Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Làm sao để trẻ sinh non không bị thiệt thòi?

Thứ Sáu 08/11/2019 | 10:51 GMT+7

VHO-  Những trẻ sinh non được sinh ra và chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có một ngày hội vô cùng vui vẻ và ý nghĩa khi được vui chơi, khám bệnh, biểu diễn văn nghệ...

Đây cũng là cơ hội để các bà mẹ chia sẻ những khó khăn, những kinh nghiệm để nuôi dưỡng các bé đến ngày hôm nay, làm động lực cho gia đình các bé sinh non vừa chào đời.

Bé Đức Anh tỏ ra phấn kích khi được PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tặng quà

Có một “Ngày hội trẻ sinh non”

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mỗi năm có khoảng 40.000 trẻ được sinh ra tại Bệnh viện thì có 9 – 10% trẻ sinh non dưới 2,5 kg, đặc biệt có rất nhiều cháu có cân nặng dưới 1kg. “Ngày hội trẻ sinh non ” được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức ngày 31.10 vừa qua hưởng ứng ngày trẻ sinh non thế giới 17.11, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Bệnh viện và cũng là dịp để các y bác sĩ gặp lại, chứng kiến những đứa trẻ mà mình đã chăm sóc hàng tháng trời đã lớn lên, khoẻ mạnh như thế nào.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, Bệnh viện mang sứ mệnh rất lớn là chăm sóc sức khỏe cho hai đối tượng: Bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là trẻ sinh non, vì các bé phải đối mặt với nhiều vấn đề về bệnh tật. “Việc tổ chức “Ngày hội trẻ sinh non” để cộng đồng và xã hội nhận thức rõ hơn về chăm sóc bà mẹ mang thai, nguy cơ sinh non và chung tay giảm tỷ lệ trẻ sinh non. Nếu trẻ bị sinh non thì phải được chăm sóc tốt nhất, khoa học nhất để khi bé lớn lên không bị thiệt thòi so với những trẻ sinh đủ tháng, để các bé trở thành những công dân có ích, điều này mang ý nghĩa rất lớn cho hạnh phúc mỗi gia đình và chất lượng dân số Việt Nam”, bác sĩ Ánh bày tỏ.

Ngày hội có sự tham gia của gần một trăm gia đình có trẻ sinh non, trong đó có những bé sinh đôi, sinh ba, có những bé đã lớn học cấp tiểu học, mầm non nhưng cũng có những bé còn đang chép chép môi đòi bú... Các bé tung tăng, chạy nhảy vui đùa, trong khi có những bé có vẻ gầy còm hơn so với những trẻ sinh ra đủ cân đủ tháng cùng lứa, thì cũng có những bé “khổng lồ” mà nếu không tham gia ngày hội thì sẽ không ai biết các bé đã từng được ra đời nhẹ cân, thiếu tháng, từng trải qua những nguy cơ giữa “sinh - tử” của bao trẻ sinh non khác.

Không khí ngày hội càng vui vẻ hơn qua tiết mục đọc thơ của bé Lê Đức Anh (Hà Nội, sinh năm 2015). Bé chào đời với cân nặng 900g, khi mẹ Chu Thị Ánh Tuyết mang thai ở tuần thứ 26. Giọng đọc còn ngọng nghịu nhưng đầy cảm xúc, dù mới bốn tuổi nhưng bé đã thuộc nhiều mặt chữ, và hồn nhiên đọc lời chúc các y bác sĩ của Bệnh viện mạnh khoẻ, hạnh phúc do một điều dưỡng ghi ra giấy.

Chị Chu Thị Ánh Tuyết nhớ lại, bé Đức Anh là con thứ hai trong gia đình, bé trước chị sinh bình thường, nhưng với cậu con trai bốn tuổi này, ngay từ thời kỳ đầu mới mang thai chị đã trải qua nhiều lần bị đe doạ xảy thai, bác sĩ dự đoán sẽ sinh non. Đến tháng thứ 6, chị phải vào bệnh viện cấp cứu, sau khi được bác sĩ điều trị ổn định, chị trở về nhà. Nhưng sau đó mấy hôm, ở tuần thai thứ 26, một lần nữa chị phải vào bệnh viện, với suy nghĩ là cấp cứu như những lần trước. Tuy nhiên, lần này bé Đức Anh không thể ở trong bụng mẹ lâu hơn mà sau đó ngay lập tức được chuyển đến Khoa Sơ sinh. Từ đây là những tháng ngày “thăng trầm” của gia đình theo tình trạng sức khoẻ của bé trong Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Đến nay bé đang đi học mầm non, dù cân nặng chỉ 13,5 kg nhưng ít ốm đặc biệt từ lúc 2 tuổi Đức Anh đã thuộc nhiều bài hát, đã biết đếm từ 1 – 100 và thuộc nhiều mặt chữ. “Con hay hỏi số ngày số mấy, chữ này chữ gì, rồi ăn sâu vào trí nhớ của con. Lần sau nhìn thấy những chữ, số ấy thì con đọc được luôn chứ không đánh vần, hay cũng không ai dạy con”, mẹ bé nói.

Ba bé sinh non (sinh ba) giờ đây đã lớn khôn khoẻ mạnh

Loại bỏ dần quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, do thiếu tháng nên trẻ sinh non có hệ miễn dịch không tốt, thân nhiệt không hoàn hảo, dễ nhiễm bệnh hô hấp, dễ nhiễm khuẩn, dễ có biến chứng về mắt dẫn đến mù loà, cuối cùng là trẻ sẽ chậm phát triển thể lực, cũng như trí lực. Vì vậy phải quan tâm, chăm sóc trẻ đặc biệt hơn bình thường, hầu như máy móc sẽ làm hết các chức năng này đến khi trẻ tự có thể làm, lúc này mới được ra viện. “Trước khi ra viện, bé sẽ được kiểm tra các chức năng thở, tim mạch, tiêu hoá, vận động... Khoa Sơ sinh của Bệnh viện với 60 bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc 24/24 cho khoảng 400 trẻ thì các y bác sĩ hầu như phải căng mình làm việc suốt ca trực của mình”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.

Nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ sinh non, bác sĩ Ánh cho rằng cách hiệu quả nhất là các bà mẹ phải chú ý đến việc chăm sóc sức khoẻ cho hai mẹ con, loại bỏ dần quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Những nguyên nhân dẫn đến sinh non có thể do các bà mẹ bị viêm nhiễm, đơn giản là viêm nhiễm răng miệng, viêm tiết niệu, viêm âm đạo, cổ tử cung... Đôi khi các bà mẹ lại hiểu sai là đi chữa những viêm này sẽ sinh non nên không chữa trị. Do đó, các bà mẹ mang thai cần đến những cơ sở chuyên khoa để được tư vấn về sức khoẻ, đặc biệt là đối với những bà mẹ có nguy cơ để được hướng dẫn các biện pháp dự phòng sinh non và điều trị kịp thời.

Hiện nay, chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh trở lên mới có các điều kiện để chăm sóc trẻ sinh non, nếu sinh ở cơ sở y tế tuyến dưới, trẻ sinh non cần được chuyển tuyến để hưởng các chế độ chăm sóc đặc biệt ngay từ những ngày đầu đời, tránh để lại những hậu quả, di chứng sau này. Rất may là toàn bộ chi phí cho trẻ sinh non đều được BHYT thanh toán. 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top