Giáo dục đại học: Cần đột phá để mở đường cho tự chủ

VHO- Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo tăng từ 1.546.478 người lên 2.021.901 người, tỷ lệ tăng 30,74%. Quy mô giáo dục, công tác quản lý, quản trị đại học có bước phát triển và nhiều đổi mới, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Do đó, cần có sự đột phá về thể chế, nguồn lực và cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Giáo dục đại học: Cần đột phá để mở đường cho tự chủ - Anh 1

 Giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực (ảnh minh họa)

Tại Hội thảo Giáo dục đại học năm 2023 với chủ đề Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thừa nhận rằng, dù giáo dục ĐH Việt Nam đang trong trạng thái phát triển, với quy mô trên toàn hệ thống khoảng trên 500.000 sinh viên, nhưng tốc độ còn chậm. Theo ông Nguyễn Kim Sơn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân kỳ vọng đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, thì không nên loay hoay làm thế nào để trường ĐH đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo, mà phải làm thế nào để các trường ĐH bứt phá. Bởi chỉ phát triển mới mang lại chất lượng, còn cứ mãi ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là vô cùng khó.

Xét dưới góc độ thể chế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, “cái vướng” đang tạo ra lực cản cho tự chủ đại học - một thuộc tính đương nhiên của giáo dục đại học, chính là hệ thống quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ đại học chưa có được sự đồng bộ và chia sẻ của hệ thống pháp luật khác. Chỉ ra vướng mắc từ thể chế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lấy ví dụ: Một cơ sở giáo dục ĐH mà áp dụng các quy định tương tự các cơ sở sự nghiệp công lập khác rất khó để tự chủ. Các nhà khoa học trong các trường ĐH cũng là viên chức, nhưng họ cần sự tự chủ rất cao để sáng tạo, để thể hiện hết trách nhiệm của mình. Nếu theo chế tài của luật Viên chức thì các nhà khoa học khó làm được điều này.

Cùng bàn về thể chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tập trung đầu tư phát triển một số cơ sở ĐH, trên cơ sở xây dựng tiêu chí, nguyên tắc đầu tư. Ông Nguyễn Đắc Vinh đề xuất một vài lĩnh vực mà nhà nước cần ưu tiên: “Thứ nhất là khoa học cơ bản, vì nó là gốc rễ xây dựng các công nghệ lõi. Thứ hai là khoa học kỹ thuật, đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư tốn kém, đất nước rất cần nhân lực, trong khi khối tư thục ít đào tạo. Thứ ba là khoa học sức khỏe, trong đó chú trọng phát triển công nghệ sinh học. Thứ tư là chuyển đổi số. Thứ năm là phát triển đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực bán dẫn. Rồi một số lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội”.

Về cơ chế, ông Nguyễn Đắc Vinh gợi mở mô hình đặt hàng của Chính phủ Hàn Quốc: “Cơ chế đặt hàng của Chính phủ với trường ĐH của họ rất đơn giản. Nhà nước đưa ra một gói đầu tư với một số yêu cầu để anh thực hiện trong thời gian đã định. Cách đặt hàng càng đơn giản thì khoản đầu tư càng đi nhanh vào các trường. Chúng ta sẽ giám sát bằng luật pháp, bằng cơ chế thanh tra kiểm tra thường xuyên. Đặt hàng kèm theo các quy định, các định mức quá chi tiết thì chúng tôi e rằng tiền thì chi mà vì nhiều cái trói buộc nên hiệu quả không đáng kể”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu.

Giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tri thức, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước, tạo động lực mới cho hội nhập, phát triển bền vững. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, trong đó, thể chế, chính sách pháp luật được coi là yếu tố then chốt đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức, vận hành. Nếu được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp, có tầm nhìn, có khả năng dự báo thì thể chế, chính sách pháp luật sẽ góp phần “soi đường”, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thúc đẩy lĩnh vực phát triển; ngược lại, sẽ gây ra những rào cản đối với sự bứt phá của các trường ĐH. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc