Còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam

VHO - Hôm nay 9.11, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam Bộ và TP Cần Thơ, với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị”, theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hội trường Thành phố và trực tuyến tại các điểm cầu TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và TP Cần Thơ.

Còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu TP.HCM

Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, GD&ĐT là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo ngành GD&ĐT Thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, qua quá trình thực hiện đã ghi nhận được những hiệu quả tích cực.

Hội thảo với mong muốn kết nối chia sẻ, hướng đến việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục đạt được hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển chung của ngành GD&ĐT của vùng và TP Cần Thơ.

Theo các đại biểu, vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của mình và tiếp tục nâng cao những đóng góp cho kinh tế quốc gia, đáp lại sự tin tưởng của Lãnh đạo Trung ương và nhân dân cả nước, vùng Đông Nam Bộ rất quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực mới. Hạ tầng số tại thời điểm hiện nay không chỉ được hiểu là những mạng lưới viễn thông, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ mà còn là những hạ tầng công nghệ liên kết các nền tảng số.

Trong sự liên kết đó, dữ liệu được tạo ra và được xem là kết quả, hàng hóa, tài nguyên quan trọng nhất trong cả quá trình chuyển đổi số. Nguồn tài nguyên này có đặc điểm vừa là sản phẩm đầu ra, vừa là nguồn nguyên liệu đầu vào cho những quá trình khởi tạo ra dữ liệu mới, giá trị mới. Vì vậy, vùng Đông Nam Bộ tiên phong trong xây dựng hạ tầng công nghệ, xem vai trò hạ tầng công nghệ quan trọng như hạ tầng giao thông và có những ưu tiên đầu tư phù hợp.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, chuyển đổi số trong giáo dục bên cạnh thời cơ thì cũng không ít thách thức. “Trong giáo dục, chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng quan trọng và không thể phủ nhận trong thế giới hiện đại, không chỉ giúp cung cấp giáo dục chất lượng mà còn tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới, mỗi người đều có điều  kiện tiếp cận giáo dục một cách linh hoạt và phù hợp.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành giáo dục hiện nay cũng đang phải đối diện với rất nhiều thách thức. Để chuyển đổi số thành công, quyết tâm chính trị của toàn ngành giáo dục là một trong những yếu tố tiên quyết. Vì vậy, ngành giáo dục cần có kế hoạch dài hạn để xây dựng hệ thống giáo dục số bền vững nhằm đảm bảo sự phát triển đồng đều và hiệu quả của các chính sách trên toàn quốc.

Ở các vùng miền xa, nhiều giáo viên và phụ huynh vẫn còn giữ tư duy truyền thống về giáo dục, cho rằng việc học trực tiếp ở trường vẫn là hiệu quả hơn so với việc học trực tuyến. Điều này khiến họ chưa sẵn sàng thay đổi để tiếp nhận các phương pháp giảng dạy, học tập mới. Ngoài ra nhiều  giáo viên không muốn thay đổi cách dạy cũ vì nhiều những khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ hiện đại”, ông Minh bày tỏ.

Bên cạnh đó, việc triển khai hạ tầng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục cũng vấp phải những khó khăn mang tính đặc thù của ngành. Tại Việt Nam, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục đã được tăng cường trong những năm gần đây, tuy nhiên khả năng tiếp cận giữa các khu vực và các vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn. Những thiếu hụt về hạ tầng cơ sở vật chất không những gây ra hạn chế trong chất lượng dạy và học mà còn dẫn đến sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Các kho tài liệu số khi được thiết lập cũng gặp nhiều khó  khăn do hạn chế về kinh phí, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời nhiều kiến  thức được đăng tải nhưng chưa được xác thực, chưa đồng nhất toàn bộ về kiến thức gây lãng phí thời gian, ngân sách. Bên cạnh đó, một số những quy định pháp lý về giáo dục chưa được hoàn thiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền sở hữu trí tuệ và an  ninh thông tin. 

Đại biểu cho rằng, để chuyển đổi số thành công cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục. Chiến lược cần có tầm nhìn tổng thể và đầy đủ cho kế hoạch trung hạn đến 2025 và định hướng 2030, có tính linh hoạt để nhận ra và đáp ứng nhanh chóng những thay đổi trong công nghệ. Chiến lược phải thúc đẩy sự tham gia và hướng tới sự phục vụ cho số đông cộng đồng và từ đó tạo ra nguồn tài nguyên dữ liệu, nguồn vốn quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số…

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc