Khảo sát, đánh giá các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

VHO - Sáng ngày 22.9, tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đoàn khảo sát, đánh giá của Bộ VHTTDL đã làm việc với 10 trường đại học thuộc khối Bộ VHTTDL. Tại đây, các đơn vị đã cũng nhìn lại những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại, những khó khăn vướng mắc để đánh giá đúng thực trạng, từ đó có những phương hướng phù hợp, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2023-2024, để công tác đào tạo VHTTDL ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Khảo sát, đánh giá các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - Anh 1

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo đó, đoàn khảo sát, đánh giá gồm có: PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo; Hà Minh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; bà  Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính. Cùng 10 cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thuộc đối tượng khảo sát, đánh giá bao gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện âm nhạc Huế, Nhạc viên TP.HCM, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Học viện Múa Việt Nam.

Công tác tuyển sinh chuyển biến khả quan

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, tình hình đào tạo đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã và đang đạt được những thành tích, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hóa nói riêng và đất nước nói chung. Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cho biết, đơn vị  là một trong những cơ sở đào tạo có quy mô lớn nhất thuộc Bộ VHTTDL. Mỗi năm, nhà trường đảm bảo tuyển sinh đủ chỉ tiêu với khoảng hơn 1.500 sinh viên, với điểm chuẩn tăng lên theo từng nă và số lượng sinh viên của nhà trường luôn giữ ổn định với quy mô khoảng 6.000 sinh viên. Đặc biệt, trong năm học 2023-2024 trưởng đủ chỉ tiêu ngay từ đầu năm và không cần phải tuyển bổ sung. “Trong thời gian tới, nhà trường xác định sẽ trở thành cơ sở đào tạo có chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở Việt Nam, tiệm cận với chương trình đào tạo của một số quốc gia trong khu vực và thế giới đối với một số ngành đào tạo. Cùng với đó là cố gắng rà soát, sắp xếp phát triển đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu đảm bảo của nhà trường. Cũng như xây dựng đề án vị trí việc làm và khung năng lực vị trí việc làm cho phù hợp với thực tế của trường. Và đặc biệt, tăng cường chuyển đổi số song song với việc nâng cao chất lượng của giảng viên, điều này là việc không thể thay đổi trong bối cảnh hiện nay”,  PGS.TS Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.

Khảo sát, đánh giá các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - Anh 2

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc

Còn với trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển đầu vào mỗi năng một tăng lên. Đặc biệt, năm học vừa qua, số thí sinh tăng lên đột biến với gần 1600 học sinh, lần đầu tiên trường phải bố trí hơn 60 phòng thi để phục vụ thi. Về chất lượng đàu ra, phần lớn sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm với đúng chuyên ngành được đào tạo. “Theo khảo sát 2018 là 99%; 2019 là 95% ; 2020 là 92% ; 2021 là 95% và 2022 là 100% sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định, với mức lương trung bình từ 10 đến 18 triệu đồng”, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM cho biết. Cũng theo báo cao của TS Đặng Thị Phong Lan, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2023 của trường là 73,9%, trong đó qua khảo sát số lượng sinh viên ra trường có việc làm là 97%.

Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng cũng đã báo cáo về công tác tuyển sinh của trường. “Trong 5 năm qua, trường Đại học Văn hóa TP.HCM vẫn luôn duy trì tuyển sinh từ 800-1000 sinh viên mỗi năm, với đào tạo thạc sĩ là từ 80-90 của 3 ngành đào tạo. Trường luôn hoàn thành sứ mệnh để đáp ứng nhu cầu xã hội và mong muốn cán bộ có chuyên môn của ngành chúng ta, trên cơ sở năng lực của nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng cho hay. Về chất lượng đào tạo, trường luôn quyết liệt trong vấn đề nâng cao chất lượng, theo đó vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua, đại học Văn hóa TP.HCM đã kiểm định xong 3 chương trình đầu tiên và theo kế hoạch đến 2024-2025 sẽ kiểm định các chương trình còn lại. TS Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: “Về tỉ lệ tốt nghiệp năm 2023 là 73,9%, trong đó qua khảo sát số lượng sinh viên ra trường có việc làm là 97%”.

Nhưng vẫn còn nhiều điều khó

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, tình hình đào tạo đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã và đang đạt được những thành tích, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hóa nói riêng và đất nước nói chung, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại. Tại buổi làm việc,  10 cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đều đưa ra 2 khó khăn trong công tác đào tạo ngành hiện nay, đó là cơ sở vật chất và nguồn nhân sự.

Theo TS. Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khó khăn lớn nhất của trường hiện nay liên quan đến đội ngũ giảng viên. Tiếp đến là vấn đề liên quan đến sửa chữa, nâng cấp các nhạc cụ của trường. “Rất nhiều năm nay, các nhạc cụ đa phần đều đã cũ nhưng vẫn được sử dụng liên tục với 3 ca học mỗi ngày. Thậm chí là nhiều thầy cố phải chia đàn với nhau trong mỗi ca học”,  Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho hay. Cùng chung những khó khăn, vướng mắc trên, TS.NSƯT Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết, tại trường có những nhạc cụ đã hơn 30 năm tuổi, dù đã hư hỏng nhưng vẫn phải sử dụng. “Đối với đặc thù của khối trường đào tạo văn hóa nghệ thuật đòi hỏi đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm nhưng đến thời điểm hiện tại, không còn nhiều nhân lực có kinh nghiệm do có bất cập từ quy định hiện hành, cũng như các giảng viên cũng đang dần nghỉ hưu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của nhà trường hiện tại”, TS.NSƯT Hoàng Ngọc Long cho biết.

Khảo sát, đánh giá các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - Anh 3

Đoàn khảo sát, đánh giá của Bộ VHTTDL lắng nghe ý kiến, đề xuất của các đơn vị

Nói về nhân sự, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết số viên chức của trường hiện nay đã giảm đi gần 1/3 so với thời gian trước. “Do mức thu nhập không đảm bảo cuộc sống, cùng là công chức, viên chức, đào tạo nhiều nguồn nhân lực cho nhà nước nhưng giảng viên của trường đại học không được hưởng phụ cấp như các cán bộ công chức, viên chức khác trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, nhiều viên chức, giảng viên của trường đã xin nghỉ việc để sang các trường công lập, như trong năm 2022 số người xin nghỉ việc lên đến con số 10”, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng cho hay.

Cũng tại buổi làm việc, bà  Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính đã tham mưu trên góc độ tự chủ tài chính, đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại của đơn vị. “Các cơ sở đào tạo cần phải có sự nỗ lực hơn nữa, bởi sự sống còn của mỗi đơn vị  nằm ở vấn đề tuyển sinh và cơ sở vật chất chỉ là một phần. Nếu các đơn vị có những giáo trình, có kế hoạch đào tạo hấp dẫn, có đầu ra ổn định thì mới thu hút được học sinh đăng,  Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính chia sẻ thêm. Ông Hà Minh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã thông tin đầy đủ về kế hoạch triển khai sắp xếp các vị trí tổ chức cán bộ trong giai đoạn 2021-2025.  

Kết luận buổi làm việc, PGS.TS Lê Anh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở giáo dục đại học để hoàn thành cơ bản công tác tuyển sinh năm học 2023-2024 vừa qua. Theo đó, 10 bài báo cáo của các trường gồm những mặt đạt được, những vướng mắc và cả những đề xuất, phương hướng, mô hình cho tương lai của đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. “Sau buổi làm việc này, đoàn sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ và tham mưu các cấp. Từ đó có những đề án phù hợp để công tác đào tạo VHTTDL ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc