Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Scandal lộ đề thi ở Pháp, 19 thí sinh bị bắt...

Thứ Hai 08/07/2019 | 10:06 GMT+7

VHO-  Cuộc biểu tình của giáo viên ảnh hưởng việc chấm 108.000 trong số 4 triệu bài thi tốt nghiệp 2019. Các nhà giáo kêu gọi Chính phủ mở lại đối thoại về thay đổi kỳ thi tốt nghiệp từ 2021 theo hướng chú trọng quá trình học tập, ít phụ thuộc vào kỳ thi cuối cấp.

Các giáo viên và người dân biểu tình tại Pháp

 

 Hàng nghìn người xuống đường biểu tình, nhiều giáo viên qua đêm tại các phòng học, trong khi số khác mặc đồ đen để “tiếc thương” kỳ thi. Đây cũng không phải lần đầu tiên kỳ thi bị lộ đề. Năm ngoái, 4 cựu thí sinh nhận án tù treo vì liên quan việc đề Toán bị rò rỉ trên diễn đàn mạng, Mirror ngày 6.7 cho hay.

Không còn có ích?

Liên quan vụ lộ đề thi tốt nghiệp môn Toán, cảnh sát Pháp đã bắt 19 thí sinh. Hàng nghìn giáo viên biểu tình, ảnh hưởng tiến độ chấm thi. Họ cũng đe dọa không công bố điểm. Theo lịch, ngày 5.7, học sinh trung học ở Pháp sẽ nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp diễn ra hồi tháng 6. Thế nhưng thí sinh đứng trước nguy cơ không thể biết điểm thi, vì giáo viên biểu tình. Vụ lộ đề thi qua tin nhắn và WhatsApp, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 19 thí sinh.

Văn phòng công tố Paris cho biết 7 em được thả, trong khi 12 người còn lại vẫn bị giam và có thể đối mặt tội danh gian lận thi cử, phá vỡ niềm tin. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giáo dục quyết định không hủy kết quả thi. Nhiều giáo viên không hài lòng khi sự cố lộ đề có thể ảnh hưởng khoảng 370.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer đứng trước áp lực lớn khi hàng loạt giáo viên chấm thi ở nhiều vùng đe dọa không trả kết quả. Ngoài phản đối vụ lộ đề, động thái này còn nhằm gây sức ép đối với những cải cách thi tốt nghiệp sẽ có hiệu lực từ năm 2021.

“Hiện tại, tôi phải thừa nhận đây là nguy cơ nhỏ, nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo thí sinh nhận được kết quả thi”, ông nói trên kênh truyền hình BFM. Bộ trưởng cũng gửi lời tới những “giáo viên quyết định chơi trò biểu tình”, đe dọa cắt hai tuần lương của họ. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron từng cam kết cải cách kỳ thi tốt nghiệp, vì cho rằng nó không còn có ích trong việc giúp học sinh chuẩn bị vào đại học và tham gia thị trường lao động. Ông cũng đánh giá hệ thống giáo dục Pháp phụ thuộc quá nhiều vào thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp nước này nổi tiếng nghiêm ngặt, duy trì cấu trúc có từ thời Napoleon (năm 1808), với những câu hỏi triết học “hại não” như: “Liệu chúng ta có luôn biết mình muốn gì?”.

 Đề thi toán bị rò rỉ qua tin nhắn điện thoại

Nghiêm ngặt với gian lận

Ở nước Pháp, trung thực trong thi cử được coi trọng hàng đầu. Hình phạt cho những học sinh, du học sinh quay cóp là cấm thi từ 3-5 năm kể từ thời điểm phát hiện gian lận. Nếu đến Pháp học tập, tốt hơn hết bạn phải từ bỏ ý định gian lận thi cử. Bởi lẽ, tại nước Pháp, nếu nhà trường phát hiện bạn gian lận thì tùy mức độ nặng nhẹ, họ sẽ cấm bạn thi trong 3-5 năm kể từ thời điểm bạn bị “bắt quả tang”. Không chỉ là nỗi xấu hổ với bạn bè, thầy cô, trong 3-5 năm đó, bạn sẽ không thể tiếp tục hoàn thành chương trình học tập, trễ việc thi cử để có bằng đại học, hậu quả là không thể xin giấy lưu trú và có thể phải về nước giữa chừng…

Hơn thế, hệ thống giáo dục tại nước này còn có phần mềm phát hiện gian lận thi cử rất tân tiến. Phần mềm có thể đối chiếu bài thi giữa các học sinh cùng lớp, khác lớp với nhau và thậm chí, phát hiện rất tinh việc bạn xào luận văn, câu từ của các tác giả có tiếng… Việc trích nguồn là rất quan trọng, khi muốn sử dụng phần lập luận, câu từ của tác giả nào đó thì cần lưu ý trích nguồn, ghi đầy đủ tên tác giả, tên cuốn sách, ngày xuất bản, năm xuất bản… Bạn chỉ cần thay đổi cách đặt câu từ thì họ vẫn có cách phát hiện ra bạn dùng trí tuệ của người khác.

Ở Pháp trẻ từ 6 đến 16 tuổi bắt buộc phải đi học. Đặc biệt học phí được nhà nước chu cấp, chỉ phải đóng hội phí hội phụ huynh học sinh để mua sách vở và dụng cụ học tập khoảng 70 euro/năm (2 triệu VND). Còn việc quản lý giao cho chính quyền địa phương. Nền giáo dục Pháp giúp học sinh có cái nhìn bao quát và sớm hơn để tự chọn con đường đi dựa vào học lực, sở thích của mình ngay từ học cấp 3 để không phải bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa đại học.

NGUYỄN HƯNG-L.T

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top