Đề nghị xếp hạng quốc gia đối với Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek

VHO - Ngày 16.11, Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học thông qua hồ sơ Di tích chiến thắng Đăk Pek đề nghị xếp hạng cấp quốc gia. Hội thảo có sự tham gia của các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu tại Đăk Pek.

Đề nghị xếp hạng quốc gia đối với Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek - Anh 1

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum Phan Văn Hoàng chủ trì Hội thảo

Theo hồ sơ di tích, năm 1916, thực dân Pháp lập đồn bốt tại Đăk Pek, huyện Đăk Glei (Kon Tum) do lính khố xanh đóng giữ dưới sự chỉ huy của quan dân Pháp. Căn cứ Đăk Pek nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, được xây dựng trên một cụm đồi thấp có diện tích khoảng 1,5 km2, nằm sát bên quốc lộ 14 và sông Pô Kô. Căn cứ này nhằm cắt đứt đường 14 nối với khu 5 và án ngữ hệ thống đường Hồ Chí Minh. 

Những năm 1954, chính quyền Sài Gòn xem huyện Đăk Glei là vùng xung yếu mất an ninh và dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn, trong đó có việc cho phép quân đội được toàn quyền hành động, đàn áp, tiêu diệt phong trào cách mạng của ta.

Năm 1962, Mỹ tiếp tục xây dựng căn cứ Đăk Pek thành tiền đồn biên phòng gần biên giới Việt – Lào, cách TP Kon Tum khoảng 110 km. Lực lượng đặc biệt đóng tại căn cứ Đăk Pek với mục đích ngăn chặn, phá hoại đường vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam của quân và dân ta. Tại căn cứ này, quân đội Sài Gòn đã thiết lập một trại với lực lượng đặc biệt với mục đích chống lại sự xâm nhập của quân ta theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Trong nhiều năm sau đó, với vai trò vị trí hết sức quan trọng, cụm cứ điểm Đăk Pek đã trở thành nơi giao tranh quyết liệt giữa ta và địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỹ - ngụy đã biến nơi đây trở thành một cụm cứ điểm kiên cố, vững chắc, hiện đại, trang bị phương tiện vũ khí tối tân về phương tiện, kỹ thuật quân sự hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ.

Ngoài những ưu thế về mặt quân sự như: kiên cố, vũ khí mạnh, lực lượng tinh nhuệ, công sự vững chắc, cứ điểm Đăk Pek còn là nơi có địa hình phức tạp với nhiều cụm đổi cao liên hoàn nối tiếp nhau, kiến tạo tu nhiên rất đặc biệt, vừa dễ quan sát, phòng thủ, vừa có thể độc lập tác chiến và yểm trợ cho nhau. Tại các cứ điểm này có thể nhìn bao quát được một khu vực rộng lớn, gây nhiều khó khăn cho lực lượng ta tiếp cận và tiến công.

Đề nghị xếp hạng quốc gia đối với Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek - Anh 2

Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) kể lại trận đánh Chiến thắng Đăk Pek

Theo đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), cụm cứ điểm Đăk Pek nằm trên đường giao thông huyết mạch, là “động mạch chủ” của đường Trường sơn. Cụm cứ điểm Đăk Pek có vai trò chiến lược trong chiến cuộc đông xuân 1974 - 1975. Nếu không giải phóng quận lị Đăk Pek, khai thông “động mạch chủ” đường vận chuyển Trường Sơn, thì không tổ chức được Chiến dịch tổng tiến công mùa xuân 1975. Vì tầm chiến lược sinh tử đó, năm 1974, Quân ủy Trung ương giao cho mặt trận B3 Tây Nguyên tiến công, kết liễu cụm cứ điểm Đăk Pek chốt giữ trên đường 14. 

Để thực hiện nhiệm vụ tiến công giải phóng cụm cứ điểm Đăk Pek, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập đoàn 260 gồm: trung đoàn 66, trung đoàn 3, trung đoàn pháo binh 40, trung đoàn phòng không 234, trung đoàn xe tăng 273… vào chiến đấu. Sau thời gian trinh sát nắm địa hình, Bộ tư lệnh 260 lập kế hoạch tiêu diệt Đăk Pek.

“6 giờ sáng ngày 16.5.1974, các trận địa pháo tiếp tục đồng loạt “dội bão lửa” vào cụm cứ điểm Đăk Pek. Được sự yểm trợ của hỏa lực, 2 trung đoàn bộ binh đã tiến hành mở cửa đồng loạt xung phong vào trận địa địch trên các hướng. Không còn đường lùi, địch tập trung toàn lực chống cự quyết liệt. Tuy nhiên quân địch đã hoàn toàn khuất phục trước sức mạnh của bộ binh trung đoàn 3 và trung đoàn 66. Đến 12 giờ ngày 16.5, các đơn vị tham gia trận đánh đã làm chủ được hoàn toàn cứ điểm Đăk Pek, lính trong cụm cứ điểm Đăk Pek đồng loạt xin hàng. Kết quả, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 586 lính, xóa sổ tiểu đoàn 88 biệt động quân, phá hủy toàn bộ hầm ngầm, lô cốt, bắn cháy 1 máy bay, phá hủy 2 khẩu pháo và thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến đấu của địch. Giải phóng 3.000 người dân tại 8 xã, 10 ấp chiến lược”, Đại tá Lạn nhớ lại.

Đề nghị xếp hạng quốc gia đối với Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek - Anh 3

Thế hệ trẻ huyện Đăk Glei (Kon Tum) ôn lại truyền thống anh hùng của cha ông ở Chiến thắng Đăk Pek

Theo Sở VHTTDL Kon Tum, Chiến thắng Đăk Pek đã đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của địch trên địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên, tạo tiền đề để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xây dựng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền. Với nhiều giá trị và ý nghĩa lịch sử, ngày 20.6.2006, Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Đăk Pek được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Thông qua Hội thảo lần này, Sở VHTTDL sẽ lấy ý kiến góp ý của các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và các nhân chứng lịch sử để hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL xem xét, quyết định xếp hạng Chiến thắng Đăk Pek là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

NGỌC HOÀ

Ý kiến bạn đọc