Thầy giáo mầm non trên rẻo cao Pù Nhi

VHO - Từ giã một nghề được coi là “thời thượng” để đến với một nghề mà xã hội mặc nhiên dành cho phái nữ, thầy giáo trường mầm non vùng cao Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa không ngờ, bước ngoặt chuyển nghề này là sự lựa chọn “duyên trời định” của cuộc đời mình.

Thầy giáo mầm non trên rẻo cao Pù Nhi - Anh 1

Thầy Hà Văn Thạo trong Lễ tuyên dương là “Nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023

“Bén duyên” với nghề  
Nói là “duyên trời định”, bởi  chàng trai Hà Văn Thạo đến  với nghề giáo khá muộn, mà lại  còn là giáo viên mầm non, cái  nghề mà ai cũng nghĩ chỉ dành cho phái nữ. Vốn chọn ngành công nghệ  thông tin và đã cầm tấm bằng cử nhân CNTT, nhưng sau vài  năm làm nghề, Hà Văn Thạo bỗng dưng xin nghỉ việc và quyết đầu quân vào ngành sư phạm mầm non. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp mầm non ở tuổi 30, thầy Thạo  được phân công về dạy tại một điểm trường cách nhà 10 cây số, và trở thành thầy giáo duy nhất trong hệ thống giáo dục mầm non của huyện Mường Lát. 
Những ngày đầu đi dạy, trong môi trường toàn đồng nghiệp nữ, thầy Thạo không khỏi… ngại ngùng. Các phụ huynh ban đầu cũng nghi hoặc về khả năng múa, hát, sự khéo léo mềm mại mà một giáo viên mầm non cần có. Đặc biệt, điều khiến thầy bối rối nhất là các con  đã quen với cách gọi “cô” nên  nhiều lần gọi thầy là… cô. Sau dần, vì các con đều ở bán trú,  tiếp xúc với thầy cả ngày, từ ăn, học, thậm chí còn được thầy vỗ  về từng giấc ngủ, dỗ dành mỗi  khi khóc mếu, nên ngày càng thân thiết, gắn bó với thầy. Và từ những tiếng gọi “thầy” còn bỡ ngỡ ban đầu, giờ các con đã gọi  “thầy” trìu mến, thân thương. Vượt qua những ngại ngùng  ban đầu, thầy  Thạo bắt tay vào công  việc một cách nhanh chóng. Là nam giới nên những động tác  múa không được dẻo như các  đồng nghiệp nữ, nhưng với các  “tài lẻ” như thổi sáo, đàn,… các  buổi học của thầy trở nên cuốn  hút các con bởi những tiếng sáo  ngân nga, tiếng đàn vui nhộn  được trình diễn từ chính người  thầy chứ không phải từ những  clip được chiếu trên ti vi, máy  tính. Các con thích thú vì không  chỉ được nghe thầy thổi sáo,  mà còn được thầy dạy sử dụng  những loại nhạc cụ khác  nữa. Đặc biệt thầy  cũng luôn cập nhật, trau dồi chuyên môn thông qua các tiết dạy học sáng tạo, cuốn hút trẻ, mỗi ngày học là một ngày vui.  
Dù ban đầu đến với nghề cònnhiều bỡ ngỡ, múa không dẻo, tết tóc không khéo, nhưng với lòng yêu trẻ và sự kiên trì, giờ đây, người dân Pù Nhi quen  thuộc với hình ảnh người thầy  thổi sáo hát ca bên các em nhỏ  giữa cảnh núi rừng hùng vĩ hoặc tỉ mẩn tết từng bím tóc, rửa từng khuôn mặt cho các con. Nhiều ông bố ở Pù Nhi coi  thầy Thạo là tấm gương để học  tập trong việc chăm sóc con. 
Thầy Thạo cũng luôn được  các đồng nghiệp quý mến, bởi là  người đàn ông duy nhất nên thầy  sẵn sàng làm hết các công việc  nặng nhọc. Những bồn hoa trong  vườn trường được thầy kỳ công  chế tác từ những chiếc lốp xe cũ,  đổ đất vào và trồng hoa. Ngoài  những giờ lên lớp, thầy lại xắn quần cuốc đất để xung quanh trường sắc màu hoa lá luôn rực rỡ. 

Thầy giáo mầm non trên rẻo cao Pù Nhi - Anh 2

Thầy giáo mầm non trên rẻo cao Pù Nhi - Anh 3

Những buổi học thú vị của thầy, trò Hà Văn Thạo

Quả ngọt cho những mùa gieo hạt
Sinh ra và lớn lên tại miền núi Quan Hóa, nơi xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thầy Thạo thấu hiểu gian nan của sự học vùng cao. Ở các cấp lớn hơn, để đến được với con chữ, cả thầy và trò phải trèo đèo  lội suối, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, bấm mười đầu ngón chân xuống đất vẫn còn ngã lấm lem, mùa đông thì rét như cắt da cắt  thịt. Rồi thiếu thốn về cái ăn, cái mặc cũng khiến cho nhiều em không được đến trường. 
Vì vậy, ngay khi “bén duyên” với nghề giáo, thầy Thạo đã không ngại khó, ngại khổ nhận  lớp ở khu lẻ. Đồng thời thầy và các cô trong trường tìm đến  từng nhà để thuyết phục cha mẹ đưa trẻ đến trường. Những năm trước đây, Pù Nhi là xã đặc biệt  khó khăn của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với 6 dân tộc sinh sống, gồm: Thái, Mông,  Dao, Mường, Khơ Mú và Kinh. Do điều kiện kinh tế khó khăn với nhiều tập tục lạc hậu, nhiều gia đình có con ở độ tuổi mẫu giáo 5 tuổi vẫn ngại đưa con ra  lớp. Để vận động được bà con  đưa trẻ đến trường, ngoài việc  thầy và các cô giáo trong trường  phải kiên trì và thực sự bản lĩnh”. Và chỉ sau  hơn 8 năm gắn bó với nghề, thầy  Hà Văn Thạo đã có những thành  tích đáng nể: Sáng kiến kinh  nghiệm đạt loại C (năm 2019),  loại A (năm 2022); giáo viên dạy  giỏi cấp tỉnh (năm học 2020- 2021); Bằng khen Liên đoàn Lao  động Thanh Hóa với chương  trình sáng kiến vượt khó; Giấy  khen của Liên đoàn Lao động  huyện Mường Lát với thành  tích xuất sắc trong chương trình  “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt  khó, sáng tạo quyết tâm chiến  thắng trước đại dịch Covid-19”;  Giấy khen của Ban Thường vụ  Huyện ủy Mường Lát vì đã có  thành tích xuất sắc trong công  tác xây dựng Đảng. Đặc biệt,  trong dịp chào mừng 41 năm  Ngày Nhà giáo Việt Nam, trong  200 nhà giáo tiêu biểu toàn  quốc được Bộ GD&ĐT tuyên  dương là “Nhà giáo, cán bộ  quản lý tiêu biểu năm 2023”  có thầy giáo duy nhất của bậc  mầm non, chính là thầy Hà  Văn Thạo, Trường mầm non Pù  Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa.

HOÀNG HƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc