Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chung tay để người nghèo “an cư, lập nghiệp” - Bài 2: Không ai bị bỏ lại phía sau

Thứ Bảy 31/08/2019 | 21:10 GMT+7

VHO- Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng. Tuy nhiên, để công cuộc xóa đói, giảm nghèo được bền vững thì Chính phủ cần những chính sách quyết liệt và phù hợp trong tình hình mới, cùng với đó là sự chung tay của toàn bộ người dân.
 

Làm sao để người nghèo thoát nghèo bền vững?

Là người gắn bó với người nghèo và công tác giảm nghèo suốt 30 năm qua, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, những thành tựu trong công tác giảm nghèo nhanh đã đem lại thay đổi căn bản cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có chương trình giảm nghèo được triển khai hiệu quả, về đích sớm với mục tiêu số 1 trong mục tiêu thiên kỷ, qua nhiều chặng đường, nhiều giai đoạn giảm nghèo, điều chỉnh tiêu chuẩn từ nghèo thu nhập, năm 2016 chúng ta chuyển hẳn sang tiếp cận nghèo đa chiều, điều này thể hiện sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước, cùng với nỗ lực, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị. 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban vè các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi cũng thừa nhận công cuộc giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, bởi tình trạng phân hoá giàu nghèo tăng lên giữa nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư tăng lên; số hộ nghèo cũ giảm, nhưng lại phát sinh hộ nghèo mới do thiên tai, tai nạn; bên cạnh đó là hộ cận nghèo có xu hướng tăng, còn tình trạng tái nghèo. Do đó, để công cuộc xóa đói, giảm nghèo được bền vững thì Chính phủ cần những chính sách quyết liệt và phù hợp trong tình hình mới.

Phân tích thêm về điều này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, qua công tác giám sát thời gian qua cho thấy có nhiều yếu tố cản trở một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa khó đạt mục tiêu giảm nghèo. Điều  này được thể hiện ở cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em còn khó khăn do trường, lớp, giáo viên ít, xa xôi. Vấn đề chăm sóc sức khỏe mới đảm bảo được các dịch vụ y tế cơ bản, khi người dân mắc bệnh nặng đòi hỏi kỹ thuật cao thì phải lên tuyến trên, chi phí gia tăng làm nguy cơ tái nghèo cao, từ thoát nghèo lại rơi xuống hộ nghèo. Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất như đất canh tác, giao rừng, con giống, cây trồng, không đáp đứng được cho người dân để tạo cơ hội thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo. 

“Vấn đề quan trọng nhất để đảm bảo giảm nghèo bền vững là chất lượng nguồn nhân lực, tức là tỉ lệ học sinh phổ cập tiểu học, tốt nghiệp THCS phải cao để được đào tạo nghề hoặc tốt nghiệp Đại học phải tăng để từ đó tăng tỷ lệ lao động được đào tạo, thanh niên có việc làm… Bên cạnh đó, cũng phải tăng năng lực cán bộ cơ sở, nhằm tạo ra được năng lực của địa phương”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Ông Bùi Sỹ Lợi trong chương trình trao tặng bò cho người nghèo

Ngoài ra, về bản thân người nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhận định đa số đều có ý thức trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, nhưng do chính sách giảm nghèo của Chính phủ trong nhiều năm bộc lộ chủ trương hỗ trợ cấp không, cho không mà không gắn với điều kiện ràng buộc dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không tự vươn lên để giảm nghèo cho chính bản thân mình. Do đó, hiện nay đã có nhiều chương trình giảm nghèo đã hướng đến việc hỗ trợ “cần câu thay vì con cá” như các chương trình cho vay vốn, nâng cao kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, dịch bệnh để người nghèo thoát nghèo bền vững. “Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tặng bò sinh sản, dê, giống gia súc để người nghèo có điều kiện nhân rộng và phát triển vật nuôi, tăng thêm thu nhập, đồng thời, khi các con vật nuôi sinh sản sẽ tiếp tục được sử dụng những con mới sinh để hỗ trợ người nghèo khác”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của quốc hội nói. 

Cả nước chung tay vì người nghèo 

Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau” và cao điểm là Chương trình Ngày vì người nghèo được tổ chức hằng năm đã khơi dậy, lan toả tinh thần tương thân, tương ái, “Lá lành đùm lá rách” trong nhân dân với điểm nhấn là chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ Vì người nghèo qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400.

Năm 2019, chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019  sẽ diễn ra vào ngày 17.10 và truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam với mục tiêu huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực giúp đỡ cho người nghèo. Theo Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, năm 2018, trong vào sau chương trình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, cả nước đã nhận được 945 tỷ đồng ủng hộ qua Quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội của các ban, bộ, ngành trung ương. Từ kết quả đó, Quỹ Vì người nghèo Trung ương đã phân bổ trên 15 tỷ đồng tặng quà Tết hộ nghèo; 3,48 tỷ đồng làm nhà Đại đoàn kết ở 13 tỉnh; hỗ trợ học sinh khó khăn, người ốm đau 1,86 tỷ đồng. Còn nguồn Quỹ Vì người nghèo địa phương và chương trình an sinh xã hội đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 18.600 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp đỡ hỗ trợ hơn 105.000 hộ nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ 350.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn được học tập, hỗ trợ 850 công trình cầu đường, lớp học, trạm xá...

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ,  Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Tổng Giám đốc Đài THVN Trần Bình Minh nhắn tin ủng hộ người nghèo

Số liệu của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, hiện nay cả nước hiện còn 5,23% hộ nghèo (khoảng 1,3 triệu hộ); tốc độ giảm nghèo trên 1,5% đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao ( giảm từ 1,3- 1,5%). Chỉ còn ba tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% là Điện Biên , Cao Bằng và Hà Giang. Trong khi đó, số hộ cận nghèo còn 1,2 triệu hộ, chiếm 4,95% tổng số hộ của cả nước. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã đề nghị sử dụng khoảng 40 tỉ đồng của Quỹ Vì người nghèo Trung ương năm 2018 chưa được phân bổ để tập trung xây mới và sửa chữa cho khoảng 1.000 căn nhà đại đoàn kết từ tháng 10 tới nhằm giúp người nghèo đón Tết, trong đó ưu tiên các hộ nghèo ở vùng thiên tai, bão lũ, các hộ nghèo thuộc gia đình chính sách…

Năm nay, thay vì phát động đợt nhắn tin ủng hộ Quỹ Vì người nghèo từ tháng 10 như mọi năm, chương trình đã được tổ chức sớm hơn (từ ngày 19.8 – 31.12) nhằm thu nhận sự đóng góp nhiều hơn của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Về phương hướng sử dụng nguồn hỗ trợ người nghèo của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề nghị tập trung xây nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là hộ gia đình có người có công và xử lý dứt điểm, không để người có công còn phải ở nhà đơn sơ, nhà tạm trong năm 2019 (hiện cả nước còn 16.500 hộ nghèo thuộc đối tượng người có công). Ngoài ra, nguồn lực ủng hộ sẽ tập trung chăm lo Tết cho người nghèo sung túc hơn và bố trí dành học bổng kịp thời cho các học sinh, sinh viên nghèo đang học ở các trường nghề, cao đẳng, đại học trong tháng 9.2019.

Có thể nói, chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp trong xã hội, số tiền Ban Chỉ đạo thu nhận sẽ được sử dụng để góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với các hộ nghèo ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hộ nghèo thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây chính là một nguồn lực quan trọng cùng với nguồn lực của Nhà nước để hướng tới mục tiêu cao cả và nhân văn là "không ai bị bỏ lại phía sau". Trong năm 2018, chương trình đã thu được số tiền qua nhắn tin ủng hộ là hơn 6,3 tỷ đồng, cùng với các nguồn lực vận động được khác và nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Quỹ Vì người nghèo đã xây dựng và sửa chữa 18.626 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ hỗ trợ hơn 105.000 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ trên 1 triệu lượt hộ nghèo được khám chữa bệnh, trên 350.000 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ học tập.

Tính đến hết tháng 7.2019, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận số tiền trên 43,8 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ trên đã phân bổ hỗ trợ số tiền 26,659 tỷ đồng để thăm tặng quà Tết cho các hộ nghèo tại các địa phương với số tiền 15,017 tỉ đồng; tặng áo ấm và phương tiện nghe nhìn với số tiền 6,3 tỉ đồng; hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết tại 13 tỉnh, thành phố với số tiền 3,48 tỉ đồng; Hỗ trợ học sinh thuộc gia đình nghèo đi học, người ốm đau, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 1,862 tr đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn lực vận động được cùng với hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 18. 626 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; giúp đỡ, hỗ trợ hơn 105.000 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; giúp đỡ, hỗ trợ trên 1 triệu lượt người nghèo được khám chữa bệnh; Giúp đỡ, hỗ trợ trên 350.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về học tập; Hỗ trợ xây dựng 857 công trình dân sinh (cầu đường, lớp học, trạm xá,...) và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo.

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top