Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3: “Tôi giặt giúp bà... cái áo của tôi”

VHO - Trước kia, nhân ngày 8 tháng 3, để bày tỏ lòng thành, có một nhà thơ đã sáng tác tặng vợ: “Hôm nay mồng tám tháng ba/ Tôi giặt giúp bà… cái áo của tôi”. Nghe nói, khi đọc lên thì cụ bà cười, còn cụ ông lại rất nghiêm trang bảo với mọi người rằng “cụ chỉ muốn khóc!”. Khi đó, tôi không hiểu được vì sao làm được câu thơ hay và vui như vậy mà nhà thơ lại muốn khóc. Bây giờ, khi đã con cháu đề huề, đọc câu này, bỗng dưng tôi thấy nước mắt của mình cũng muốn trào ra…

Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3: “Tôi giặt giúp bà... cái áo của tôi” - Anh 1

 “Nguyễn Du khóc cho Kiều” - Tranh giấy dó của Đặng Cảnh Khanh. (Trong tranh là câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”)

 Chúng ta, những người chồng đôi khi thật sự vô tình. Được quan tâm chăm sóc đầy đủ nhưng cứ mặc nhiên coi đó là “đặc ân trời phú”, quá đỗi bình thường, quá đỗi tự nhiên. Ôi, phải chăng sự chăm sóc chồng con đã là một bổn phận của phụ nữ, của những người vợ tần tảo, còn chúng ta, những người đàn ông được hưởng sự chăm sóc ấy là một lẽ đương nhiên, chẳng có gì phải suy nghĩ?!

Cũng may lại có ngày 8.3, để mà nhận ra sự vô tình, vô cảm của chính mình. Thôi thì hối hận quá, thấy mình vô tích sự quá, đành giặt… cái áo của chính mình giúp cho vợ. Mà nhà thơ viết để bày tỏ lòng mình là chính thôi, chứ chắc gì ông đã giặt thật (!) Lại còn lấy việc giặt áo với lý do “báo đền cái nghĩa tình sâu nặng bấy lâu vợ dành cho chồng” ư? Có tương xứng được chăng? Thế thì một chút xót thương vợ, tự trách mình mà khóc cũng mới là cái tâm thật lòng, là sự phải đạo công bằng.

Cụ Tú Xương ngày trước cũng vậy. Hiểu rõ sự hy sinh vất vả của vợ, cụ thốt lên thương xót: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng”. Thôi thì, chồng cũng chẳng khác một đứa con, ăn bám vợ. Rồi cụ than trách mình, trách thói đời: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/Có chồng hờ hững cũng như không”. Thậm chí còn muốn đặt vợ lên cao mà thờ nữa!

Thế rồi bà Tú cũng mệt mỏi quá. Thương xót vợ, cụ Tú làm văn tế sống vợ để lấy cớ chuộc lỗi, bảo rằng, thà cụ bà chết đi còn đỡ khổ hơn sống với người chồng vô tích sự như ông: “Thôi thôi/Chết quách yên mồ/Sống càng nặng nợ/ Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay/Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ/Mình đi tu cho thành Tiên thành Phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ/Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ”.

Đọc lại mới thấy, các cụ ta xưa nặng tình nặng nghĩa vợ chồng thế nào. Đến cả những ông vua có tới hàng trăm phi tần, cung nữ mà vợ chết cũng đã khóc ròng thê thảm. Khi bà Trần Phi mất, vua Mạc Thái Tông buồn rầu, tự tay viết văn tế để khắc vào bia đá với những lời lẽ thật bi ai thống thiết: “May sao mà ta gặp được hiền phi, ban đầu mới là phi tần mà đã thấy ngay đức đoan trang, vào nhã nhặn, ra lễ phép, tôn trọng điều răn dạy trong lễ giáo. Vậy mà phải chịu mệnh trời. Ta thần thái buồn phiền, có mơ về cảnh tiên mới có thể gặp lại được nàng. Bây giờ trên cõi trần này, làm sao mà gặp nhau đây…”.

Vua Tự Đức vốn sống đầy khuôn phép mà khi vợ là nàng Bằng Phi mất cũng đã phải buồn bã thốt lên: “Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại, để dành hơi”. Tức là, muốn làm sao giữ mãi hình ảnh của cố nhân, đập gương đi để tìm thấy bóng vợ trong đó, xếp lại xiêm y của những ngày xưa để mong lưu giữ được hơi ấm của nàng… Ôi, sao tình cảm vợ chồng ngày xưa gắn bó đến vậy! Thế mới biết quyền lực đến tột cùng, tiền bạc nứt đố đổ vách mà đôi khi cũng thật bất hạnh. Nhiều lúc muốn đánh đổi tất cả để lấy chút ít hơi ấm vợ chồng mà chẳng bao giờ tìm thấy.

Có một lần đi tàu điện ngầm ở Paris, thấy mấy anh đàn ông ăn mặc lịch sự cứ đứng lên ngồi xuống để nhường chỗ cho các chị phụ nữ, tôi ghé tai cảm phục mà bảo anh bạn người Pháp đi cùng: “Người phương Tây quả là văn minh, họ tôn trọng phụ nữ quá”. Anh ta mỉm cười bảo nhỏ tôi: “Đừng nhìn bề ngoài thế bạn ạ”. Tôi đâm ra hoang mang, đem chuyện này hỏi một nhà nghiên cứu nữ quyền. Chị trả lời, “xét các chuẩn mực về văn minh thì đúng là tốt đấy, nhưng xét về quan hệ tình cảm vợ chồng trong thực tế thì họ cũng tình trong tình ngoài, lang chạ lung tung, nghĩa vợ tình chồng nhiều lúc nhạt nhẽo lắm”.

Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3: “Tôi giặt giúp bà... cái áo của tôi” - Anh 2

 Minh họa của họa sĩ Văn Cao cho bài “8 tháng 3 muôn năm”

Tôi chợt nhớ đến những dãy phố đèn đỏ, những cô gái ăn mặc hớ hênh ngồi bên trong các quầy kính, mơ màng và buồn bã nhìn ra bên ngoài tuyết rơi quạnh quẽ mà chờ đợi… Tôi thấy thoáng trong đầu khái niệm mà nhiều người đàn ông ngày nay hay nói về cái gọi là “bóc bánh trả tiền”. Ồ, hóa ra trong xã hội được gọi là văn minh, người ta có thể dùng tiền bạc thay thế cho tình cảm. Có lẽ cánh đàn ông dùng khái niệm “bóc bánh trả tiền” để xóa bỏ những day dứt của lương tâm khi nghĩ về vợ con, gia đình. Họ vẫn tôn trọng vợ, yêu thương vợ, mang đủ lương về, vẫn có hoa cho ngày 8 tháng 3 với nụ hôn và sự ve vuốt… Chẳng có gì làm tổn thương gia đình cả.

Liệu có phải ở phương Tây, người ta có xu hướng lo về kinh tế, lo kiếm tiền nhiều hơn lo giữ gìn tình cảm gia đình? Hay, con người sống nhiều về lý chí thường là vậy chăng…? Tôi lại nghĩ đến những cuộc tranh luận bất tận của giới sinh học thế kỷ XIX về “đâu là sự khác nhau giữa con người với con thú”. Ban đầu thì người ta quan tâm tới sự khác biệt trên cơ thể; cuối cùng thì người ta quan tâm tới luận điểm của ông Friedrich Hegel khi ông cho rằng “con người khác con vật là ở tư tưởng và con tim”. Con người sẽ gần con thú hơn nếu họ coi thường lý tính, tâm tính cùng với sự xem nhẹ những xúc cảm nhân văn…

Thế rồi hình ảnh một chú gà trống bỗng hiện lên. Chú ta cục tác mấy cái, bới đi bới lại mấy cọng rác, hạt gạo, hăm hở mời gọi lũ gà mái đến, rồi vít đầu nhảy lên. Xong chú hả hê đi quanh đàn gà, đập cánh gáy lên một tràng dài khoe khoang chiến tích.

Chuyện tình cảm trong thời thị trường hàng hóa cũng thật kỳ lạ. Mỗi người xét về vị trí, vai trò, chức năng xã hội đều dường như luôn có một thước đo riêng biệt, phi chính thức khác, cũng có cao có thấp mà gắn theo nó là những giá trị riêng, trong đó, các mối quan hệ, giao tiếp và ứng xử xã hội cũng thật tự nhiên kiểu luật đời, chẳng chịu sự ràng buộc theo văn bản pháp lý chính thức nào, đúng như phân tích của C.Mác, kinh tế hàng hóa là quan hệ mà tiền có trao thì cháo mới múc, là “mối quan hệ trả tiền ngay, không tình không nghĩa”.

Cái giá trị của thị trường, hàng hóa cũng tấn công vào các mối quan hệ hôn nhân, gia đình. Không khí nhộn nhịp chợ búa, mua đi bán lại xuất hiện ngay cả bên cạnh các bếp lửa mà trước đây có thể chỉ là “ruột bầu râu tôm”, nhưng lại là sự nồng nàn, ấm cúng. Mỗi người, ngoài cái giá của mình ở xã hội, thì cũng còn hình thành cái giá riêng “phi chính thức” trong gia đình. Quan hệ kinh tế hàng hóa, thị trường tồn tại lúc công khai, khi âm thầm cũng có thể làm đảo lộn các chuẩn mực của văn hóa gia đình truyền thống. Tình yêu, hôn nhân, mối quan hệ ông bà, cha con, vợ chồng, anh chị em… dựa trên tình yêu thương cứ nhạt dần đi, lẫn vào những tính toán, những sổ vàng sổ đỏ, những tường nhà, mét đất, con bò, con lợn, thậm chí đến cả củ khoai, củ sắn…

Viết đến đây tôi lại cảm thấy xúc động lạ thường khi hình dung ra nụ cười dung dị của vợ chồng nhà thơ trong cái ngày 8 tháng 3 xa xưa ấy, chỉ là tấm áo giặt cho nhau thôi. Rồi bỗng lại tự thấy mình thật vô duyên khi nảy sinh chút thương hại cho mấy ông người “gà trống”, không hiểu rằng sức mạnh “vùi hoa dập liễu” của các ông có thể mang đến một tình thương yêu đích thực cho cuộc sống cũng như cho chính các ông không.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng nhiều lần thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Thế rồi ông vẫn than rằng trong đời sao chẳng mấy ai hiểu và đồng cảm được với mình. Rồi lại tự hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Liệu sau này hơn ba trăm năm nữa, không biết có ai trong thiên hạ hiểu mà khóc cho Tố Như không).

Ngày 8 tháng 3 lại đến rồi, biết tìm cái gì để thay thế cho tấm áo cũ bây giờ? Tìm một biểu tượng thực sự để bày tỏ tấm lòng yêu thương sao giờ khó đến thế! 

GS ĐẶNG CẢNH KHANH

Ý kiến bạn đọc