Đổi mới giáo dục phổ thông: Trách nhiệm của trường sư phạm ở đâu?

VH- Tại hội thảo khoa học “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai giáo dục STEM (các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) trong chương trình phổ thông mới sẽ gặp nhiều thử thách, trong đó các trường sư phạm cần xác định rõ vai trò và sứ mệnh, định hướng ứng dụng STEM trong thực tiễn giáo dục và đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Trách nhiệm của trường sư phạm ở đâu? - Anh 1

Để đưa giáo dục STEM vào dạy học, Trường THPT Nguyễn Du đã mời các chuyên gia Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tập huấn cho các giáo viên từ ngày 21-24.12.2017

Lúng túng và thiếu bao quát

Tại VN, từ năm 2014, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh triển khai chương trình thí điểm giáo dục STEM cho 15 trường trung học các tỉnh, TP gồm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định. Tháng 5.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại VN. Giáo dục STEM được xem xét đưa vào đại trà trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, với việc ban hành Chỉ thị trên, VN được xem là một trong những nước có chính sách thúc đẩy giáo dục STEM trong chương trình phổ thông tổng thể cũng như thực hiện chương trình giáo dục phổ thông khá cụ thể. Tuy nhiên, trên bình diện lý luận và thực tiễn, dễ nhận thấy giai đoạn ứng dụng mô hình giáo dục STEM là giai đoạn hết sức khó khăn. “Minh chứng qua việc triển khai thực tế ở những năm đầu cho thấy việc chưa hiểu thấu đáo cũng như chưa định hướng phát triển có điểm đến sẽ dễ lúng túng và thiếu tính bao quát. Ba năm gần đầy, STEM bắt đầu được quan tâm nhưng nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về STEM còn hạn chế. Các chủ đề STEM chưa thay thế được các tiết học truyền thống. Việc tổ chức thực hiện các chủ đề giáo dục STEM vẫn chưa chú trọng khâu “thiết kế”, chỉ tập trung khâu “thi công”, nhiều dự án làm lại theo mẫu, theo quy trình có sẵn”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.

TS Đặng Văn Sơn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Chương trình STEM, Học viện Sáng tạo S3, đánh giá hiện nay các trường phổ thông thực hiện phương pháp giáo dục chỉ chú trọng cung cấp kiến thức mà thiếu tính ứng dụng và thực tiễn, điều này đã hạn chế năng lực sáng tạo, định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, nếu như phương pháp giáo dục ngày xưa không quy định thời gian mỗi tiết học, nên vào cuối buổi học người giáo viên có thể dạy học sinh ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, thì hiện nay việc quy định 1 tiết học chỉ gói gọn trong 45 phút buộc giáo viên phải tất bật để hoàn thành chương trình, đây là lý do khiến các tiết học trở nên khô khan, thiếu tính thực tiễn.

Theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nếu giáo dục STEM triển khai đại trà trên cả nước thì ở những vùng nông thôn, miền núi có sự hạn chế trong việc tiếp cận phương pháp giáo dục này vì phần lớn thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ năng lực. Cũng theo các chuyên gia này, khó khăn lớn nhất khi đưa STEM vào chương trình phổ thông mới là chương trình giáo dục hiện hành được thiết kế theo cấu trúc riêng rẽ, rời rạc giữa các môn học, trong khi theo mô hình STEM thì đòi hỏi phải có sự tích hợp giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Vai trò đón đầu của các trường sư phạm

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng lâu nay có một quy trình ngược, đó là các trường sư phạm thường đi sau quá trình đổi mới, nghĩa là đổi mới diễn ra ở phổ thông, sau đó các trường sư phạm mới bắt đầu thiết kế lại khâu chương trình, nội dung đào tạo cho giáo viên. Cho nên để chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả, hệ thống các trường đào tạo giáo viên cần phải đi trước đón đầu.

TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, không phải các trường sư phạm đứng ngoài lề xu hướng đổi mới. Trước đây sở dĩ như vậy là vì giáo dục phổ thông chưa có sự thay đổi và định hình chắc chắn nên trường sư phạm không biết thay đổi theo hướng nào cho phù hợp. Tuy nhiên, nhà trường có các chương trình đào tạo theo dự án mang tính ứng dụng. Năm 2016 vừa rồi trường đã xây dựng lại chương trình đón đầu cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, không chỉ tích hợp các môn tự nhiên mà ở cả các môn xã hội. Hiện trường đã thành lập trung tâm nghiên cứu và ứng dụng STEM để đẩy mạnh nghiên cứu và chia sẻ phương pháp dạy học cho các giáo viên phổ thông. Sắp tới đây trường sẽ bổ sung chương trình đào tạo cho các sinh viên chưa được tiếp cận xu hướng đào tạo mới.

Cũng giải thích cho những nghi ngại này, TS Đỗ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay, theo quy định 2 năm một lần, nhà trường tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo. Năm 2015, ĐH Hùng Vương đã điều chỉnh giảm từ 135 tín chỉ xuống còn 130 tín chỉ đối với hệ ĐH. Trong năm 2017-2018, nhà trường đang triển khai rà soát, cấu trúc lại chương trình ở tất cả các ngành. Với việc phát triển của STEM hiện nay, ngoài các kiến thức liên môn đưa vào chương trình thì nhà trường còn phải trang bị lý thuyết và kỹ năng thực hành cho sinh viên, đưa các học phần được thiết kế theo các chủ đề tích hợp. “Do không thể đưa tất cả các nội dung STEM vào chương trình đào tạo, hơn nữa, để phát huy tính chủ động và sáng tạo của sinh viên, Hội Sinh viên trường thành lập thêm các câu lạc bộ STEM, câu lạc bộ khoa học để các sinh viên cùng nhau nghiên cứu, triển khai các dự án thiết kế ứng dụng dựa trên kiến thức của các môn học ở chương trình phổ thông…”, TS Đỗ Tùng cho biết. 

Kiều Giang

Ý kiến bạn đọc