Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH: Nên “mạnh tay” với những cơ sở hiệu quả thấp

VHO - Mới đây, Trường ĐH Quảng Bình thông tin, nhà trường đang tìm cách tháo gỡ việc nợ lương của 136 giảng viên cũng như tìm nguồn nộp hơn 2 tỉ đồng BHXH của cán bộ nhân viên nhà trường. Được biết, để dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ sinh viên những năm gần đây giảm xuống 10 lần so với trước; số lượng sinh viên đóng học phí cũng rất ít ỏi (400/1.000 sinh viên), dẫn đến nhà trường không có nguồn thu để chi trả.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH: Nên “mạnh tay” với những cơ sở hiệu quả thấp - Anh 1

 Những thí sinh có nhu cầu và khả năng học ĐH thường cố gắng chọn trường chất lượng cao để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp sau này (ảnh minh họa)

Tình trạng không tuyển sinh đủ chỉ tiêu của không ít trường cho thấy quy hoạch cơ sở giáo dục ĐH đang “có vấn đề”. Hay nói đúng hơn, việc “đại học hóa” từ các trường cao đẳng trước đây ở nhiều tỉnh, thành đang “phát tác” hậu quả.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH với chất lượng ngày càng được nâng cao, có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ĐH hiện nay phát triển chưa đồng đều, nhiều trường ĐH quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả; quy mô và tỷ lệ sinh viên /1 vạn dân thấp hơn một số nước có sự tương đồng về phát triển kinh tế - xã hội; công tác đào tạo có sự tập trung khá cao vào các ngành khối kinh doanh và quản lý (~24%), máy tính và công nghệ thông tin, pháp luật; trong khi một số ngành rất cần cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước như khoa học tự nhiên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh; quy mô đào tạo ĐH có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm.

Thực tế cho thấy, sau hơn chục năm bùng nổ các cơ sở giáo dục ĐH với độ bao phủ hầu hết các tỉnh thành, thì đã có sự sàng lọc một cách chặt chẽ của nhu cầu xã hội. Có những trường đã dần ổn định và hoạt động tốt, nhưng nhiều trường, dù rất tích cực tuyển sinh như gửi thư mời tới tận tay thí sinh, thì con số tuyển được cũng rất ít ỏi. Thí sinh ngày càng có xu hướng không xét tuyển ĐH mà chọn học nghề hoặc đi làm ngay. Những thí sinh có nhu cầu và khả năng học ĐH thường cố gắng chọn trường chất lượng cao để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp sau này. Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên vẫn chọn ngành học theo cảm tính, trong khi những ngành học đang rất cần nguồn nhân lực lại không được “mặn mà”, dẫn đến có trường “gạt” đi không hết thì có trường tuyển sinh èo uột mỗi năm chưa đến 1.000 sinh viên.

Giới chuyên gia về giáo dục và đào tạo cho rằng, cần có tiêu chí chặt chẽ hơn nữa để các trường ĐH khi được đầu tư phải có trách nhiệm trong khai thác nguồn lực, bảo đảm mục tiêu phát triển. Việc cơ cấu, sáp nhập các trường chưa đạt tiêu chuẩn là cần thiết để hướng tới việc đào tạo thực chất, không “phổ cập ĐH”, tránh tình trạng có trường mà không có sinh viên.

Trình độ công nghệ nước ta chưa cao, công nghiệp cũng chưa phát triển, những ngành cơ bản như công nghệ chế tạo, công nghệ vật liệu, vi xử lý mới chỉ được đào tạo ở một vài trường nhưng gia công là chủ yếu, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhưng cũng chưa thực sự có nhiều đột phá, những nghề có trình độ cao thì chúng ta chưa có khả năng đào tạo. Do vậy, trong việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH cần phải “mạnh tay” với các cơ sở hiệu quả thấp, hoạt động yếu kém, tránh lãng phí về xây dựng cơ sở vật chất, lãng phí thời gian của sinh viên vì không tìm được việc làm sau đào tạo, hoặc làm trái nghề, trái với bậc đào tạo.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc