Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tổng kết cuộc thi “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Thứ Bảy 07/11/2020 | 15:17 GMT+7

VHO- Sáng nay 7.11 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) và Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người khiếm thị.

Cuộc thi Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tạo nên sân chơi, diễn đàn cho người khiếm thị trên cả nước có cơ hội được trao đổi, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về vai trò của việc đọc và học tập suốt đời. Qua đó, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo trong phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và tiếp thêm động lực cho những người không may bị khuyết tật thị giác vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Toàn cảnh buổi lễ

Trong quá trình tham dự, các thí sinh đã tiến hành làm bài trả lời 4 câu hỏi được đặt ra với những nội dung như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân người khiếm thị trong việc nỗ lực tự đọc, tự học và nghe sách nói; liên hệ tấm gương ham học của các danh nhân qua các thời kỳ lịch sử nói chung, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thực tế bản thân; những đề xuất về các giải pháp, phương pháp hỗ trợ người khiếm thị phát triển văn hóa đọc và đóng góp sáng kiến, đề xuất để kênh Cùng bạn đọc sách có thể hỗ trợ và giúp cho người khiếm thị trong việc tiếp cận thông tin, tri thức và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời tốt hơn...

Cuộc thi được phát động từ tháng 8 đến cuối tháng 9 năm nay. Theo thông tin từ BTC, hàng trăm bài dự thi của của các thí sinh khiếm thị từ mọi miền của Tổ quốc đã được gửi về. Thí sinh nhiều tuổi nhất sinh năm 1942. Thí sinh ít tuổi nhất sinh năm 2006. Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và TP.HCM là những địa phương có số lượng bài gửi dự thi nhiều nhất.  

Phát biểu tại lễ tổng kết, bà Vũ Dương Thuý Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện) cho biết: “Có thể nói, cuộc thi đã đạt được thành công trên nhiều phương diện. Trong đó, cuộc thi thu hút sự tham gia của các thí sinh ở 20 tỉnh/thành trên cả nước. Độ tuổi tham gia cũng hết sức đa dạng. Từ những người cao tuổi cho đến những những em học sinh đều gửi bài dự thi. Điều này cho thấy, thế hệ đi sau đã có sự noi gương từ những người đi trước để thực hiện việc học tập suốt đời. Thực tế, học tập suốt đời chính là con đường ngắn nhất để những người khiếm thị hoà nhập với cộng đồng, cống hiến những điều có ích cho xã hội”.

Đánh giá về chất lượng chuyên môn, bà Vũ Dương Thuý Ngà cũng cho biết thêm: “Trong công tác chấm giải, chúng tôi thật sự xúc động khi nhận thấy nhiều bài dự thi có sự đầu tư rất công phu, cho thấy rõ khao khát vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Các bài viết thể hiện dưới nhiều định dạng khác nhau. Có những thí sinh nộp bài thi ở nhiều định dạng cùng lúc như chữ in thường, chữ nổi, dạng âm thanh… Một số ý kiến được thí sinh đề xuất trong bài viết đã và đang được Vụ Thư viện, Hội Người mù Việt Nam hiện thực hoá để phát triển văn hoá đọc cho những người không may bị khuyết tật thị giác.”.

BTC trao giải cho các thí sinh tham dự cuộc thi

Kết quả, BTC đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba và 41 giải Khuyến khích cho các thí sinh. Giải Nhất đã thuộc về ông Nguyễn Trung Thành (Hội viên Hội Người mù tỉnh Nghệ An). 2 giải Nhì cũng được trao cho các thí sinh Lê Thị Diệu Châu (Phó Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Đà Nẵng) và Lê Dương Thể Hạnh (tác giả cuốn sách Có một mặt trời không bao giờ tắt, Bình yên sau giông bão).

Là một trong những thí sinh lên nhận giải Ba tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Vang (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Lúc gửi bài dự thi, tôi không đặt nặng vấn đề được giải hay không. Chỉ đơn giản nghĩ bản thân là người khiếm thị, tham gia cuộc thi sẽ là gương cho con cháu thực hiện việc học tập suốt đời. Cuộc thi đã tạo động lực cho những người khiếm thị hăng say hơn trong việc đọc sách; tạo ra chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đến với thế giới của tri thức, sự thành công. Được giải thì thật sự hạnh phúc nhưng cái chính tôi muốn hướng đến là góp sức vào lan tỏa phong trào đọc sách, thực hiện theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”.

 Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương Vì Hạnh phúc người mù cho bà Vũ Dương Thúy Ngà

Cũng tại buổi lễ, Hội Người mù Việt Nam đã trao tặng kỷ niệm chương Vì Hạnh phúc người mù cho bà Vũ Dương Thúy Ngà vì đã có nhiều hoạt động hỗ trợ và giúp đỡ cho người khiếm thị.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top