Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Những người “thổi hồn” vào đồ đồng

Thứ Sáu 05/02/2021 | 10:58 GMT+7

VHO- Làng Chè (Trà Đông), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) không chỉ là quê hương Nhà sử học đầu tiên của Việt Nam Lê Văn Hưu mà còn được mệnh danh làng “cổ vật” xứ Thanh, nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Năm 2018, nghề đúc đồng nơi đây đã được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Thực hiện công đoạn đúc đồng theo đúng kỹ thuật truyền thống

 Đây cũng là một trong những địa phương có nhiều Nghệ nhân ưu tú của Thanh Hóa. Đặc biệt, ở làng Chè Đông có một gia đình ba thế hệ nức tiếng với những con người tài hoa, đó là gia đình Nghệ nhân Đặng Ích Hoàn.

Làm “sống lại” nghề cổ truyền của địa phương

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ích Hoàn tiếp chúng tôi trong phòng khách cũng là nơi trưng bày các sản phẩm đồ đồng như trống, chiêng, mỹ nghệ trang trí…, bên cạnh đó là xưởng sản xuất rộn ràng những tiếng búa, tiếng bễ lò rèn và những người thợ đang miệt mài khắc từng nét hoa văn. Ông Hoàn bồi hối nhớ lại: “Bố tôi là Đặng Ích Hoán được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân năm 1980. Ông là người đầu tiên của làng đã dày công nghiên cứu sử sách để phục chế những chiếc trống đồng theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống. Bố cũng là người đã truyền “lửa nghề” cho tôi...”.

Xuất thân trong trong gia đình có nghề truyền thống đúc đồng, nhưng vì nhà nghèo nên ông Hoàn phải vừa đi học vừa đi làm từ rất sớm. Lúc đó, cậu bé Hoàn luôn tự hỏi, tại sao người ta lại có thể làm ra được những sản phẩm bằng đồng một cách tinh xảo như vậy? Thế là cậu quyết tâm theo học nghề từ bố. Đến năm 15 tuổi thì chàng thanh niên Hoàn đã nắm được các bước làm khuôn, hiểu được quy trình đúc đồng để hoàn thiện từng loại sản phẩm…

Giới thiệu về những sản phẩm làm từ đồng theo phương pháp thủ công độc đáo, Nghệ nhân Đặng Ích Hoàn cho biết: Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu lại có thao tác kỹ thuật khác nhau và đều thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống, từ làm khuôn, nấu nguyên liệu, đúc, nguội đến đánh bóng và nhuộm sản phẩm… đều được làm theo lối “cha truyền, con nối” qua nhiều thế hệ. “Nhìn chung tất cả công đoạn đều quan trọng, tuy nhiên, quan trọng nhất là khâu kiểm tra chất lượng đồng nung, bởi lẽ nếu không xem xét kỹ lưỡng thì sản phẩm làm ra sẽ không đạt yêu cầu. Hơn 45 năm làm nghề đúc đồng, mỗi sản phẩm tôi đều theo dõi sát sao từng công đoạn, nếu công đoạn nào chưa hoàn hảo thì sẽ phải làm lại, cả làng chỉ có số ít nghệ nhân là am hiểu tường tận công việc này”, ông Hoàn thông tin thêm.

Bàn tay khéo léo và tài hoa của Nghệ nhân ưu tú Đặng Ích Hoàn cùng với các thành viên trong gia đình đã “hồi sinh” những sản phẩm truyền thống như chiêng, trống, tượng, đồ thờ, lư hương, con giống… và đỉnh cao nhất là trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo đúng kiểu dáng xưa, được các nhà khoa học đánh giá cao. Năm 2009, nghệ nhân Đặng Ích Hoàn cùng nhiều nghệ nhân trong làng đã đúc thành công chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam với đường kính 1,21m, cao 95cm và nặng 364kg; 50 chiếc trống đồng kỷ vật 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; trống đồng khắc họa hình ảnh cuộc đời Bác Hồ. Năm 2011, ông đúc thành công hai chiếc trống đồng đường kính 79cm, cao 63cm có hình ảnh lịch sử Việt Nam trên thân trống. Năm 2013, ông và gia đình phát tâm đúc trống đồng, súng thần công, kiếm đồng để dâng tặng Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình…

Những người tài hoa sống còn với làng nghề

Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, bằng đôi bàn tay khéo léo và khiếu thẩm mỹ, Nghệ nhân Đặng Ích Hoàn đã làm ra nhiều tác phẩm “để đời”. Năm 2016, ông được UBND tỉnh Thanh Hóa phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và cũng trong năm 2016 ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, với những thành tích đã đạt được, Nghệ nhân Đặng Ích Hoàn đã được nhiều Bộ, ban ngành trung ương và UBND tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều bằng khen, giấy khen; kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và Du lịch và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Nghề đúc đồng đã gắn với dòng họ Nghệ nhân ưu tú Đặng Ích Hoàn từ nhiều đời, hai người con trai của ông là Đặng Quốc Phượng (sinh năm 1985); Đặng Quốc Toàn (sinh năm 1991), sinh ra và lớn lên trong cái nôi làng nghề, lại được thừa hưởng tinh hoa của gia đình nên đã sớm phát triển được tài năng và đều được tặng danh hiệu Nghệ nhân. Đặng Quốc Toàn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân khi mới 25 tuổi, là nghệ nhân trẻ tuổi nhất ở Chè Đông. Năm 2020, Đặng Quốc Toàn vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân thợ giỏi làng nghề Việt Nam. Năm 2020, nghệ nhân Đặng Quốc Toàn đã đúc thành công chiếc trống đồng lớn nhất thế giới với đường kính 2m35, cao 1m86, nặng 7 tấn. Trong khi đó, năm 2017, nghệ nhân Đặng Quốc Phượng cũng đúc thành công đôi súng thần công bằng chất liệu đồng lớn nhất Việt Nam.

Tự hào về nghề truyền thống của gia đình và quê hương, nghệ nhân ưu tú Đặng Ích Hoàn tâm sự: “Nghề đúc đồng làng Chè Thanh Hóa từ lâu đã được biết đến không chỉ bởi giá trị của sản phẩm đồng mà còn bởi ý thức, lòng tự hào của người dân làng nghề đã bảo tồn và phát triển nghề thủ công của dân tộc. Gia đình tôi chưa bao giờ thỏa mãn với những sản phẩm đã làm ra mà luôn nghiền ngẫm, tìm tòi, tiếp tục nghiên cứu chế tác những sản phẩm có chất lượng, kiểu dáng, kỹ thuật cao nhưng vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng truyền thống. Đây chính là yếu tố sống còn với nghề và với làng nghề”. 

 NGUYỄN LINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top