Người di cư không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn tăng cường sự giao thoa văn hoá

VHO- Tối ngày 9.12 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế người di cư (18.12) nhằm nhằm ghi nhận những đóng góp của người di cư cho cộng đồng và kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hỗ trợ, bảo vệ các quyền cơ bản của người di cư.

Đến dự buổi lễ có đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, các tổ chức quốc tế và bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Di cư Quốc tế tại Việt Nam.

Người di cư không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn tăng cường sự giao thoa văn hoá - Anh 1

Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm phát biểu tại buổi lễ

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có hơn 650.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, chưa kể các loại hình di cư khác. Hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã góp phần vào việc giải quyết sức ép về việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương, đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Hoàng Thị Thơm, Phó Cục trưởng Cục Dân số khẳng định: Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hoá, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết kết đoàn giữa nơi đi và nơi đến.

Tuy nhiên, trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay những tác động từ biến đổi khí hậu hiện nay.

Người di cư không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn tăng cường sự giao thoa văn hoá - Anh 2

Bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam tham dự chương trình

Phó Cục trưởng Cục Dân số cho rằng, Việt Nam hiện có quy mô dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,6 triệu người trong độ tuổi lao động. Do đó, Việt Nam là một thị trường lớn để hấp dẫn đầu tư nước ngoài và tác động đến các dòng di cư đi và đến Việt Nam. Người di cư Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cộng đồng văn hóa của nước sở tại cũng như những đóng góp tích cực vào vào việc tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với người di cư, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản cùng nhiều văn bản khác do Chính phủ, các Bộ ban hành nhằm hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người di cư.

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, nhận thức được vai trò của di cư và người di cư đối với sự phát triển của đất nước, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường quản lý di cư, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư. Đặc biệt là, Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến quan trọng, trong đó có sáng kiến lập Nhóm sức khỏe kỹ thuật người di cư, xây dựng và phát hành Sổ tay sức khỏe người di cư cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc do Bộ Y tế , trực tiếp là Cục Dân số thực hiện.

Người di cư không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn tăng cường sự giao thoa văn hoá - Anh 3

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, giai đoạn 2014-2022 đã có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình di cư kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Chính chúng ta cũng đã nghe những câu chuyện đau lòng về công dân Việt Nam phải bỏ mạng trên đường tìm về nước để thoát khỏi cạm bẫy “việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài cũng như nguy cơ bị mua bán . Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, để di cư thực sự là lựa chọn, chứ không phải là sự cần thiết, để mỗi người di cư trên hành trình di cư an toàn và hợp pháp của mình có thể phát huy vai trò động lực đối với phát triển bền vững”, bà Phan Thị Minh Giang nhấn mạnh.

Theo bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam, người dân di cư vì nhiều lý do, nhưng họ đều có một mục đích, đó là phấn đấu đến một tương lai tươi sáng hơn. Để đảm bảo người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ, chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan thực thi pháp luật để các bên cùng chung tay.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc