Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh Lào

VHO - Ngày 21.12, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp lần thứ 2 ngành Nghệ thuật biểu diễn Xiếc và ngành Tạp kỹ cho 36 học sinh Khóa 39 và Khóa Lào.

Đến dự có PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL); lãnh đạo Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL...; ông Ô Lăm Chăn Tha Vi Lay, Bí thư Thứ hai, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại VN; ông Bun nhộ Xay pan nha, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; bà Vôn vi lay Lắt tha pha sa vang , Giám đốc Đoàn xiếc quốc gia Lào cùng Ban Giám đốc.

Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh Lào - Anh 1

Ông Ô Lăm Chăn Tha Vi Lay, Bí thư Thứ hai, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại VN lên trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào cho Trường TCNT Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi thi tốt nghiệp, NSƯT.Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, sau 5 năm đào tạo tại Trường, học sinh Khóa Lào, niên khóa 2018-2023 chính thức kết thúc khóa học bằng buổi thi tốt nghiệp. Đây là cơ hội để các em chứng tỏ mình được đào tạo và huấn luyện toàn diện, có được kỹ năng kỹ xảo tốt, trình độ biểu diễn trên sân khấu thành thục, không thua kém gì các diễn viên chuyên nghiệp.

Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh Lào - Anh 2

Các đại biểu chụp ảnh cùng học sinh trong buổi thi tốt nghiệp

Chúc các em học sinh bình tĩnh, tự tin, hoàn thành xuất sắc bài thi, Hiệu trưởng Ngô Lê Thắng mong các em sau khi tốt nghiệp trở về Lào công tác sẽ cống hiến cho nhân dân, cho ngành Xiếc những chương trình biểu diễn hấp dẫn, thu hút khán giả; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong nước.

Kỳ thi có tổng số 11 tiết mục và 36/36 học sinh Khoá 39 và Khoá Lào đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn Xiếc và ngành Tạp kỹ. Các em đã thực hiện khá thành thạo, tự tin các tiết mục dây dọc, nhào lộn trên sào, đế thống, đu dây, huấn luyện thú biểu diễn, xe đạp tập thể, cầu bật... 

Nhân dịp này, để nghi nhận đóng góp của Trường trong công tác đào tạo lưu học sinh Lào, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã quyết định tặng Bằng khen cho Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.  

Trước đó, thực hiện nội dung Hiệp định Liên chính phủ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam được Bộ GD&ĐT Việt Nam phân bổ chỉ tiêu 15 lưu học sinh Lào đào tạo theo diện Hiệp định. Năm 2018, Trường đã tiếp nhận học sinh vào đào tạo tại Trường, Khóa đào tạo chính quy, ngành Nghệ thuật biểu diễn Xiếc và ngành Tạp kỹ, niên khóa 2018-2023.

Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh Lào - Anh 3

Tiết mục đu dây "Giấc mơ trưa" của học sinh Lào

NTƯT Ngô Lê Thắng cho biết, khi các lưu học sinh Lào được tiếp nhận về đào tạo tại Trường, các em ở lứa tuổi rất nhỏ, chỉ từ 11 đến 15 tuổi. Khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, sinh hoạt và khả năng nói tiếng Việt, giao tiếp tiếng Việt của học sinh còn nhiều hạn chế nên cũng phần nào gây khó khăn cho hoạt động quản lý đào tạo của Trường đối với các học sinh Lào.

“Hiểu được tâm tư, tình cảm của học sinh ở độ tuổi nhỏ, xa gia đình đến một đất nước khác để học tập, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đặc biệt quan tâm, phân công các thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm, đã từng giảng dạy cho các học sinh Lào trước đây phụ trách các công tác liên quan đến học sinh Lào. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng bố trí giáo viên quản lý học sinh trong giờ và ngoài giờ, bố trí nấu ăn phục vụ học sinh Lào theo chế độ riêng; bố trí nơi ở tập trung tại Ký túc xá Bộ VHTTDL và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các học sinh Lào yên tâm học tập”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trong quá trình đào tạo, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã bố trí các giáo viên giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, có kỹ năng sư phạm tốt để huấn luyện học sinh Lào. Sau hai năm đào tạo cơ bản, Trường đã tổ chức xây dựng đề án tiết mục cho học sinh Khóa Lào. Ban Giám hiệu Nhà trường đã thường xuyên trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và Đoàn Xiếc Quốc gia Lào để tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của Đoàn Xiếc Quốc gia Lào về các tiết mục mà Đoàn cần. Từ đó Nhà trường đã giao các giáo viên xây dựng đề án để đào tạo cho học sinh Khóa Lào gồm có 7 tiết mục thuộc 2 ngành đào tạo là Nghệ thuật biểu diễn Xiếc và ngành Tạp kỹ.

Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh Lào - Anh 4

Tiết mục xe đạp tập thể "Tiểu đội xe xung kích" của học sinh Việt Nam

Để chuẩn bị cho học sinh Lào tốt nghiệp với trình độ kỹ năng, kỹ xảo tốt, có bản lĩnh, tự tin biểu diễn trên sân khấu, Nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động biểu diễn thực tập tốt nghiệp đối với học sinh. Học sinh Khóa Lào được Nhà Trường tạo điều kiện đi thực tập biểu diễn tại nhiều địa điểm trên tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Đình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Yên, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Thông qua các chương trình biểu diễn thực tập, học sinh Lào đã có sự phát triển vượt bậc về khả năng trình diễn và ứng biến sân khấu, có thể trở thành những nghệ sĩ xiếc tài năng, cống hiện cho khán giả những chương trình biểu diễn chất lượng.

“Bên cạnh đó, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ, các chương trình ngoại khóa để học sinh Lào được giao lưu với bạn bè cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với các Khóa học sinh Việt Nam tại Trường được thường xuyên tổ chức, chương trình dâng hương tại Lăng Hồ Chủ Tịch, chương trình tham quan di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long và các buổi khám phá di tích địa phương kết hợp với chương trình biểu diễn thực tập đã mang đến sự thích thú, những trải nghiệm tốt đẹp cho học sinh Lào học tập tại Trường”, NSƯT Ngô Lê Thắng cho biết thêm.

QUỲNH HOA; ảnh: NGUYỄN QUANG

Ý kiến bạn đọc