Mất 5 ngôi mộ cổ mà không ai hay!?

VHO- Chuyện thật, không phải phao tin đồn nhảm câu view của những “anh hùng bàn phím” đâu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Trung Lưu đã chính thức lên tiếng yêu cầu các Sở, ngành và thành phố Hà Tiên báo cáo về vụ các ngôi mộ cổ trong lăng Mạc Cửu bị mất, thất lạc.

Trả lời một tờ báo, ông Lưu nói rằng, “các ngôi mộ cổ là do thành phố Hà Tiên quản lý nhưng cấp trên chịu trách nhiệm vẫn là Sở VHTT tỉnh. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại dự án công trình nhà dưỡng lão dưới chân núi Bình San, xem dự án này do ai cấp phép, giám sát đến nay ra sao”.

Còn ông Lâm Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy phường Bình San, thành phố Hà Tiên xác nhận với báo chí là có tới 5 ngôi mộ cổ, được đánh số: 26, 31, 39, 48 và 49 đã bị làm mất và di dời sang chỗ khác. Trong số đó có 3 ngôi mộ cổ còn tìm thấy tấm bia dựng vào vách núi, còn 2 ngôi mộ cổ khác đã mất tích. Đó là mộ số 48 và 49 ở phía sau nhà dưỡng lão đang xây dựng. Khi một phóng viên đề cập, “vì sao mất các ngôi mộ cổ trong khu di tích danh thắng núi Bình San từ lâu nhưng chưa khắc phục được”, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Việc mất các ngôi mộ cổ là có. Tôi đã giao cho thành phố Hà Tiên xử lý vụ việc này. Lúc làm hồ sơ thủ tục được công nhận di tích là Sở quản lý, còn được công nhận rồi thì trách nhiệm quản lý thuộc về địa phương”.

Nguyên nhân dẫn đến việc mất 5 ngôi mộ này được ông Vĩnh Phúc, Phó ban bảo vệ di tích danh thắng núi Bình San lý giải, là do việc xây dựng nhà dưỡng lão dưới chân núi Bình San và đơn vị thi công đã “vô tư” lấy đất, san lấp dẫn đến mất ngôi mộ cổ của các vị tướng nằm trong khu lăng mộ Mạc Cửu. “Việc di dời mồ mả của các ông tướng để xây dựng nhà dưỡng lão là vi phạm về mặt quản lý di tích”, ông Phúc nói. Được biết, khu lăng mộ Mạc Cửu có 60 ngôi mộ cổ gồm ông bà, gia đình, con cháu và các tướng của ông Mạc Cửu được chôn cất khắp nơi xung quanh di tích danh thắng quốc gia núi Bình San.

Vụ việc mất những 5 ngôi mộ cổ nằm trong khu vực bảo vệ di tích, danh thắng quốc gia núi Bình San đến nay vẫn chưa thể xác định được thời điểm xảy ra, và ai là thủ phạm, chỉ biết nó diễn ra từ rất lâu, gây bức xúc trong dư luận. Hiện vụ việc đang được các phòng, ban chức năng của thành phố Hà Tiên báo cáo với cấp có thẩm quyền, nhưng rõ ràng, qua sự việc nghiêm trọng này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ di tích, danh thắng nơi đây đã bộc lộ sự lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát và có dấu hiệu “khoán trắng” cho Ban quản lý di tích. Cạnh đó, một dự án xây dựng với quy mô lớn lại nằm sát kề với di tích, danh thắng quốc gia mà trong quá trình thẩm định hồ sơ, quy hoạch lại không có sự đánh giá tác động đến cảnh quan, không gian di tích là đã lờ đi quy định của Luật Di sản văn hóa. Vai trò của các Sở, ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương trong vụ việc này cần phải thẳng thắn nhìn nhận về chức trách của mình, theo hướng làm rõ trách nhiệm: Ai đã bỏ qua quy định của Luật Di sản văn hóa khi thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng sát kề di tích, danh thắng; việc để đơn vị thi công xâm lấn, xâm phạm trong khu vực bảo vệ di tích, danh thắng chậm được phát hiện, xử lý; có hay không “nhắm mắt làm ngơ” cho những sai phạm của đơn vị thi công?

Phân cấp quản lý di tích là đúng, nhưng chính quyền, cơ quan chức năng cứ phó mặc cho ban quản lý hoặc người trông coi mà thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều câu chuyện nhỡn tiền đã cho thấy vấn đề này. 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc