Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ "Thư viện công viên trường"

VHO - Thay vì chỉ bó hẹp trong không gian lớp học, học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được thoải mái tìm hiểu kiến thức Văn hóa, Lịch sử, Địa lý... ở sân trường thông qua thư viện công viên, các tấm pano, mô hình mô phỏng.

Tại sân trường Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) có Thư viện công viên “Hà Tĩnh quê mình” đang là điểm “check-in” đầy thú vị cho rất nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh trong và ngoài trường. Bởi nơi đây, các em học sinh được tham quan trải nghiệm các danh thắng, được tìm hiểu, đọc sách về các danh nhân đặt tại thư viện công viên.

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Thư viện công viên “Hà Tĩnh quê mình” tại trường học.

Thầy giáo Lê Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: Để đáp ứng chương trình giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho các em học sinh, Trường THCS Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh đã xây dựng thư viện công viên mang tên "Hà Tĩnh quê mình”. Công trình ý nghĩa này xây dựng từ tháng 6.2022, hoàn thành đưa vào trải nghiệm từ tháng 3.2023 bằng nguồn xã hội hóa. Thư viện công viên nằm ngay trong khuôn viên sân trường với diện tích gần 300m2. Tại đây có các địa danh lịch sử Hà Tĩnh, những địa điểm di tích lịch sử, danh nhân quê hương Hà Tĩnh”. “Sắp tới, nhà trường sẽ bổ sung thêm hệ thống cây xanh cho thư viện; đồng thời hướng dẫn, tập luyện để các em, chủ nhân của thư viện hiểu và thuyết trình đầy đủ về công viên. Các em học sinh là những hướng dẫn viên khi có các đoàn, các lớp đến tham quan học tập tại thư viện”. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết thêm.

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Một trong những điểm nhấn của thư viện công viên là góc tư liệu về Đại thi hào Nguyễn Du với phối cảnh khuôn viên, tượng đại thi hào và các tài liệu, sách liên quan... để học sinh tìm hiểu

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Các di tích nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú (Đức Thọ), tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê hữu Trác (Hương Sơn)...được tái hiện trong Thư viện sân trường

Một trong những điểm nhấn của thư viện công viên là góc tư liệu về Đại thi hào Nguyễn Du với phối cảnh khuôn viên, tượng đại thi hào và các tài liệu, sách liên quan... để học sinh tìm hiểu. Qua đó, giáo dục các em về ý nghĩa và tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện khi được theo học dưới mái trường mang tên đại thi hào. Từ cửa ngõ phía Bắc huyện Nghi Xuân với Đại thi hào Nguyễn Du đến Hoành Sơn Quan (thị xã Kỳ Anh); hay dọc theo tuyến đường, các di tích nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú (Đức Thọ), tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê hữu Trác (Hương Sơn), tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân (Vũ Quang)... đều được tái hiện đầy sinh động. Xuôi về phía Nam còn có nhà lưu niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng (Thạch Hà), Văn miếu Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên).

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Học sinh được tham quan trải nghiệm các danh thắng, được tìm hiểu, đọc sách về các danh nhân đặt ngay tại khuôn viên sân trường

Thư viện không chỉ giới thiệu địa chỉ lịch sử, danh nhân văn hóa mà còn cung cấp nhiều tài liệu, sách, báo để các em học sinh vừa có thể tìm hiểu kiến thức, vừa giải trí sau các giờ học căng thẳng. Để tiện cho các em học sinh có không gian vừa học vừa chơi, thư viện bố trí bàn ghế đá, trang trí các hình ảnh địa danh nổi tiếng của quê hương, đất nước. Để lan tỏa ý nghĩa việc học lịch sử địa phương và giới thiệu thư viện công viên đến đông đảo học sinh trên địa bàn thành phố, mới đây nhà trường tổ chức “Cuộc thi làm phim thuyết trình song ngữ về các danh nhân Hà Tĩnh trong hệ sinh thái giáo dục của Trường THCS Nguyễn Du”. Cuộc thi đã nhận 24 tác phẩm dự thi, tác phẩm xuất sắc giới thiệu về các danh nhân Hà Tĩnh được nhà trường gắn mã QR code để mỗi học sinh, giáo viên khi tham quan có thêm tài liệu sinh động. Em Nguyễn Minh Tú, Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: "Thư viện công viên là nơi chúng em được thoải mái học các tiết học trải nghiệm, sáng tạo, các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, giáo dục địa phương, nghệ thuật rất gần gũi, bổ ích. Không chỉ các giờ ra chơi, vào mỗi chiều hay buổi tối, chúng em đều có thể đến công viên".

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Mô hình bản đồ Việt Nam tại Trường Tiểu học Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) được làm từ hàng nghìn chiếc chai nhựa. Mỗi tỉnh thành, khu vực được mô phỏng bằng nắp chai nhựa, sơn màu sắc khác nhau để phân biệt ranh giới

Tại Trường Tiểu học Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), tại khuôn viên trường, để cho học sinh hiểu hơn về quê hương, đất nước, lòng biết ơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông, cô trò tại đây đã sáng tạo nên công trình “Tự hào lịch sử Việt Nam” hết sức độc đáo, ý nghĩa. Trên diện tích gần 100m2, công trình bao gồm các hạng mục như: bản đồ Việt Nam; khu trưng bày tài liệu, thông tin về các địa danh, nhân vật và sự kiện lịch sử; sách ảnh “Lịch sử nước ta”... Sau hơn 1 tháng triển khai, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11.2023. Công trình nhằm phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục ngoài trời; thực hành các tiết học Lịch sử, Địa lý của giáo viên và học sinh. Mô hình bản đồ Việt Nam được làm từ hàng nghìn chiếc chai nhựa. Mỗi tỉnh thành, khu vực được mô phỏng bằng nắp chai nhựa, sơn màu sắc khác nhau để phân biệt ranh giới. Từ mảnh đất Hà Giang - địa đầu Tổ quốc, Hà Nội - “trái tim hồng” của cả nước cho đến TP Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác và đất mũi Cà Mau... đều được tái hiện rất sinh động trên nền bản đồ. Mỗi tiết học với mô hình bản đồ này, học sinh được tự do tìm hiểu, khám phá và thực nghiệm những kiến thức về ranh giới, khu vực, biển đảo; sơ đồ chiến thuật các trận đánh trong lịch sử... vốn đã được thầy cô giáo giảng dạy trên lớp. Điều này giúp các em có cái nhìn tổng quan, dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ được tái hiện qua các hình ảnh sinh động chân thực; thông tin chính xác, ngắn gọn, súc tích trong sách ảnh “Lịch sử nước ta”. Thông tin đầy đủ về các địa danh, nhân vật và sự kiện lịch sử quan trọng đều được giới thiệu bằng những bảng tin được thiết kế đẹp mắt, sáng tạo. Điều đặc biệt là trên mỗi bảng tin đều có tích hợp mã QR, cán bộ, giáo viên, phụ huynh có thể sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin về những địa danh, sự kiện và nhân vật mà mình quan tâm.

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Với công trình ”Tự hào lịch sử Việt Nam" tại Trường Tiểu học Thạch Đài, học sinh được tìm hiểu, khám phá về các địa danh của đất nước, lịch sử dân tộc để biết yêu quý, trân trọng hơn những cống hiến của thế hệ cha ông

Đến với Trường tiểu học Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà có khu trải nghiệm ngoài trời trong khuôn viên trường được đưa vào sử dụng tháng 11.2023 đã thu hút, kích thích tinh thần học tập của các em học sinh. Với 4 chủ đề: Quê hương em, Tự hào lịch sử, Biển đảo Việt Nam và góc trải nghiệm điều muốn nói. Mô hình giúp giờ học Lịch sử, địa lý…trở nên sinh động, cuốn hút. Các hình ảnh minh họa tại khu trải nghiệm được dán mã QR. Khi quét mã, phụ huynh và học sinh sẽ cập nhật được những kiến thức về các chủ đề giáo dục.

Gieo niềm đam mê học văn hóa, lịch sử từ

Trường tiểu học Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà có khu trải nghiệm ngoài trời trong khuôn viên trường

Bà Nguyễn Thị Nhung Quyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Năm học 2023 - 2024, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, xây dựng “Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn”; xây dựng “Trường học hạnh phúc”; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục ở các cấp học, bậc học, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều trường học đã xây dựng những mô hình giáo dục mở, góp phần thực hiện nâng cao chất lượng học tập. Những giờ học kết nối đã trở nên cuốn hút, hấp dẫn hơn qua hoạt động tương tác giúp các em hiểu biết thêm nhiều kiến thức, có cơ hội quảng bá hình ảnh quê hương và rèn luyện kỹ năng giao tiếp với mọi người. Phong trào thi đua học tập để nâng cao năng lực, trình độ, khơi dậy tâm huyết, niềm đam mê sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng trở nên sôi nổi, rộng khắp và hiệu quả. Luồng gió đổi mới giáo dục đã làm thay đổi tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục. Đó cũng là hành trang, động lực để Hà Tĩnh tự tin triển khai chương trình đổi mới giáo dục trong lộ trình tiếp theo.

                                                                                                        PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc