Quảng Ngãi: Lớp học “ đặt biệt” của những thầy, cô giáo nghỉ hưu

VHO - Lớp học được xem là “đặc biệt”, bởi học trò ở đây đều thiểu năng về trí tuệ, chậm phát triển, câm, điếc bẩm sinh. Những thầy, cô giáo đã về hưu, có thầy mang thương tật từ chiến tranh để lại.

Quảng Ngãi: Lớp học “ đặt biệt” của những thầy, cô giáo nghỉ hưu - Anh 1

Lớp học tình thương đã giúp các em biết đọc, biết làm phép tính đơn giản

Lớp học tình thương xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) được thành lập bởi Hội Cựu giáo chức xã và tồn tại hơn 10 năm nay tại thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ. Để có được lớp học này là cả một sự cố gắng, nỗ lực của thầy, cô giáo nơi đây. Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã là thầy Trần Đình Vương, người đã tham gia giảng dạy xuyên suốt trước và sau ngày giải phóng trên mảnh đất Tịnh Thọ. Về hưu năm 2009, đến năm 2012 thầy Vương mở lớp học tình thương. Trong vòng 10 năm, lớp học tình thương có 18 thầy, cô giáo tham gia. Họ đến với lớp học tình thương bằng cả lòng nhiệt huyết, tuy đây là nghề cũ, nhưng trách nhiệm lại vô cùng mới mẻ với lớp học “đặc biệt” này.     
Thầy Vương nhớ lại, những ngày đầu mở lớp các thầy cô rất vất vả từ công tác vận động đến sắp xếp lớp học trật tự, nề nếp. Lớp học thì đủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất 10 tuổi, lớn nhất trên 22 tuổi, với đủ các căn bệnh và chịu sự dày vò khác nhau. Quản lý một lớp học đối với các thầy cô giáo trước đây không có gì khó, nhưng đối với lớp học này thì khó vô cùng. 
“Các em luôn ồn ào, náo nhiệt, trò dù bao nhiêu tuổi vẫn không chịu lớn, thầy cô giáo thay vì nghiêm khắc thì phải luôn ngọt ngào, dỗ dành, xuề xòa, bỏ qua cho những hành vi bất nhã, giận dữ của trò. Thầy cô giáo dù đã có kinh nghiệm giảng dạy nhưng cũng phải bối rối khi các em không biết phân biệt lúc nào học, lúc nào chơi, thầy Vương chia sẻ. 

Quảng Ngãi: Lớp học “ đặt biệt” của những thầy, cô giáo nghỉ hưu - Anh 2

Thầy Trần Đình Vương, người đã tham gia giảng dạy xuyên suốt trước và sau ngày giải phóng trên mảnh đất Tịnh Thọ

Trước khi đến lớp học đa phần các em đều không biết đọc, không biết viết và hầu hết đều suy giảm trí nhớ. Do đó, lớp học chỉ dạy 2 môn Toán, Tiếng Việt và những kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng. Có những phép tính, con chữ mà các thầy, cô giáo phải dạy đi, dạy lại cả tháng để các em nhớ mặt chữ. Do vậy, với những trẻ “lâu nhớ mà mau quên” này thì thành tích mà thầy, cô giáo ở lớp học tình thương mong đợi không phải là có bao nhiêu học sinh xuất sắc mà nhiều khi chỉ là một chuyển biến nhỏ từ phía các em như: biết đọc, biết làm phép tính đơn giản, biết chào hỏi ông bà, cha mẹ, thầy cô, biết quét sân, rửa ấm chén, biết giữ gìn vệ sinh…
Trải qua 10 năm, lớp học tình thương xã Tịnh Thọ đã dạy miễn phí cho 16 em khuyết tật. Trong đó, có 9 em đã “tốt nghiệp ra trường”, hiện còn 7 em. Số em đã tốt nghiệp, có em đã đi làm công nhân, có em không lao động được do sức khỏe yếu thì quay về phụ giúp ba mẹ những chuyện nhẹ nhàng trong gia đình. 
Thầy Nguyễn Hương (68 tuổi), thương binh loại 2, mất cánh tay phải, hoàn cảnh của gia đình thầy cũng hết sức khó khăn, bản thân thầy cũng thường xuyên đau ốm, nhưng cũng phải chăm sóc cho người con thứ 4 bị mắc bệnh tâm thần từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết đối với lớp học tình thương của thầy thì luôn tròn đầy. Đều đặn, mỗi năm thầy cùng với các thầy cô giáo luôn tự nguyện, lặng thầm trao đi những yêu thương của mình đến với trẻ kém may mắn.
 “Dạy trẻ khuyết tật thì khó hơn trẻ bình thường rất nhiều, nhưng khi gắn bó với lớp, với các em, tôi luôn cảm thấy yêu nghề, yêu các em vô cùng, chỉ cần thấy các em mỗi ngày mỗi tiến bộ, biết hòa nhập cộng đồng, bớt tủi thân là tôi mừng lắm”, thầy Hương trải lòng.

Quảng Ngãi: Lớp học “ đặt biệt” của những thầy, cô giáo nghỉ hưu - Anh 3

Tận tụy, hướng dẫn chỉ bài cho các em khuyết tật

Đối với thầy Mai Văn Minh (67 tuổi) cũng tham gia giảng dạy ở lớp học tình thương Tịnh Thọ từ những ngày đầu cho biết: “Tôi xác định đi dạy lại mà nghề thì cũ, nhưng trách nhiệm lại mới. Học sinh ở đây, với đa dạng khiếm khuyết, có em bị câm, chỉ ngồi tô màu, xếp que tính; có em suy giảm trí nhớ có một chữ cái mà cả tháng cũng chưa thuộc; có em tay cong queo, viết cho đúng chữ, đúng ô, đúng hàng là cả một quá trình...Nhưng tôi luôn kèm cặp, chỉ bảo tỉ mỉ vì khả năng của các em là khuyết tật”.
Em Nguyễn Duy Bình (SN 2011), thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thị khi sinh ra em đã rất yếu phải nằm lồng kính, đến gần 1 tuổi mà tóc em vẫn chưa mọc, càng lớn tuổi chân của em càng yếu, đi đứng không vững. Khi hơn 5 tuổi em được gia đình đưa đi phẩu thuật, đôi chân của em giờ cũng cứng cáp hơn, đi lại được, nhưng bệnh suy giảm trí nhớ thì vẫn còn. Bình đến với lớp học tình thương được gần 4 năm. Đến nay, em cũng biết làm phép cộng, trừ, viết được tên của mình, nhưng vẫn có lúc nhớ lúc quên. 
Anh Nguyễn Văn Cư, ba của em Bình tâm sự: “Cháu Bình suy giảm trí nhớ, nhưng giờ đến lớp, được các thầy cô ở đây yêu thương, tận tình dạy bảo, nên giờ cháu hòa nhập được cộng đồng, lúc nào cũng vui vẻ, ngoan ngoăn, không bị trầm cảm, ức chế, biết chào hỏi, thưa trình, biết quét nhà, rửa ấm chén. Tôi rất biết ơn các thầy cô ở đây”.
“Tuy bình dị về thành tích nhưng quá trình chăm sóc, dạy dỗ các em của các thầy cô giáo ở đây là một kỳ tích. Nhờ sự tận tình của các thầy cô mà từ những đứa trẻ khờ khạo, khó bảo ban đầu càng ngày càng trở nên tự tin hơn, biết đọc, biết viết, có kỹ năng tự lập, kỹ năng sống, có công ăn việc làm, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội là niềm tự hào rất lớn. Dù khó khăn, nhưng các thầy cô ở đây chưa có suy nghĩ chùn bước, bỏ dạy mà luôn mong muốn gắn bó yêu thương lâu dài với lớp học”, thầy Trần Đình Vương bày tỏ.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc