triển của môi trường sống và làm việc đa ngôn ngữ, của thế giới đa ngôn ngữ. Sự đa dạng về ngôn ngữ là nền tảng của sự đa dạng về văn hóa trong thế giới loài người và bảo tồn, phát triển ngôn ngữ là bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc ở mọi nơi trên thế giới.

Sau một phần tư thế kỷ, “Ngày quốc tế về tiếng mẹ đẻ” đã trở thành sự kiện chính trị và văn hóa đặc biệt hằng năm của các quốc gia và thế giới, bởi thế giới và tổ chức UNESCO nhìn vào việc bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ trong quốc gia cũng như vào việc thúc đẩy đa ngôn ngữ và tính đa dạng của ngôn ngữ trong quốc gia, để đánh giá mức độ trách nhiệm của quốc gia đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị và di sản văn hóa chung của nhân loại.

Thế giới càng hiện đại thì việc bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ càng thêm quan trọng và cần thiết, vì chỉ như thế con người mới giữ được cội nguồn sắc tộc và văn hóa của mình. 

 MINH KHÁNH

 

Ý kiến bạn đọc