Bất lực với... lạm thu?

VHO- Gõ vào Google từ khóa “lạm thu đầu năm học”, chỉ trong khoảng 0,5 giây đã cho ra 18 triệu kết quả. Điều này nói lên vấn đề gì, chắc chắn không nằm ngoài câu chuyện “đến hẹn lại lên” cứ mỗi đầu năm học lại một lần nhức nhối. Từ trường tư lan sang trường công, từ “bổ đầu” mỗi phụ huynh ít vài trăm ngàn đến cả chục triệu đồng… Dường như chưa một tháng 9 năm nào bà con không than phiền, bức xúc, đòi vạch mặt chỉ tên, đòi xử lý nghiêm những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng thật lạ, sức sống dai dẳng của hai từ “lạm thu” khiến người ta phải lắc đầu ngán ngẩm.

 Năm học 2023-2024 cũng “vẫn như cũ”, lạm thu diễn ra tại nhiều địa phương, tuy mức độ khác nhau nhưng điệp khúc “thu và thu” dường như “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Bộ rồi đến Sở, Phòng GD&ĐT nào cũng đánh công văn nhắc nhở, quán triệt, vậy mà “lạm thu” cứ trơn như trạch, hễ có kẽ hở là tìm cách lách… luồn… Trên mạng xã hội, “thông tấn xã vỉa hè”, lúc trà dư khi tửu hậu… mấy ngày qua rôm rả chuyện lạm thu với những con số “khủng”. Nguyên nhân dù đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra, và đều đúng cả, “bệnh” đã được chẩn đoán, nhưng thuốc “đặc trị” thì chưa đủ liều, nên nó đã thành mạn tính, nguy cơ trở thành “ác tính” không xa.

Điều đáng nói là ở chỗ, có một phụ huynh “thấy sự bất bình chẳng tha” thì lập tức con trẻ bị dọa nạt, “tống đạt” công văn đến tận nhà đòi “từ chối giáo dục”. Nói trắng phớ là “đuổi cổ học sinh ra khỏi trường” vì phụ huynh dám lên tiếng phản biện khiến “uy tín của nhà trường bị ảnh hưởng”. Bố phản ứng, con chịu trận. Chuyện thật như đùa ở ngay Hà Nội chứ đâu xa! Và đến khi mọi chuyện bị tung hê hết cả lên, chính quyền phòng ban nhảy vào cuộc, yêu cầu nhà trường hoàn trả tiền cho phụ huynh, rồi kiểm điểm tập thể, cá nhân sai phạm, giải thể các “cánh tay nối dài”… thế là xong, ơ kìa, “hòa cả làng”! Cách xử lý “nhẹ như lông hồng” dường như chả khiến mấy ai sợ, con số biết nói “18 triệu kết quả” chính là bằng chứng cho sự “nhờn thuốc” kinh niên.

Đừng để dư luận cho rằng chả lẽ phải bất lực về vấn nạn này. Nhưng, không lẽ cứ mãi chịu đựng để sự nhức nhối ăn mòn “sức khỏe” của nền giáo dục hay sao? Cần phải kiên quyết hơn nữa, cất tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để lên án vấn nạn này. Không thể cứ sai rồi xin lỗi và hoàn trả là hết trách nhiệm, là thở phào “đã xong”. Bên cạnh việc xử lý hành chính, cần phải bổ sung các biện pháp như mời anh, chị hiệu trưởng, trưởng phòng GD&ĐT vi phạm nghỉ hoặc chuyển làm việc khác, “bêu tên” trên phương tiện thông tin đại chúng để những người manh nha ý định thấy đó mà gờm.

Xin đừng, “biết rồi khổ lắm nói mãi”! 

LÂM SƠN

 

Ý kiến bạn đọc