Người trẻ sáng tạo với chất Việt

VHO- Vừa qua, tại trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, chương trình Sáng tạo với chất Việt đã diễn ra thu hút sự tham gia của hơn 500 sinh viên trên địa bàn thành phố. Sự kiện được tổ chức với mong muốn đưa Cải lương và Truyện Kiều đến gần công chúng, đặc biệt là người trẻ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về nghệ thuật truyền thống.

Người trẻ sáng tạo với chất Việt - Anh 1

 Chương trình “Sáng tạo với chất Việt” thu hút đông đảo sinh viên tham gia

 Chương trình có sự tham gia của những diễn giả như TS Đào Lê Na (Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM); TS Lê Hồng Phước (Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM); Nhà biên kịch Bình Bồng Bột; Nghệ sĩ Hồng Bảo Ngọc (Quán quân Bông lúa vàng 2019)…

Vai trò sống còn của người trẻ

Có thể nói, Cải lương là một trong những di sản nghệ thuật quý báu và đang cần được gìn giữ của dân tộc. Thế nhưng, trước sự phát triển của nhiều ngành giải trí ngày một mạnh mẽ và có nguy cơ đẩy lùi những giá trị nghệ thuật truyền thống, thì những câu hỏi đau đáu đã được đặt ra. TS Lê Hồng Phước cho biết, một trong những lý do khiến sân khấu Cải lương gặp khó khăn là vì khán giả bị phân tán bởi vô số loại hình nghệ thuật khác, cùng với đó, thế hệ trẻ lại chưa đủ sức kế thừa lớp nghệ sĩ đi trước, khiến Cải lương dần trở nên mờ nhạt.

“Không phải thế hệ trẻ ca diễn không hay, mà bởi họ sinh ra không có nhiều điều kiện tiếp cận với Cải lương như xưa. Thời đó, nghệ sĩ Thanh Nga muốn ca hay, diễn ngọt thì phải làm đi làm lại một vai trên sân khấu tuồng rất nhiều lần. Nhưng bạn trẻ bây giờ hầu như không có sân khấu để phô diễn tài năng, nếu có thì cũng quá ít, nay diễn vở này, mai lại diễn tuồng khác, nên khó có được một vai diễn để đời”, TS Lê Hồng Phước nhận định.

Là một trong những gương mặt trẻ tiềm năng trong làng Cải lương Việt, nghệ sĩ Hồng Bảo Ngọc cũng cho rằng, thời hoàng kim của nghệ thuật Cải lương đã đi qua. Chính sự hội nhập và giao thoa trong thời đại mới đã thổi nhiều làn gió văn hóa vào đời sống người Việt, đặc biệt là âm nhạc, khiến cho nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một. Chính vì thế, theo TS Lê Hồng Phước, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Cải lương, vai trò của khán giả trẻ là rất quan trọng. Việc tiếp cận, bồi dưỡng, đào tạo một thế hệ công chúng mới có sự hiểu biết, yêu thích, gắn bó với Cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung là vô cùng cần thiết. “Người trẻ phải biết rồi mới có thể thích, có thể yêu. Chúng ta không thể ép các bạn phải ngay lập tức thích Cải lương, trong khi trước đó họ chưa được tiếp cận nhiều”, TS Lê Hồng Phước chia sẻ thêm.

Đồng tình với ý kiến của các diễn giả, TS Đào Lê Na cũng cho rằng, trước sự phát triển của nhiều loại hình giải trí, khán giả dần đánh mất sự quan tâm dành cho Cải lương. Từ kinh nghiệm thực hiện vở Vai diễn đầu đời vào năm 2019, TS Đào Lê Na nhận thấy, Cải lương ngày càng thiếu hấp dẫn khi thiếu hụt kịch bản mới, không phù hợp với bối cảnh thời đại. TS Đào Lê Na chia sẻ: “Để thu hút khán giả trẻ, tôi cho rằng kịch bản Cải lương cần phải có những câu chuyện của đời sống đương thời. Ví dụ, khi thực hiện dự án Đợi Kiều, tôi đã chọn một góc nhìn đương đại là học thuyết nữ quyền sinh thái, từ đó mang đến cho khán giả hướng tiếp cận đa chiều hơn về tác phẩm văn học kinh điển này. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có những cảm nhận sâu sắc về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thông qua một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc là Cải lương”, TS Đào Lê Na bày tỏ.

Làm mới sao cho tới?

Có thể thấy, trong những năm qua, đổi mới Cải lương theo hướng tiếp cận khán giả trẻ đã được một số đơn vị và cá nhân thử nghiệm. Có thể kể đến sự kết hợp giữa R&B, Rap và Cải lương trong Về nghe mẹ ru (NSND Bạch Tuyết, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, ca sĩ Hoàng Dũng và rapper Casper); Tia sáng cuối cùng (nam rapper Wowy kết hợp với NSND Bạch Tuyết; Sau bức màn nhung (rapper Yuno Bigboi kết hợp cùng nghệ sĩ Tiêu Minh Phụng)… Vốn là những loại hình nghệ thuật khác biệt hoàn toàn, đối tượng nghe cũng chênh lệch về độ tuổi, chia sẻ về sự kết hợp táo bạo này, nghệ sĩ Tiêu Minh Phụng cho hay: “Tôi muốn Cải lương đến gần hơn với tất cả các bạn trẻ. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta có quyền biến tấu nó hợp thời, hợp xu hướng nhưng đừng làm biến chất”.

Rõ ràng, Cải lương có sự cởi mở khi dễ dàng “bắt tay” với các loại hình khác để mang đến những tác phẩm mới lạ, tiếp cận được đông đảo công chúng. Nói về lý do chọn Cải lương chứ không phải hình thức diễn xướng khác cho Đợi Kiều, TS Đào Lê Na cho hay, chỉ có Cải lương mới đảm bảo được hai yếu tố là vừa truyền thống, vừa làm mới. Những câu thơ trong Truyện Kiều và tình cảm mà Nguyễn Du đặt vào nhân vật đều có sự gần gũi nhất định với Cải lương, tạo nên sự đồng điệu mà không hề gượng ép.

Còn theo TS Lê Hồng Phước, bên cạnh những diễn giải và góc nhìn mới, vở Đợi Kiều được coi là số ít tác phẩm sân khấu khai thác về Kiều mà lại được đưa vào rất nhiều lời thơ đẹp của đại thi hào Nguyễn Du. Khi chuyển soạn sang Cải lương, TS Lê Hồng Phước đã cố gắng giữ hầu hết lời thơ trong nguyên bản. Qua cách làm mới này, khán giả trẻ sẽ thấy Cải lương không hề “quê và sến” mà “thật và đẹp”, còn Truyện Kiều vẫn luôn giữ được những giá trị vẹn nguyên.

Rõ ràng, vẫn có rất nhiều bạn trẻ yêu thích và say mê theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Vì lẽ đó, Cải lương vẫn luôn có một “dòng chảy” riêng cho mình. Để cuốn hút được người xem và để “dòng chảy” ấy luôn được khơi thông thì chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn, hợp thời đại mới khiến sân khấu có đủ hấp lực để kéo khán giả đương đại đến với mình. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc