68 năm Ngày thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam: Cháy hết mình để xứng danh “Cánh chim đầu đàn”

VHO - Ngày mai 12.3, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tổ chức Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập (12.3.1956 - 12.3.2024). Trong gần bảy thập kỷ trưởng thành và phát triển, Nhà hát luôn là “cánh chim đầu đàn” của ngành Múa rối Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định vị trí là đơn vị biểu diễn nghệ thuật xuất sắc của Bộ VHTTDL với bảng thành tích dày đặc, luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch trong nhiều năm.

68 năm Ngày thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam: Cháy hết mình để xứng danh “Cánh chim đầu đàn” - Anh 1

 Tạo hình con rối ngày càng được nâng cao

 Điều quan trọng hơn cả là dù thị trường biểu diễn có rất nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng các chương trình múa rối của Nhà hát luôn có sức hấp dẫn riêng, thu hút đông đảo khán giả trong nước và quốc tế…

Chất lượng nghệ thuật là tiêu chí tạo dựng thương hiệu

Chương trình, tiết mục phong phú của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật Múa rối nước nhà. Minh chứng là tại các cuộc thi sân khấu trong và ngoài nước, Nhà hát luôn giành được những giải thưởng cao nhất. Có thể kể tới hàng loạt vở diễn, chương trình tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và đồng nghiệp như: Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sơn Hậu, Hồn quê, Truyện tò he, Truyện cổ Andersen, Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh, Trê và Cóc, Thân phận nàng Kiều, Bản tình ca trên núi, Nghêu Sò Ốc Hến... đã thể hiện nỗ lực vượt bậc trong lao động nghệ thuật cũng như sự tìm tòi, đổi mới, khẳng định vị thế hàng đầu trong hoạt động biểu diễn Múa rối chuyên nghiệp. Khán giả khi tới xem các chương trình của Nhà hát đều vô cùng bất ngờ và bày tỏ sự khâm phục vì sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật Múa rối Việt Nam.

Chia sẻ bí quyết thành công, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát khẳng định: “Thành công 68 năm qua của đơn vị là nhờ vào nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ và cán bộ đã luôn duy trì định hướng: Xây dựng chương trình phải có sự tìm tòi, mới mẻ để làm phong phú cho sân khấu Múa rối truyền thống. Tiếp nối định hướng này, Ban giám đốc và Hội đồng nghệ thuật Nhà hát cùng các nghệ sĩ đã nỗ lực đầu tư, đổi mới để thích ứng với mọi nhu cầu thưởng thức của khán giả”.

Điều thú vị là những năm trở lại đây, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát được xây dựng ngày càng mở rộng đối tượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu giải trí của mọi tầng lớp công chúng. Thông qua các chương trình phù hợp với đối tượng mà Nhà hát nhắm tới, người làm nghề đã nghĩ ra nhiều trò diễn phong phú, hấp dẫn, đan cài thêm yếu tố giải trí nhưng giá trị giáo dục, thẩm mỹ vẫn không hề giảm sút. Sự khoanh vùng phục vụ đã nâng cao tính chuyên nghiệp cho nghệ thuật Múa rối, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả đương đại. Đặc biệt, khi dựng chương trình cho các trẻ em, Nhà hát luôn tiếp cận một cách gần gũi, đi đúng vào tâm lý, sở thích của các em bằng sự đầu tư sáng tạo nghiêm túc, hấp dẫn, mang tính chuyên nghiệp cao, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Nhìn những gương mặt trẻ thơ háo hức xếp hàng dài để được vào xem rối, chứng kiến những tràng pháo tay và tiếng cười hồn nhiên của các em… sẽ thấy Múa rối đang có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

“Thương hiệu đã có, nhưng nếu lơ là, không có chương trình chất lượng, nghệ sĩ biểu diễn không nghiêm túc, cách ứng xử tương tác với khán giả không phù hợp thì thương hiệu sẽ dần mất đi và niềm tin của khán giả cũng sẽ mai một. Sự sống còn của Nhà hát phụ thuộc vào trách nhiệm không chỉ của Ban Giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật mà còn của mỗi cá nhân cán bộ, nghệ sĩ”, NSND Nguyễn Tiến Dũng nhận định.

68 năm Ngày thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam: Cháy hết mình để xứng danh “Cánh chim đầu đàn” - Anh 2

 Các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam trong ngày gặp mặt

Không ngại khó, ngại khổ

Gần 7 thập kỷ qua, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đưa Chú Tễu cùng những nhân vật ngộ nghĩnh từ làng quê Việt đi ra khắp năm châu bốn biển. Đôi chân của các nghệ sĩ múa rối đã đặt tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Nhật Bản, Pháp, Italia, Indonesia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hungari, Na Uy, Myanmar, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Áo, Slovakia, Chilê, Thái Lan, Trung Quốc, Korea, Australia, CH Séc, Mexico... Bằng những trò diễn vừa vui nhộn, vừa độc đáo, hấp dẫn, các nghệ sĩ rối đã thực sự chinh phục khán giả nước ngoài và khẳng định đây là môn nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Nghệ thuật Múa rối đã và đang hòa nhập với hơi thở của thời đại qua những sáng tạo mang tính thử nghiệm đột phá. Hàng loạt đổi mới mang tính “bước ngoặt” như mở rộng khai thác đề tài nước ngoài vào sân khấu Rối nước truyền thống, tạo hình con rối hiện đại, mở rộng không gian sân khấu, kết hợp nhiều hình thức, thể loại nhân vật trong một chương trình, tìm sự hỗ trợ đắc lực từ vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng… đã giúp cho những tiết mục, chương trình của Nhà hát gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả và bạn bè quốc tế.

Suốt nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn đối ngoại cũng được Nhà hát chú trọng, các đoàn đi tham dự festival, chương trình giao lưu văn hóa đã thu được kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là việc triển khai biểu diễn doanh thu cũng mang về được nhiều hợp đồng lớn từ đối tác nước ngoài.

68 năm Ngày thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam: Cháy hết mình để xứng danh “Cánh chim đầu đàn” - Anh 3

 Giao lưu với đồng nghiệp quốc tế sau đêm diễn

Hiện nay, với 72 nhân sự gồm 57 biên chế và 15 hợp đồng trực thuộc 6 đơn vị, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã phát huy được tối đa năng lực của từng cá nhân để tạo nên sức mạnh tập thể, duy trì biểu diễn thường xuyên tại 3 địa điểm: Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Hà Nội) với các chương trình, vở diễn Rối nước, Rối cạn; Biểu diễn Rối nước truyền thống hằng ngày phục vụ khách du lịch tại Không gian văn hóa Việt (79 Hàng Trống, Hà Nội) trung bình mỗi ngày 3 suất; Kết hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức biểu diễn thường xuyên tại bãi biển Hoàng Hôn, Phú Quốc trung bình ngày 2 suất. Không chỉ mang danh hiệu “sáng đèn suốt 365 ngày trong năm”, mà trên thực tế số buổi diễn của Nhà hát đã lên tới hàng nghìn suất.

Bên cạnh những điểm diễn cố định, thường xuyên, Nhà hát Múa rối Việt Nam còn tích cực tham gia biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới hải đảo. Cán bộ, nghệ sĩ không quản gian khổ, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất để đưa chương trình đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Đi đến đâu, Nhà hát cũng nhận được sự yêu thích và khen ngợi của đông đảo khán giả, đặc biệt là các em nhỏ. Những tấm bằng khen, giấy khen của chính quyền địa phương chính là sự cảm ơn và ghi nhận thành công ý nghĩa và đáng tự hào của các chuyến lưu diễn.

Khó có thể liệt kê hết bảng thành tích xuất sắc của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại các liên hoan nghệ thuật Múa rối chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, nhưng rõ ràng dấu ấn của Nhà hát đối với công chúng và đồng nghiệp là điều không thể phủ nhận khi luôn giữ vững và phát huy vai trò của một đơn vị đầu ngành, là trung tâm biểu diễn Múa rối lớn nhất cả nước, vừa đảm bảo chức năng bảo tồn, vừa khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như một thế mạnh; đồng thời phát triển được những sáng tạo mới mang hơi thởđương đại vào nghệ thuật Múa rối để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khán giả, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc