Vụ việc học sinh bị "từ chối công tác giáo dục": Không ai được phép tước quyền học tập của học sinh

VHO - Một em học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lạc Long Quân (Sóc Sơn - Hà Nội) đã bị cho nghỉ học, với lý do phụ huynh của em đã nhắn tin trên nhóm lớp “ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường”. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: “Liệu trường có được quyền kỷ luật học sinh bằng hình thức buộc thôi học vì những khúc mắc với phụ huynh của các em hay không?”.

Vụ việc học sinh bị

Thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân

 Theo thông tin từ gia đình học sinh, sự việc bắt đầu khi phụ huynh lớp 12A3 Trường THPT Lạc Long Quân trao đổi về các khoản thu chi đầu năm trên nhóm chat của lớp. Bố của em học sinh thắc mắc về “một số khoản thu không hợp lý” và đề nghị giảm xuống, tuy nhiên nhà trường đã không lắng nghe. Sau khi trao đổi tin nhắn qua lại, ngày 25.9, vị phụ huynh nhận được thông báo mời đến làm việc với Ban Giám hiệu (thông báo ghi rõ “phải đến làm việc trước ngày 29.9.2023”). Do vị này không hợp tác, nên nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà trao đổi và tiếp tục mời đến gặp Ban Giám hiệu, tuy nhiên vị phụ huynh vẫn kiên quyết không đối thoại. Do đó, ngày 4.10.2023, nhà trường đã ra quyết định “từ chối công tác giáo dục” đối với em học sinh.

Sự việc đã gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. Đa phần mọi người đều tỏ ra bất bình trước cách hành xử của Ban Giám hiệu Trường THPT Lạc Long Quân. Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đồng thuộc Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, mặc dù các khoản thu đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy định của ngành Giáo dục, tuy nhiên, vào mỗi dịp đầu năm học vấn đề thu chi lại trở nên “nóng” như chưa bao giờ cũ. Nhiều phụ huynh phản ánh nhà trường có những khoản thu nằm ngoài quy định, thậm chí rất lớn, gây bức xúc và thắc mắc trong dư luận. Vậy nếu phát hiện nhà trường vi phạm quy định về thu chi, thì phụ huynh có được quyền phản ánh và đưa ra tiếng nói của mình như trường hợp vị phụ huynh trên?

Theo quy định, bất kể là trường công lập hay trường tư thục cũng đều phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật một cách thống nhất, công khai, minh bạch. Hiện không có quy định về các khoản thu chi riêng đối với trường tư thục. Nếu không đồng ý, phụ huynh hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến, có quyền tố cáo, phản ánh sai phạm lên cơ quan chức năng.

Trở lại sự việc em học sinh lớp 12 “từ chối công tác giáo dục” chỉ vì phụ huynh của em “đưa ra quan điểm kiến nghị trong nhóm lớp và không đến trường làm việc với BGH” là hành động rất cực đoan của Trường THPT Lạc Long Quân, không phù hợp với quy định pháp luật và triết lý giáo dục hiện nay. Em không hề có bất cứ vi phạm nào, vì vậy áp dụng hình thức kỷ luật “tạm dừng học ở trường” là hoàn toàn không có căn cứ.

Vụ việc học sinh bị

Tin nhắn của phụ huynh

Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Hút thuốc, uống rượu, bia; Gây rối an ninh, trật tự; Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật… Nếu học sinh thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

 Theo quy định, bất kể trường công lập hay trường tư thục cũng đều phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật một cách thống nhất, công khai, minh bạch. Hiện không có quy định về các khoản thu chi riêng đối với trường tư thục. Nếu không đồng ý, phụ huynh hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến, có quyền tố cáo, phản ánh sai phạm lên cơ quan chức năng.

(Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG, Đoàn Luật sư Hà Nội)

Cùng với đó, Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: (1) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; (2) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; (3) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối chiếu quy định này, nếu nhà trường áp dụng 1 trong 3 hình thức kỷ luật nêu trên với học sinh thì phải có vi phạm cụ thể của học sinh đó, không thể chỉ vì phụ huynh không hợp tác làm việc với nhà trường mà ra quyết định tạm dừng học tập đối với em.

Hiện pháp luật về Giáo dục được quy định theo hướng tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cả cán bộ nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Quyền của học sinh được đề cao, cụ thể tại Điểm d, Khoản 1, Điều 31 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định giáo viên, nhân viên nhà trường không được “lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật”. Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 35 Thông tư 32 quy định quyền của học sinh là “được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định”…

Quyền được học tập là quyền cơ bản của trẻ em. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh công tác tại Trường THPT Lạc Long Quân để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh hệ lụy và tiền lệ xấu xảy ra trong môi trường học đường. 

 

 Sở GD&ĐT Hà Nội “tuýt còi”

Liên quan đến việc học sinh G. lớp 12A3 của Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị “dọa” cho nghỉ học khi phụ huynh em này góp ý với nhà trường về thu tiền quỹ, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh.

Ngày 5.10, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Trường THPT Lạc Long Quân phải đặt lợi ích, quyền lợi học tập của học sinh lên hàng đầu; phải bảo đảm quyền lợi học sinh được đến trường, đến lớp học, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh. Đồng thời, giao Phòng GD&ĐT và Phòng Thanh tra xem xét xử lý vụ việc, bảo đảm các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, trong vụ việc này, học sinh G. của Trường THPT Lạc Long Quân không mắc lỗi.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc