Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Giảm dần xét tuyển học bạ

VHO - Trong đề án tuyển sinh năm 2024 của nhiều trường ĐH, phương án xét tuyển học bạ đã “vắng bóng”, trong khi bảng điểm của học sinh THPT vẫn rất nhiều điểm 9, điểm 10…

Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Giảm dần xét tuyển học bạ - Anh 1

 Nhiều chuyên gia cho rằng, bỏ xét tuyển học bạ là xu hướng tất yếu để các trường phân loại chất lượng đầu vào, tuyển sinh đúng đối tượng cần tuyển (ảnh minh họa)

Là một trong những trường công bố đề án tuyển sinh sớm của mùa tuyển sinh 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố chỉ tuyển bằng ba phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (18%); Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng (80%). Như vậy, so với các năm trước, khoảng 10% chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ đã hoàn toàn bị loại bỏ.

Trong phương án tuyển sinh của một số trường như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Luật TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội… cũng không có phương án xét tuyển học bạ. Thay vào đó, các trường đã tăng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng. Ví như Trường ĐH Luật TP.HCM năm nay tuyển sinh theo hai phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng) và xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT (55%). Tương tự, Học viện Kỹ thuật quân sự dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống. Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực do khối các trường ĐH Sư phạm tổ chức trong năm 2024 từ 20% lên 40%.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là xu hướng tất yếu để các trường phân loại chất lượng đầu vào, tuyển sinh đúng đối tượng cần tuyển. Thực tế cho thấy, từ khi phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT được nhiều trường lựa chọn, thì bảng điểm của học sinh ngày càng “đẹp” hơn; điểm 9, điểm 10 trở nên phổ biến và mặt bằng trúng tuyển theo phương thức xét tuyển này cũng ngày càng cao. Nhiều người đặt câu hỏi: “Lẽ nào chất lượng giáo dục phổ thông phát triển nhanh thế, khi mà điểm tổng kết trung bình năm của nhiều học sinh đạt tới 9,8?”.

Sở dĩ có sự nghi ngại về việc “làm đẹp” bảng điểm, là bởi điểm số trong học bạ được tích lũy qua từng học kỳ của học sinh, do giáo viên đánh giá. Nếu các em đạt điểm không cao, có thể được kiểm tra lại để có điểm cao nhất là chuyện có thể xảy ra. Nhiều trường cũng không muốn học sinh trường mình bị “thiệt thòi” so với trường khác, nên việc cho điểm “dễ dãi” hơn cũng không phải là điều khó hiểu.

Chưa tính đến chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay còn chưa đồng đều giữa các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Do đó, điểm số trên học bạ không phải là sự kiểm định thực sự cho chất lượng của học sinh. Điều này dẫn đến việc, nhiều em học bạ điểm cao, nhưng thực tế học lực lại không giỏi, khi được xét tuyển vào các trường top đầu, bản thân các em cũng không theo được, vừa dở dang việc học, vừa gây khó cho nhà trường.

Trong khi nhiều trường không chọn xét tuyển hoàn toàn bằng học bạ THPT thì cũng còn một số trường vẫn giữ phương thức này khi họ thấy phù hợp. Đối với những học sinh thực sự có năng lực, việc xét tuyển học bạ hay không cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu vào ĐH, vì hầu hết các em đều tập trung cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc đăng ký các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức nhiều đợt trước mùa tuyển sinh, không ít em đã chuẩn bị cho con đường vào ĐH từ sớm hơn, với các chứng chỉ quốc tế dành cho phương thức xét tuyển kết hợp.

Về mặt lý thuyết, việc xét tuyển bằng học bạ lẽ ra đáng tin cậy hơn xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì học bạ là sự ghi nhận kết quả học tập của học sinh trong suốt thời gian 3 năm, trong khi kết quả tốt nghiệp chỉ được đánh giá qua mấy bài thi, có thể không đúng với chất lượng học tập của một học sinh nào đó, nếu như em này gặp vấn đề về sức khoẻ, tâm lý trong các buổi thi. Nhưng năm nay, nhiều trường vẫn loại bỏ phương thức xét tuyển học bạ, theo các chuyên gia, có thể do nghi ngại vào chất lượng thực tế của điểm số trong học bạ.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ GD&ĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường; còn cơ sở giáo dục được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ GD&ĐT là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. 

Thực tế cho thấy, từ khi phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT được nhiều trường lựa chọn, thì bảng điểm của học sinh ngày càng “đẹp” hơn; điểm 9, điểm 10 trở nên phổ biến và mặt bằng trúng tuyển theo phương thức xét tuyển này cũng ngày càng cao. Nhiều người đặt câu hỏi: “Lẽ nào chất lượng giáo dục phổ thông phát triển nhanh thế, khi mà điểm tổng kết trung bình năm của nhiều học sinh đạt tới 9,8?”.

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc