Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hội An mang quá khứ vào tương lai

Thứ Sáu 06/09/2019 | 09:09 GMT+7

VHO- Đến nay đã tròn đầy hai thập niên Khu phố cổ Hội An được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới. Cũng trong khoảng thời gian đầy thử thách này, Khu phố cổ Hội An không những đã vượt qua giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất mát di tích và liên quan đến tính mạng con người, mà nơi đây còn đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế…

Du khách rất thích thú tham quan Khu phố cổ Hội An bằng xích lô

1.Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đồng thuận đi đến nhận xét: “Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Lý do của thành công này là ở chỗ Hội An có một hệ thống chính sách liên kết chặt chẽ quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch”.

Và cũng trong nhiều hội nghị, hội thảo mang tầm quốc tế, nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực bảo tồn di tích đã khẳng định, Hội An đã, đang làm được “mục tiêu xã hội của công tác bảo tồn là phải chú ý tiếng nói của cộng đồng vào các giải pháp bảo tồn, coi việc bảo tồn như là một công cụ xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội”, như Tuyên bố Amsterdam nhấn mạnh. Như chia sẻ của lãnh đạo UBND TP Hội An, điều vui mừng, phấn khởi và đáng ghi nhận đầu tiên, đó là nhận thức của cả cộng đồng được nâng cao. Hầu như ở Hội An hôm nay, từ cán bộ, công chức, viên chức đến từng người dân đều nhận rõ về trách nhiệm, ý thức phải giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa để làm kinh tế du lịch, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Và cũng từ đó để hiểu rằng, sự mất còn của di sản chính là sự mất, được về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Hội An không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau.

2. Cũng bởi thế mà từng người dân đã có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về sửa chữa, tu bổ các ngôi nhà, di tích. Các hành vi vi phạm di tích, vi phạm trong sửa chữa, tu bổ, xây dựng nhà ở trong Khu phố cổ đã giảm đi đáng kể. Nhiều chủ nhà, chủ kinh doanh đã biết lựa chọn cách làm đẹp ngôi nhà, cơ sở kinh doanh của mình theo xu hướng kiến trúc, môi trường cảnh quan truyền thống, sinh thái - văn hóa. Hay như sự ủng hộ của cộng đồng dân cư rồi đi đến đồng thuận thực hiện chủ trương chung của thành phố để giảm nhẹ ô nhiễm, tác động lên di tích cũng là vấn đề đáng phải quan tâm.

Còn nhớ Trung thu năm 1997, lần đầu tiên Hội An thử nghiệm cấm xe vào Khu phố cổ. Khi ấy dư luận người dân xôn xao, lạ lẫm và tỏ ra phản ứng trái chiều vì không hiểu sao thành phố lại làm như vậy. Trung tâm VHTT và Truyền thanh - Truyền hình được thành phố giao nhiệm vụ thăm dò, tham khảo ý kiến dư luận, kết hợp vận động người dân. Tháng 7.2004, đề án “Phố đi bộ” chính thức triển khai nhưng chỉ thực hiện 1 lần/1 tuần vào tối thứ Bảy, sau đó từ từ tăng dần lên,… “Chừ thì phố cổ Hội An đã có phố đi bộ 7 ngày/tuần. Người dân quen và xem đó là việc bình thường, ai đi xe mới là lạ”, ông Phạm Hồng, một người dân ở trong khu phố cổ nhắc lại. Sở dĩ có điều ấy là vì từ bao đời nay, cuộc sống đời thường của người Hội An vẫn diễn ra ngay trong lòng khu phố, trong từng nếp nhà cổ… Họ gắn bó với ngôi nhà bằng chính lối sống, văn hóa đặc trưng của vùng đất mình. Và vì thế, mỗi ngôi nhà cổ trong quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ sẽ là một “cá thể”, một “bảo tàng sống” rất ấn tượng, sống động.

 Trong 20 năm qua, kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, Khu đô thị cổ Hội An luôn được chính quyền và nhân dân quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, gắn với phát triển kinh tế du lịch. Trong ảnh: Nụ cười hồn hậu của người dân phố cổ Hội An Ảnh: T.L

Cũng như ông Hồng, nhiều người dân ở Hội An, khi được hỏi về cảm xúc của họ sau 20 năm Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã trả lời rất đơn giản, nhẹ nhàng rằng, đó là “nhà’’ của mình nên mình phải là người đầu tiên bảo vệ ngôi nhà mình đang sinh sống.

3. Một điểm nhấn khác không thể không nhắc đến trong suốt hai thập niên qua ở Hội An, đó là sự liên kết giữa các nhà: Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà dân. Mối quan hệ và sự gắn kết này được đặt trong những nguyên tắc biện chứng giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát huy, phát triển kinh tế, có giao lưu và hội nhập. Ở đây, chính quyền địa phương luôn xác định đặt lợi ích của cả cộng đồng lên trên hết nhưng đồng thời cũng phải luôn chú ý đến quyền, lợi ích thỏa đáng của nhóm, cá nhân trong cộng đồng. Lãnh đạo TP Hội An cho biết, mọi vấn đề phải được thể hiện một cách cụ thể, công khai, dân chủ, công bằng…, được từng đối tượng trong cộng đồng tham gia, cam kết thực hiện, xem đây là quy ước cộng đồng.

Bên cạnh đó, nói như lãnh đạo TP Hội An, Di sản thế giới này vẫn còn những khiếm khuyết, khó khăn, thách thức ở phía trước. Dẫu vậy, “thời kỳ phục hưng của Hội An có thể coi là sự thành công trong công tác bảo tồn di sản địa phương, trong việc sử dụng truyền thống văn hóa, kỹ năng và những sản phẩm địa phương như là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Hôm nay UNESCO chúc mừng những người dân Hội An, và tất cả những người đã ủng hộ họ về tầm nhìn đã mang quá khứ vào tương lai, và về cam kết những tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất của công tác bảo tồn di sản. Kết quả này là cả sự tuyệt vời và mẫu mực và chắc chắn rằng di sản văn hóa và cộng đồng dân cư của phố cổ xinh đẹp này sẽ không bao giờ mất đi…”, ông Richard Enghehardt, nguyên cố vấn văn hóa của UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương từng đánh giá.

 … Hôm nay UNESCO chúc mừng những người dân Hội An, và tất cả những người đã ủng hộ họ về tầm nhìn đã mang quá khứ vào tương lai, và về cam kết những tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất của công tác bảo tồn di sản. Kết quả này là cả sự tuyệt vời và mẫu mực và chắc chắn rằng di sản văn hóa và cộng đồng dân cư của phố cổ xinh đẹp này sẽ không bao giờ mất đi…

(Ông RICHARD ENGHEHARDT, nguyên cố vấn văn hóa của UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương)

 

 KHÁNH CHI - LÂM SƠN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top