Bước tạo đà để Xẩm hướng tới di sản văn hóa thế giới

VHO- Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2023 vừa diễn ra đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật hát Xẩm và là tiền đề quan trọng trong quá trình đề nghị UNESCO đưa vào danh mục di sản Văn hóa thế giới.

Bước tạo đà để Xẩm hướng tới di sản văn hóa thế giới - Anh 1

 Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ hát Xẩm Hà Thị Cầu tỉnh Ninh Bình tại liên hoan

Liên hoan thu hút sự tham gia của khoảng 200 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 20 câu lạc bộ đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Sau những ngày diễn ra sôi nổi, Ban tổ chức đã trao nhiều giải thưởng cho các tập thể và cá nhân.

Theo đánh giá của nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan, những điệu xẩm, lời ca ngợi ca quê hương, đất nước, tình yêu thương, lòng nhân ái và những suy tư về nhân tình thế thái đã được các câu lạc bộ, nhóm xẩm từ nhiều địa phương trên cả nước thể hiện, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả và thành viên Hội đồng nghệ thuật. Liên hoan lần này có thêm nhiều câu lạc bộ mới tham dự, đồng thời thu hút đa dạng lứa tuổi, đối tượng. Có nhiều thành viên các câu lạc bộ là nông dân, cán bộ, giáo viên, nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ chuyên nghiệp đã nghỉ hưu và đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật, sinh viên và học sinh các cấp. Chất lượng chung thể hiện ở Liên hoan tương đối đa dạng. Bên cạnh các bài điệu, xẩm cổ, các câu lạc bộ đã tự tin hơn trong việc chọn thơ, sáng tác thơ, lồng điệu xẩm tạo nên những bài xẩm mới có nội dung đa dạng. Đặc biệt, trong các tiết mục, các địa phương tham dự, Hội đồng Nghệ thuật đã nhìn thấy những hạt nhân có thể phát triển trong tương lai.

Ông Trần Việt Phương, Phó Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình cho biết, hát Xẩm là một hình thức diễn xướng dân gian bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc, một loại hình nghệ thuật độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Dù có lúc Xẩm có sự phát triển thăng trầm, song hiện tại Xẩm đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Ninh Bình, nơi có cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, với tiếng hát xuyên thế kỷ, đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp ca hát, sáng tác và truyền dạy Xẩm, làm cho hát Xẩm trở thành điểm sáng. Năm 2022, nghệ thuật hát Xẩm Ninh Bình được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để bảo tồn, khơi dậy và phát huy giá trị của loại nghệ thuật hát Xẩm, Phó Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình cho biết, nhiều năm qua Ninh Bình đã nỗ lực triển khai nhiều nghiên cứu khoa học, hội thảo trong nước và quốc tế, xây dựng các đề án bảo tồn cùng các hoạt động thực tiễn như truyền dạy, củng cố hoạt động của các câu lạc bộ, hội nhóm Xẩm, thường xuyên tổ chức trình diễn trước công chúng. “Liên hoan là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật hát Xẩm, là tiền đề để xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh nghệ thuật hát Xẩm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại..”, Phó Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình nhấn mạnh.

NGUYỄN LINH 

Ý kiến bạn đọc