​Lồng ghép giới trong sách giáo khoa phổ thông: Việc cần làm ngay

VH- Mặc dù vấn đề bình đẳng giới trong sách giáo khoa (SGK) mới đã được cải thiện, tuy nhiên các chuyên gia về giới khẳng định vẫn cần tiếp tục bổ sung trong các sách tham khảo, các giờ học ngoại khoá. Đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn cho giáo viên về giảng dạy bình đẳng giới để truyền tải cho học sinh.

​Lồng ghép giới trong sách giáo khoa phổ thông: Việc cần làm ngay - Anh 1

 Đào tạo giáo viên để giảng dạy và truyền đạt nội dung bình đẳng giới là quan trọng

Vấn đề này được đặt ra tại hội thảo “Lồng ghép giới trong sách giáo khoa phổ thông” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức mới đây.

Bà Trần Thu Thủy, chuyên gia giới, Chánh văn phòng Hội LHPN Việt Nam cho rằng: Sự chênh lệch giới thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội. Theo thống kê có 73,1% nữ từ 15-60 tuổi tham gia lực lượng lao động, 53,29% lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp, phụ nữ là người phải sử dụng các biện pháp tránh thai chiếm 49%. Phụ nữ làm việc gia đình không được trả công chiếm 53%, trong khi nam giới chỉ chiếm 32%, chỉ có 25-30% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp. Thu nhập của phần đông phụ nữ chỉ bằng 0,69 so với nam giới.

“Sự chênh lệch về giới còn được thể hiện ở trình độ học vấn. Phụ nữ chỉ chiếm 42% lực lượng trí thức nghiên cứu khoa học, chỉ có 30% trình độ cao đẳng, đại học, 20% tiến sỹ và chỉ có 6,1% đạt trình độ GS, PGS. Việc thay đổi cách nhìn về giới cần thực hiện ngay từ đầu, ngay trong các SGK để mang lại góc nhìn khác về giới cho các em. Làm sao để các em định hướng nghề nghiệp theo năng lực chứ không phải theo giới tính”, bà Thủy nhấn mạnh.

Thực tế các chương trình SGK hiện nay có nhiều nội dung gây định kiến giới như những hình ảnh, nhân vật nữ giới làm công việc nội trợ, nhân viên, hướng nội hoặc phụ thuộc… Trong khi đó, nam giới được “đóng đinh” với đa dạng nghề nghiệp, có trình độ như bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sĩ, công an… là trụ cột gia đình, có tiếng nói quyết định.

Những định kiến giới ngay trong SGK sẽ càng khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của trẻ. Chương trình SGK phổ thông mới (sẽ được giảng dạy trong 5 năm tới) đã chú trọng xây dựng chân dung người học sinh mới với 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi như trung thực, trách nhiệm, nhân ái, thẩm mỹ, thể chất, giao tiếp và hợp tác… Theo bà Thủy, để SGK phát huy hiệu quả cần khuyến khích những hình ảnh tích cực về phụ nữ, đồng thời khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong công tác xã hội.

Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam (UNESCO) cho rằng, lồng ghép giới trong sách giáo khoa cần đưa nội dung có chủ đề liên quan đến giới. Các chủ đề nên được bố trí theo từng khái niệm phù hợp, trong đó có nội dung về giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh, vấn đề này trong SGK về tình dục thì thường nói giảm, nói tránh. Ngoài ra, các tác phẩm văn học trong SGK còn có những bài nói về thân phận người phụ nữ thời phong kiến, gây ra nhiều tranh cãi. “Phương pháp dạy là rất quan trọng, nhưng một số giáo viên vẫn còn nhiều khuôn mẫu cứng nhắc về giới, ăn sâu vào tâm lý khiến cho các định kiến trong bài giảng một cách vô tình. Nhiều các thầy cô giáo khi giảng bài rất ngại khi dùng các từ chuẩn khi nói về các bộ phận sinh dục trong hay ngoài của nam và nữ, không nói thẳng mà thay thế bằng các từ liên quan”, bà Nhung chia sẻ.

Là đơn vị phụ trách in ấn SGK, ông Phan Xuân Thành, Phó giám đốc nhà xuất bản Giáo dục cho rằng, "ý thức được nội dung quan trọng về bình đẳng giới nên ngay từ khâu tổ chức biên soạn SGK hiện hành và khi tổ chức biên soạn một số SGK mới, chúng tôi đã trang bị cho đội ngũ tác giả, những hiểu biết nhất định về giới, hiểu thực trạng vấn đề lồng ghép giới trên thế giới và Việt Nam. Nhưng những nội dung và phạm vi bắt buộc như định kiến giới, nhạy cảm giới, bạo lực học đường trên cơ sở giới... để đưa vào SGK cần xác định mức độ cụ thể, cần tránh những lồng ghép thô cứng, khiên cưỡng, phản cảm".

Bên cạnh việc bàn về lồng ghép giới trong SGK mới, các ý kiến tại hội thảo đồng thời cũng đưa ra những giải pháp trong việc giảng dạy bình đẳng giới ở SGK hiện hành. Theo các đại biểu, cần đào tạo nội dung lồng ghép giới cho giáo viên ngay từ bây giờ chứ không chờ có SGK mới đào tạo. Các nội dung này không chỉ là thể hiện trên hình ảnh của SGK, mà cần thể hiện bằng chiều sâu của bình đẳng giới. Trong phần hướng dẫn học bài, giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng bổ sung số lượng câu hỏi, từ 3-5 câu hỏi để có thể lồng ghép giới vào, phản biện những hình ảnh định hình cho việc bất bình đẳng giới...

Một mặt cập nhật kiến thức, mặt khác đi vào đời sống thực của học sinh, như nội dung Truyện Kiều ngoài tính văn học còn có thể là một điển hình về tình trạng bạo lực, mua bán người, không chỉ có “mẹ yêu con” mà cũng có “cha yêu con”…

 THẢO LAM

 

Ý kiến bạn đọc