Mơ về một cây cầu bắc qua sông Kôn

VHO - Hơn 20 năm qua, hàng ngàn người dân ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) mòn mỏi đợi chờ có một cây cầu bắc qua sông Kôn, để cuộc sống của bà con nơi đây không còn bị tách biệt bên ngoài và thuận lợi cho việc đi lại hơn. Trải qua nhiều lần kiến nghị, đến nay ước nguyện của người dân đã được giải quyết thỏa đáng.

Chờ đợi cây cầu bắc qua sông đã lâu

Thôn Hữu Giang có hơn 500 hộ dân với 2.700 nhân khẩu, là một thôn nhỏ thuần nông nằm ở thượng nguồn sông Kôn. Từ nhiều năm trước, Hữu Giang nằm tách biệt với bên ngoài vì bị ngăn cách bởi dòng sông, người dân muốn ra khỏi thôn chỉ có một cách là đi đò.

Mơ về một cây cầu bắc qua sông Kôn - Anh 1

Hàng chục năm qua, cuộc sống người dân Hữu Giang nằm tách biệt, bởi chưa có cầu bắc qua sông Kôn

Cứ ngỡ năm 2015, sau khi công trình thủy lợi Văn Phong chính thức đi vào hoạt động, người dân mới bớt cảnh đi đò qua sông vì công trình này có một cây cầu bắc ngang sông Kôn. Tuy nhiên, vị trí của công trình ở khá xa khu dân cư của thôn Hữu Giang nên đi đường này rất xa. “Nếu đi đường có cây cầu ở Văn Phong thì phải mất khoảng trên 10 cây số mới tới trung tâm xã. Người lớn đi không sao chứ trẻ con thì quá tội. Những năm gần đây, để rút đoạn đường đến trung tâm giải quyết các thủ tục thì thỉnh thoảng người dân vẫn còn đi đò, bởi qua sông chỉ còn 1 cây số”, bà Lê Thị Ngọc, ở thôn Hữu Giang chia sẻ.

Ở thôn Hữu Giang chỉ có trường cấp 1, khi học sinh bắt đầu lên cấp 2, 3 phải ra trung tâm xã để học. Như vậy, đoạn đường học sinh đạp xe từ nhà đến trường gần như rất xa, chưa kể khó khăn trong mùa mưa bão sẽ kéo dài thời gian đến lớp của các em. Bởi vậy, nhiều gia đình có thu nhập thấp từ làm nông phải tiết kiệm, cố gắng mua xe máy điện cho các con đi học.

Hơn hết, đoạn đường từ nhà đến trường rất vắng, vẫn là một hành trình chạy dọc theo chân núi, nhiều đoạn hai bên đường không có bóng đèn nên nhiều em thường phải tranh thủ về đến nhà trước 6 giờ tối. Bà Nguyễn Thị Bình, hộ dân ở Hữu Giang bày tỏ: Vào mùa mưa bão, tụi nhỏ trong thôn đi học rất cực. Nhiều hôm trên đường về nhà mà xe máy điện bị trục trặc, người lớn trong gia đình phải chạy ra đón và đẩy xe về.

Giờ đây đã có chủ trương xây cầu

Từ những khó khăn trên, cần một cây cầu nối sang trung tâm xã là điều mà tất cả người dân trong thôn Hữu Giang mong mỏi. Nhiều lần họp cử tri, chuyện xây một cây cầu luôn được người dân nêu ra trước các đại biểu. Năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã đưa câu chuyện này ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và kiến nghị hỗ trợ kinh phí để sớm xây dựng cầu Hữu Giang, xã Tây Giang bắc qua sông Kôn.

Đến tháng 8.2022, Bộ GT&VT đã có câu trả lời về vấn đề này. Bộ GT&VT cho hay, thống nhất về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu Hữu Giang bắc qua sông Kôn nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được thuận lợi, phục vụ kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ xảy ra và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “Tuy nhiên, do đây là dự án thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của địa phương, bởi vậy Bộ GT&VT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chuyển kiến nghị của cử tri tới UBND tỉnh Bình Định để xem xét, chủ động cân đối ngân sách địa phương đầu tư”, Bộ GT&VT cho biết và nêu rõ, về kinh phí đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề nghị UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu, đề xuất Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Mơ về một cây cầu bắc qua sông Kôn - Anh 2

Vì đi từ cầu Văn Phong nên người dân đến trung tâm xã Tây Giang rất xa

Từ trả lời của Bộ GT&VT, xem như tâm tư của bà con Hữu Giang hàng chục năm qua đã được giải quyết. Trao đổi với Văn Hóa, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: HĐND tỉnh Bình Định đã có nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Hữu Giang (kết nối quốc lộ 19 đi đường ĐH.26), xã Tây Giang do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 153 tỉ đồng, thuộc nhóm B, từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).

Ông Hùng cũng chia sẻ, cầu Hữu Giang được xây dựng sẽ đảm bảo tăng cường kết nối giao thông từ xã Tây Giang với xã Bình Thành nói riêng và kết nối các xã phía Nam với phía Bắc huyện Tây Sơn nói chung. Chưa kể, từng bước thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chung đô thị Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc