Bắt đầu “cuộc đua” vào các ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn

VHO - Cuộc đua vào các ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo đang được khởi tạo vào mùa tuyển sinh năm 2024, khi cơn khát nhân lực ngành này đã được dự báo từ nhiều năm trước.

Bắt đầu “cuộc đua” vào các ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn - Anh 1

 Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người (ảnh minh họa)

Là những trường có thế mạnh về đào tạo Công nghệ thông tin, nhưng năm nay các trường top đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học FPT mới lần đầu tiên công bố mở ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn. Trước đó, ba trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM là Bách khoa, Công nghệ thông tin và Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn.

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người (từ trình độ đại học trở lên). Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch ở nước ta chỉ vào khoảng 5.000 người. Theo các chuyên gia, nhu cầu đào tạo trong thời gian tới sẽ khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, các trường mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn đã chuẩn bị kỹ các điều kiện cần và đủ. Đơn cử như Đại học Bách khoa TP.HCM đã có sẵn đội ngũ 200 giảng viên của khoa Điện - Điện tử, Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Công nghệ vật liệu được đào tạo trình độ tiến sĩ từ các quốc gia có nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tiên tiến như Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc… và nhà trường cũng đã xây dựng chương trình giảng dạy về vi mạch hàng chục năm qua.

Một số trường như Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thì tìm kiếm nguồn tài trợ các phần mềm bản quyền chuyên cho thiết kế vi mạch của Công ty Renesas (Nhật Bản) và Cadence (Mỹ); tài trợ các bộ thiết bị đo lường điện tử hiện đại cho phòng thí nghiệm hãng Keysight (Mỹ). Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo cũng bổ sung thêm khối kiến thức liên quan đến vi mạch tích hợp cỡ rất lớn (VLSI), vi mạch tương tự và hỗn hợp, thiết kế vật lý, đóng gói và kiểm thử, hệ thống trên chip (SoC), từ nền tảng của ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Theo Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu, trong đó có Mỹ - cường quốc về công nghệ.

Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết kế, sản xuất vi mạch. Các ngành đào tạo phù hợp nhất là Kỹ thuật điện tử, Điện tử - viễn thông, Kỹ thuật điện, Điều khiển và tự động hóa, Cơ điện tử… Do đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng tầm về thiết kế vi mạch là vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc