Những người thầy của lớp học đặc biệt

VHO- Nếu nói nhà tù là công cụ đấu tranh, trấn áp kẻ phạm tội, thì giáo dục và cải tạo sẽ là liều thuốc nhiệm màu để gột rửa lỗi lầm của những người lạc lối và thổi bùng lên ngọn lửa lương tri trong mỗi con người.

Những người thầy của lớp học đặc biệt - Anh 1

 Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại tạm giam số 2 khám bệnh cho can phạm nhân

Nghề quản giáo là nghề “giáo dục lại”

Đó là tâm sự của thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 (Công an thành phố Hà Nội) khi dẫn chúng tôi đi quanh khu trại hiện đang giam giữ 2.225 phạm nhân thuộc nhiều tội danh.

Khác với hình dung của chúng tôi về “nhà tù”, Trại tạm giam số 2 của Công an thành phố Hà Nội có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với những con đường nội bộ bê tông sạch sẽ, những khoảnh vườn hoa lá xanh tươi. Nếu không thấp thoáng một vài bóng áo kẻ đang tưới cây, chắc không ai nghĩ đây là một nơi “đặc biệt” của xã hội.

Tại khu bệnh xá của Trại, trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng đang thăm khám cho một bệnh nhân lớn tuổi. Anh cho biết, 28 năm gắn bó với khu bệnh xá đặc biệt này, anh thấu hiểu những mảnh đời, số phận và khát khao làm lại cuộc đời của nhiều can phạm nhân. Đặc biệt, khi ốm đau là lúc con người ta cảm thấy cô đơn, mềm yếu nhất, cần sự nương tựa nhiều nhất, nên các y bác sĩ vừa khám chữa bệnh, vừa tâm tình, động viên để họ cải tạo tốt, nhanh chóng trở về gia đình.

Là người đang chờ thi hành án, ông Nguyễn Đức Tiến cho biết, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khi vào Trại, ông luôn nhận được sự chăm sóc, chữa trị chu đáo của các y, bác sĩ bệnh xá. “Ốm đau bệnh tật nhưng không có người thân thăm nom nên tôi rất bi quan, chán nản. Giờ sức khỏe của tôi đã ổn định, tinh thần cũng tốt hơn. Tôi rất biết ơn các y, bác sĩ, giám thị Trại vì đã chăm sóc, chữa trị và sống rất có tình người, tôi cũng biết ơn Đảng, Chính phủ đã cho tôi cơ hội để sửa chữa lỗi lầm”, ông Nguyễn Đức Tiến chia sẻ.

Cũng tại Trại tạm giam số 2, nhiều giám thị, cán bộ y tế và cảnh sát bảo vệ đã kịp thời giúp cho không ít can phạm nhân từ bỏ tâm lý tiêu cực, nhận thức đúng về hành vi sai trái của mình, hợp tác với cơ quan chức năng, yên tâm chấp hành án để tái hòa nhập cộng đồng. Thượng tá Nguyễn Xuân Nam cho biết, nghề quản giáo chính là nghề “giáo dục lại”. Công tác giáo dục, cải tạo can phạm nhân luôn là nhiệm vụ khó khăn, một mặt giúp họ nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật, một mặt giúp họ hướng thiện, có ý thức sửa chữa sai lầm. Do đó, vai trò của những cán bộ, chiến sĩ tại các cơ sở giam giữ rất quan trọng nhưng cũng hết sức nặng nề. Chỉ có lòng tận tâm yêu nghề mới giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức và cám dỗ để vững vàng bản lĩnh của người chiến sĩ Công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Những người thầy của lớp học đặc biệt - Anh 2

 Thầy Trần Liêm Hiệu “cầm tay chỉ việc” cho học viên

Chuẩn bị hành trang cho “ngày trở về”

Rời Trại tạm giam số 2, chúng tôi đến Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội, nơi đang giam giữ 3.669 can phạm nhân. Trong gian phòng rộng chừng 200m2 thoáng đãng, sạch sẽ, 25 phạm nhân là học viên lớp dạy nghề Điện dân dụng đang say sưa lắng nghe bài giảng của thầy. Không khí lớp học sôi nổi, vì thầy trò vừa nghe giảng, vừa thực hành trên thiết bị.

Thầy Trần Liêm Hiệu, Trưởng khoa Điện tự động hóa (Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội) - đơn vị đào tạo trình độ sơ cấp nghề Điện dân dụng cho học viên là phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 cho biết: “Đây là lớp học đầu tiên giữa hai đơn vị, được tổ chức ngay trong Trại. Khai giảng từ tháng 10.2023, các học viên đặc biệt sẽ được học 300 giờ, theo kiểu cầm tay chỉ việc. Thời gian học liên tục vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Sau 3 tháng, học viên hoàn thành chương trình sẽ được cấp chứng chỉ nghề của Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội. Để triển khai chương trình, Trường đã bố trí 8 giáo viên có trình độ, kỹ năng để đào tạo cho các học viên đặc biệt”.

Nói về những khó khăn khi đứng lớp, thầy Hiệu chia sẻ: “Học viên có hoàn cảnh, độ tuổi, tính cách và trình độ khác nhau. Đặc thù công việc đòi hỏi mỗi giáo viên ngoài kiến thức phải có cách giao tiếp, tâm thế, biện pháp giáo dục thích hợp, nên chúng tôi đã lựa chọn những thầy cô có đủ phẩm chất trên để đào tạo cho họ. Chúng tôi vừa là bạn, là thầy, cũng vừa là người thân… giúp phạm nhân an tâm học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề, phấn đấu làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Nhìn những người đã từng lầm lỡ đang hào hứng “khám bệnh” cho từng chiếc bình nóng lạnh, máy bơm nước; chăm chú lắng nghe từng lời thầy giảng để biết cách phân biệt đâu là dây dẫn điện dương, điện âm,… chúng tôi nghĩ, nay mai khi trở về cộng đồng, ắt hẳn họ sẽ hoàn lương và có một cái nghề để “kiếm cơm”. Thầy Hiệu cũng tin rằng, những học viên có tay nghề sẽ dễ dàng tham gia thị trường lao động, tìm kiếm công việc để trang trải cuộc sống, trở thành người có ích.

Là học viên trẻ nhất lớp, phạm nhân Nguyễn Việt Tiến (sinh năm 2004) tâm sự: “Em chưa một lần làm việc nhà đỡ đần cha mẹ. Những vật dụng gia đình hỏng hóc em đều kệ, không quan tâm. Bây giờ đã học được nghề, em mong sớm được trở về nhà, tự tay làm những công việc này”.

Để giúp phạm nhân khi trở về xã hội không quay lại con đường lầm lạc, Trại tạm giam số 1 luôn chú trọng việc định hướng nghề nghiệp cho họ. Mặc dù dạy nghề cho phạm nhân là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi vừa phải đảm bảo những yêu cầu của công tác dạy nghề nói chung, vừa phải đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục người đang chấp hành án phạt tù, thế nhưng đây cũng là giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống mới lương thiện, giúp con đường tái hòa nhập cộng đồng của họ rút ngắn lại. Bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc này mà công tác dạy nghề cho phạm nhân ở các trại giam đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc