Nỗ lực chăm lo Tết cho giáo viên

VHO - Thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã lên kế hoạch dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho giáo viên. Ghi nhận cho thấy, so với các năm trước, thưởng Tết năm nay khả quan hơn, hứa hẹn mang đến cái Tết ấm áp cho đội ngũ thầy cô giáo.

Nỗ lực chăm lo Tết cho giáo viên - Anh 1

 Học sinh và giáo viên một trường tại huyện Củ Chi, TP.HCM

Mức thưởng cao nhất từ trước đến nay

Chia sẻ với Văn Hóa, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, ngôi trường đóng tại Cần Giờ, huyện ngoại thành xa xôi nhất TP phấn khởi bày tỏ: “Nhà trường đang tính toán kế hoạch thưởng Tết cho giáo viên, mặc dù chưa chốt con số cụ thể, nhưng dự kiến ít nhất là 12 triệu đồng/ người. Đây là mức thưởng cao nhất từ trước đến nay của Trường THCS-THPT Thạnh An”.

Hiệu trưởng Nguyễn Bảo Ngọc tâm tư: “Ít nhất 5 năm qua, mà thậm chí là từ trước đến nay, Nhà trường chưa bao giờ có tiền tiết kiệm để chi thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mức thưởng Tết hằng năm chỉ là mức thưởng chung của TP, có năm được vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng, như năm trước là 1,5 triệu đồng. Năm nay, rất mừng là Nhà trường đã có nguồn để tiết kiệm tốt hơn, có thể nói là tốt nhất từ trước tới giờ, nhờ được giao quyền tự chủ và cấp kinh phí hoạt động theo giai đoạn mới, điều này sẽ khích lệ, động viên nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên dạy học ở vùng xa như Thạnh An, Cần Giờ”.

Tương tự, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức cho biết, đến thời điểm này trường chưa quyết toán xong, nhưng dự kiến mức thưởng năm nay có thể nhỉnh hơn so với Tết năm 2023. “Thực ra, cán bộ, giáo viên Nhà trường đã có thu nhập tăng thêm hằng quý rồi nên mọi người rất phấn khởi. Về nguồn thưởng Tết, đây là khoản tiền tiết kiệm từ các khoản chi chung trong trường, tiền này cũng đã là của anh em, mình không chi ngay mà để dành lại đến cuối năm thầy cô nhận một lần để chi tiêu cho dịp Tết, dự kiến ở mức khoảng 1 tháng lương”, bà Hảo chia sẻ.

Được biết, ngành Giáo dục không có quy định thưởng Tết hay “lương tháng 13” cho giáo viên, người lao động như ở khối doanh nghiệp. Hằng năm, sau khi tổng kết các khoản thu chi, cơ sở giáo dục sẽ chi thu nhập tăng thêm từ nguồn kết dư của đơn vị, nên mức hỗ trợ Tết giữa các trường không giống nhau.

“Ở những trường xây dựng đã lâu năm, cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy… xuống cấp thì trường phải dành kinh phí để bổ sung, vì thế đến cuối năm sẽ không có kết dư nhiều để chi Tết cho giáo viên, người lao động”, Hiệu trưởng một trường THCS bày tỏ, đồng thời chia sẻ thêm, trong khi giáo viên có thu nhập ổn định từ lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm theo quy định chung của TP thì thu nhập của nhân viên phục vụ phải trông chờ vào tình hình tài chính của đơn vị. Chính vì vậy, nhiều năm qua, các chính sách hỗ trợ thu nhập được thực hiện đồng đều giữa các thành viên trong trường, không phân biệt cán bộ quản lý hay giáo viên, nhân viên để động viên tinh thần đội ngũ.

Ngoài ra, theo lãnh đạo các trường, Thông tư 20/2023 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành về hướng dẫn vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập đã thay đổi hình thức hợp đồng lao động đối với một số vị trí nhân viên trường học, từ biên chế sang hợp đồng lao động có thời hạn, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm tư của đội ngũ. Do đó, ngoài việc duy trì thu nhập cho người lao động, các trường phải nỗ lực “giữ chân” đội ngũ, nhất là những vị trí khó tuyển như nhân viên y tế, tư vấn tâm lý trường học.

Khuyến khích vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi Tết

Trong khối đào tạo đại học, mức thưởng Tết cho cán bộ, giảng viên, người lao động có độ chênh lệch khá cao giữa các trường. Ở một số đơn vị, mức thưởng Tết của cán bộ, giảng viên và người lao động khác nhau tùy vị trí đảm nhận và thâm niên công tác.

Theo thông tin từ Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, mức bổ sung thu nhập (thưởng Tết Âm lịch) của trường tương đương năm 2023. Cụ thể, mỗi cán bộ, công nhân viên được nhận bổ sung 1 tháng lương. Trường ĐH Công thương TP.HCM thông tin, mức thưởng Tết Giáp Thìn từ lãnh đạo cấp cao nhất đến người lao động, tạp vụ sẽ được nhận giống nhau là 20 triệu đồng/người. Riêng với giảng viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thì ngoài mức thưởng trên sẽ nhận được thêm hỗ trợ từ Công đoàn trường.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM hằng năm có hai mức thưởng Tết, gồm thưởng theo năng lực, nhiệm vụ - được tính vào cuối năm học và thưởng Tết Nguyên đán cho cán bộ, giảng viên (còn gọi là lương tháng 13). Được biết, mức thưởng Tết năm nay của trường thấp nhất khoảng 10 triệu đồng/người và cao nhất lên tới 100 triệu đồng/ người. Trong khi đó, mức thưởng Tết của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dao động từ 20- 80 triệu đồng/người; Trường ĐH Luật TP.HCM từ 10-45 triệu đồng/ người; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được tính bằng 1,5 mức thu nhập hằng tháng/người, tùy theo thâm niên và chức vụ công tác…

Trước đó, Công đoàn giáo dục TP.HCM đã công bố kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, các đối tượng được chăm lo Tết là cán bộ, đoàn viên công đoàn, giáo viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Kế hoạch nêu rõ, căn cứ vào nguồn tài chính công đoàn của đơn vị, điều kiện của từng cơ quan mà xác định đối tượng để tiến hành chăm lo cho phù hợp, công khai với mức là 500.000 đồng/trường hợp. Ngoài ra, Công đoàn ngành giáo dục cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi chăm lo Tết cho giáo viên, người lao động. Tuy nhiên, việc vận động phải công khai, minh bạch, thống nhất, đảm bảo nguyên tắc tài chính. Đồng thời, Công đoàn ngành giáo dục cũng chủ động phối hợp tham gia với các cơ quan chức năng để nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. 

 KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc