Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới

VHO - Ngày 22.3 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sực khoẻ cộng đồng. Trên cơ sở đó định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hội thảo diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ VHTTDL, Bộ Công an, Bộ Tài chính…

Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới - Anh 1

Các đại biểu đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Tại hội thảo, các chuyên gia tiếp tục làm rõ tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá mới) và khuyến cáo của WHO; về tình trạng quảng cáo, buôn bán các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam; những hậu quả của thuốc lá mới đối với người sử dụng, đặc biệt là những loại bị trà trộn ma tuý, cần sa vào dung dịch thuốc lá mới…

Các ý kiến tiếp tục khẳng định thêm về tác hại của thuốc lá mới, từ đó làm cơ sở để Bộ Y tế đề xuất biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Hiện nay, một số Bộ, ngành đang kiến nghị đưa thuốc lá mới vào đối tượng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, cần cấm sản phẩm này lưu hành tại Việt Nam.

Bởi vì các sản phẩm thuốc lá mới vẫn là sản phẩm gây nghiện, làm người sử dụng lệ thuộc vào chất gây nghiện là nicotine. Các sản phẩm thuốc lá mới ảnh hưởng tới sức khoẻ con người do sử dụng nhiều hương liệu, hoá chất; có nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội…

"Một thanh niên 16 tuổi bị viêm phổi tăng bạch cầu cấp tính tới mức độ nặng sau sử dụng thuốc lá nung nóng 2 tuần. Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện với triệu chứng khó thở nặng dần nên được chuyển tới Khoa Cấp cứu. Các bác sĩ chỉ định đặt nội khí quản, thở máy, chạy ECMO do bệnh nhân suy hô hấp nặng…"

(Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai)

 

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) khẳng định, nếu cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới sẽ đi ngược lại với cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và các kế hoạch, chiến lược về sức khoẻ tại Việt Nam.

Cũng theo Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, việc cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên; gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá…. “Vì vậy Quốc hội cần kịp thời ban hành Nghị quyết để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng thuốc lá mới trở nên phổ biến hơn”, bà Phan Thị Hải nhấn mạnh.

Theo Ths.Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định “Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn Việt Nam  (QCVN) về thuốc lá điếu”. Hiện nay chưa có QCVN về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vì vậy các sản phẩm này nếu nhập khẩu về Việt Nam cũng chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và vì vậy chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

"Thuốc lá mới được bày bán công khai, dễ dàng mua bán trên các trang web, mạng xã hội. Đơn hàng thuốc lá mới được đóng gói, chuyển phát qua các đơn vị vận chuyển dưới dạng “thuốc trị mụn”, “mỹ phẩm”… nhằm che mắt cơ quan chức năng, phụ huynh.

Để vượt qua sự kiểm duyệt của Tik Tok, các nhà bán lẻ trực tuyến đã sử dụng cụm từ “đồ chơi điện tử, bàn chải đánh răng điện tử, máy hút khói điện tử, máy điện tử xịt thơm miệng…"

(Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức Health Bride Canada tại Việt Nam)

“Với những hệ luỵ của thuốc lá mới, việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu quảng cáo thuốc lá mới là phù hợp với xu hướng trên thế giới đối với phần lớn các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia; 4 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá nung nóng”, bà Thuỷ chia sẻ.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất văn bản cấm phải có tiêu đề: Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác. Quy định cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác; và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hình thức văn bản là Nghị quyết do Quốc hội ban hành. Bộ Y tế sẽ có dự thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội nhằm sớm có biện pháp quản lý. Dự kiến, nội dung sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10.2024.

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc