Trung tâm học tập cộng đồng là tổ chức giáo dục được đưa đến tận người dân

VHO - Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM” do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức vào hôm qua 10.10, các đại biểu đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), qua đó cũng đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại nhằm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng.

Trung tâm học tập cộng đồng là tổ chức giáo dục được đưa đến tận người dân - Anh 1

Các đại biểu dự Hội thảo

Theo các đại biểu, TTHTCĐ là một loại thiết chế giáo dục thường xuyên được tổ chức trên địa bàn xã, phường và thị trấn. TTHTCĐ thật sự là tổ chức giáo dục được đưa đến tận người dân, đặc biệt là những lao động không có điều kiện tới trường chính quy và những người nghèo, người trong các nhóm yếu thế rất ít có cơ hội học tập… Thế nhưng, bên cạnh những nỗ lực và kết quả nhất định, hiện các TTHTCĐ trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. 

Báo cáo kết quả thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) năm 2022 trên địa bàn TP.HCM, Ban chỉ đạo công tác xây dựng XHHT TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 22/22 quận, huyện, TP Thủ Đức ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn, 100% có quyết định Ban chỉ đạo xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030. 

Toàn Thành phố hiện có 859 cán bộ quản lý TTHTCĐ; mạng lưới giáo viên và báo cáo viên được thường xuyên củng cố, bổ sung, đảm bảo duy trì tốt các lớp học của trung tâm gồm 520 giáo viên được phân công giảng dạy, làm việc tại TTHTCĐ và 2.777 báo cáo viên, cộng tác viên gồm cán bộ nghỉ hưu, người có kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực tham gia vào các hoạt động và giảng dạy tại trung tâm.

Trung tâm học tập cộng đồng là tổ chức giáo dục được đưa đến tận người dân - Anh 2

Trung tâm học tập cộng đồng phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP.HCM hiện dạy trẻ em từ chưa biết chữ đến trình độ lớp 3. Ảnh chụp ngày 10.10.2023

Trong năm 2022, các trung tâm đã tham gia nhiệm vụ xóa mù chữ cho 677 người; lớp phổ cập giáo dục bậc trung học đạt trên 17.000 người theo học; bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho trên 60.000 người; lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, tập huấn nghề ngắn hạn và tư vấn kinh tế gia đình thu hút trên 115.000 người tham dự; lớp tuyên truyền về giáo dục pháp luật, y tế sức khỏe, văn nghệ, thể dục thể thao và một số nội dung khác đạt gần 2 triệu người tham gia…

Thế nhưng bên cạnh những kết quả đó, cũng còn không ít bất cập, khó khăn. Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, “Hoạt động của một số TTHTCĐ kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dẫn và các yêu cầu phát triển bền vững của các cộng đồng, địa phương. Số lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức”. Theo ông Dũng, một số phường, xã, thị trấn thực hiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chưa mạnh, do đó việc huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia xây dựng XHHT chưa hiệu quả. Phần lớn lực lượng tham gia trực tiếp công tác xây dựng XHHT là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi khó khăn cho việc duy trì ổn định công việc.

Theo các đại biểu, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự thay đổi nhân sự quản lý TTHTCĐ ở một số phường, xã, thị trấn (do nhu cầu luân chuyển công tác cán bộ lãnh đạo), công tác bàn giao chưa đầy đủ đã ảnh hưởng đến sự ổn định hoạt động của trung tâm. Chế độ công tác của giáo viên biệt phái và cán bộ kiêm nhiệm chưa khuyến khích được nâng cao công suất và hiệu suất công việc.

Cùng với đó, hình thức tổ chức hoạt động học tập cho người dân tại các TTHTCĐ chưa linh hoạt, chưa đa dạng và chưa phù hợp điều kiện sống và làm việc của người dân ở từng địa phương. Kinh phí từ ngân sách cấp cho TTHTCĐ hằng năm để triển khai cho các hoạt động học tập cộng đồng chưa đảm bảo. 

Hội Khuyến học TP.HCM nói thêm, cán bộ quản lý TTHTCĐ được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm, gồm một cán bộ quản lý cấp xã (thường phân công là phó chủ tịch UBND) kiêm giám đốc trung tâm, một cán bộ của Hội Khuyến học (chủ tịch hoặc phó chủ tịch Hội) và một cán bộ lãnh đạo của trường tiểu học hoặc THCS trên địa bàn kiêm phó giám đốc.

Trung tâm học tập cộng đồng là tổ chức giáo dục được đưa đến tận người dân - Anh 3

Trung tâm học tập cộng đồng là một loại thiết chế giáo dục thường xuyên được tổ chức trên địa bàn xã, phường và thị trấn

Từ thực tế hoạt động cho thấy, hiện nay với cơ chế kiêm nhiệm và không có nhân sự chuyên trách, việc quản lý và tổ chức hoạt động của trung tâm gặp nhiều khó khăn, hạn chế và không đạt hiệu quả cao. Cán bộ lãnh đạo UBND thường xuyên thay đổi, cán bộ Hội Khuyến học ở xã, phường, thị trấn đa phần là người lớn tuổi, tuy rất nhiệt tình và có trách nhiệm nhưng có những hạn chế về sử dụng công nghệ thông tin và không có điều kiện tham gia hoạt động thường xuyên tại trung tâm. Ban giám đốc trung tâm được hưởng phụ cấp từ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với mức rất thấp (hiện nay là 100.000 đồng/tháng đối với chức danh phó giám đốc của Hội Khuyến học).

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn tại TP.HCM đều đã thành lập TTHTCĐ. Tuy nhiên, ngoài một số trung tâm được bố trí chung với các Trung tâm Văn hóa – Thể thao, Nhà văn hóa phường – xã – thị trấn, điểm sinh hoạt cộng đồng thì nhiều trung tâm hiện nay phải đặt tại trụ sở UBND, không có đủ phòng ốc, trang thiết bị để tổ chức các hoạt động học tập theo nhu cầu của người dân. 

“TTHTCĐ là một cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm hoạt động tự chủ của cộng đồng cấp xã, có sự quản lý và hỗ trợ của nhà nước. Có thể khẳng định, nếu không có các TTHTCĐ (và những thiết chế giáo dục thường xuyên) cắm sâu trên địa bàn xã, phường và thị trấn.... thì không thể nói đến việc thực hiện khẩu hiệu “ai cũng học tập”, và không thể xây dựng thành công xã hội học tập”, một cán bộ UBND Quận 5 bày tỏ. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc