Người dân miền Tây Nghệ An hoảng loạn do tin đồn thất thiệt

VH- Người dân chưa kịp gượng dậy thì trong những ngày qua họ lại phải gồng mình chống chọi với những lũ chồng lũ, cùng với nước trên thượng nguồn sông Cả lên nhanh... làm nhiều nhà dân ở miền Tây Nghệ An bị ngập nặng, giao thông bị chia cắt...

Người dân miền Tây Nghệ An hoảng loạn do tin đồn thất thiệt - Anh 1

 Nhiều nhà dân bị ngập trong biển nước ở huyện Tương Dương

Người dân miền Tây Nghệ An hoảng loạn do tin đồn thất thiệt - Anh 2

 Người dân miền núi Tương Dương di tản lên núi cao

Chị Lô Thị Sửu, trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn còn bàng hoàng và chưa quên được ngày bà con nơi đây cùng hò nhau, nháo nhào chạy lên núi để trốn lũ.

Chị cho biết, ngày 31.8, thấy nước lũ ở sông chảy cuồn cuộn lại lên nhanh, cùng lúc đó mọi người nói với nhau có thông tin vỡ đập thủy điện nên mọi người gọi đi lên núi, nếu ở lại thì chỉ có trôi theo dòng nước bạc. Vừa nói mọi người vừa chạy, người lớn bế trẻ nhỏ, dắt người già ôm đồ đạc di chuyển lên các ngọn núi, có nhiều người không kịp khóa cửa, không kịp cất giữ các tài sản... Người dân cả thị trấn ai cũng hoảng loạn.

Ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, vào ngày 31.8, nước lũ từ Lào đổ về. Để điều tiết an toàn hồ chứa, các nhà máy thủy điện phải đồng loạt xả lũ. Khi thủy điện Bản Vẽ tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn khiến vùng hạ du ngập sâu. Cầu Bản Vẽ bị gãy, cuốn trôi. Rất may, lúc xảy ra vụ việc, không có người nào bị thương vong. Đây là cây cầu được xây dựng từ hơn 10 năm trước, là tuyến đường độc đạo nối Bản Vẽ với những bản còn lại làm cho toàn bộ bản này đang bị cô lập hoàn toàn. Gần 20 nhà dân đã bị cuốn trôi. Do nước dâng rất nhanh khiến nhiều người dân vùng hạ du tưởng rằng thủy điện vỡ đập nên rất hoang mang.

Được biết, cách thời điểm trên không lâu trên trang cá nhân của một số đối tượng đã phát tán tin thủy điện Bản Vẽ bị vỡ đập làm cho người dân lo sợ, hoảng loạn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh cơ quan chức năng xác định đây là thông tin thất thiệt và cảnh báo người dân không nghe theo. Để trấn tĩnh tinh thần người dân, chính quyền huyện Tương Dương chỉ đạo Phòng VHTT dùng ô tô có gắn loa chạy dọc các tuyến đường để bác bỏ thông tin vỡ đập. Tại các khối, xóm, do điện lưới bị mất, cán bộ phụ trách được yêu cầu dùng máy phát điện để phát lên loa phóng thanh thông báo “đập thủy điện vẫn an toàn”. Lực lượng công an, quân đội cũng được giao nhiệm vụ gặp người dân để giải thích. Đến chiều cùng ngày 31.8, người dân mới lần lượt trở về nhà..

Người dân miền Tây Nghệ An hoảng loạn do tin đồn thất thiệt - Anh 3

Cơ quan Công an huyện Tương Dương triệu tập những người tung tin thất thiệt đập thủy điện Bản Vẽ vỡ tới làm việc

Ngày 1.9, Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) đã triệu tập 6 người tung tin thủy điện Bản Vẽ vỡ khiến nhiều người hoảng sợ chạy lên núi. Tại cơ quan điều tra, nhóm người này đã thừa nhận hành vi của mình. Bên cạnh đó, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng cho biết, khoảng 1h sáng 22.7, trên trang Facebook “Vi Phượng” đăng tải một số hình ảnh về mưa lũ trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn. Sau đó, Facebook “Ngoc Tuấn Lương” đã vào bình luận dưới các ảnh có nội dung sắp vỡ đập. Đúng thời điểm đó, Nhà máy Thủy điện Nậm Mô, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) đang xả lũ theo quy trình, nước sông trên sông Nậm Mô dâng cao ngập đường. Công an huyện Kỳ Sơn vào cuộc xác minh truy ra chủ nhân Facebook “Ngoc Tuấn Lương” là Lương Ngọc Tuấn (38 tuổi, là kỹ sư tổ sửa chữa Nhà máy Thủy điện Nậm Mô, quê xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu). Nội dung bình luận đã được nhiều người chia sẻ, khiến dư luận hoang mang.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định xử vi phạm phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với Lương Ngọc Tuấn, đồng thời xóa ngay bình luận trên và đăng tin xin lỗi người dân trên trang cá nhân.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, chưa kịp khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ trước, đêm 30.8, nhân dân xã Mỹ Lý lại tiếp tục trắng đêm di chuyển tài sản tránh ngập do nước lũ dâng cao. Các trường học cùng nhiều nhà dân ở đây vừa trải qua hai trận lũ lại tiếp tục bị ngập lụt. Lũ dâng cao đã khiến hơn 80 ngôi nhà bị ngập sâu, trong đó nhiều nhà sàn bị ngập lút mái. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Lý và người dân các bản vùng không ngập lụt, giúp các hộ dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Một số xã ven sông Lam thuộc huyện Con Cuông cũng bị ngập sâu, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp. Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, cộng với nước sông Lam dâng cao, chảy xiết đã khiến cầu Chôm Lôm bắc qua sông Lam ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã bị gãy, nguy cơ đổ sập rất cao. Điều này cũng đồng nghĩa hơn 500 hộ dân của ba bản người dân tộc Thái ở bờ tả sông Lam đang có nguy cơ bị cô

 lập, chia cắt; đặc biệt đe dọa đến sự tồn tại cầu treo Chôm Lôm. Huyện Con Cuông đã huy động chở 5.000 mét khối đá hộc, 2.000 rọ thép, cùng với đó huy động hơn 200 dân quân tự vệ và người dân xã Lạng Khê tích cực làm rọ đá để kè tại các điểm sạt lở. Hiện nay, cùng với đình chỉ việc lưu thông qua cầu, huyện đã bố trí lực lượng túc trực tại đây để kịp thời ứng cứu nếu có sự cố xảy ra. 

 ​ Mưa lũ làm 17 người chết và mất tích

Theo Báo cáo nhanh các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, thiệt hại do mưa lũ tính đến sáng qua 2.9, có 11 người chết, trong đó Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, mỗi tỉnh có 1 người chết, Thanh Hóa có 7 người. Hiện còn 6 mất tích chủ yếu ở Thanh Hóa và đã xác định danh tính của 2 người. Chính quyền địa phương đang tiếp tục xác minh 4 trường hợp còn lại. Mưa lũ làm 297 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70%, 828 nhà phải di dời khẩn cấp.

Về nông nghiệp có 3.978 ha lúa, hoa màu, thiệt hại; hơn 192 con gia súc, 25.890 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về thủy lợi, 620m kè và 6.174m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe. Tuy nhiên, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã cử các đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống cho người dân. Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, Bộ, ban, ngành tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất.

Riêng các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác hệ thống đê điều để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng kiểm tra, kịp thời sơ tán người dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt. Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ. PV-L.S

Phạm Ngân

 

 

 

Ý kiến bạn đọc