Kon Tum: Trại heo ô nhiễm thời gian dài, chính quyền “chậm xử lý”

VHO - Những ngày gần đây, người dân trên địa bàn xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà (Kon Tum) tỏ ra vô cùng bức xúc vì một trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã liên tục xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, sự việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng đến nay chính quyền các cấp vẫn chưa có biện pháp giải pháp triệt để.

Kon Tum: Trại heo ô nhiễm thời gian dài, chính quyền “chậm xử lý” - Anh 1

Trang trại chăn nuôi heo thịt của hộ ông Nguyễn Đức Thấn ở thôn 5, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà bị người dân "tố" gây ô nhiễm môi trường

Trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm nói trên là của hộ ông Nguyễn Đức Thấn ở thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà. Người dân ở đây cho biết, trang trại chăn nuôi này đi vào hoạt động khoảng 1 năm 4 tháng. Kể từ đó đến nay, cơ sở chăn nuôi này liên tục gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất người dân.

Một người dân có rẫy cà phê gần trang trại chăn nuôi heo cho biết, từ khi trại heo này đi vào hoạt động là mùi hôi cũng xuất hiện từ đó. Bây giờ thi thoảng có mưa nên còn đỡ chứ vào ngày nắng mùi từ trại heo bốc lên, rất khó chịu. “Người dân đã có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri, lực lượng chức năng ở huyện về xử lý nhưng chủ trại heo khắc phục mùi hôi không được. Về lâu dài, mùi hôi sẽ ảnh hưởng dân nhiều, người dân chịu không nổi”.

Bức xúc nhất về vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh từ trang trại nuôi heo này, ông Nguyễn Tấn Đông ở thôn 7, xã Ngọc Wang đã có kiến nghị với chính quyền UBND xã và UBND huyện Đăk Hà.

Để xác minh thông tin người dân phản ánh, ngày 4.11, phóng viên Văn Hoá cùng với lãnh đạo Đảng uỷ và UBND xã Ngọc Wang đã có mặt tại trang trại chăn nuôi heo của hộ ông Nguyễn Đức Thấn ở thôn 5, xã Ngọc Wang. Tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống xử lý nước thải của trang trại này có 3 hồ, gồm: 1 hồ biogas và 2 hồ bể lắng, lọc. 

Có mặt tại trại chăn nuôi cả đại diện Đảng ủy và UBND xã Ngọk Wang đều tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở đây.

Theo quan sát của phóng viên, ngoài việc trại lợn để mùi hôi phát tán ra môi trường, trang trại chăn nuôi heo này còn phát hiện có một đường ống được nối với bể chứa nước thải trại lợn ra ngoài. Đi theo đường ống, phóng viên phát hiện ống nước trên bị tháo giữa chừng, thải nước trực tiếp vào rẫy cao su. Nước từ đường ống thải ra nặng mùi hôi thối, nước vàng đục. Cạnh đoạn ống bị tháo, có một đường ống khác dẫn thẳng ra suối, dài khoảng 400m.

Kon Tum: Trại heo ô nhiễm thời gian dài, chính quyền “chậm xử lý” - Anh 2

Hầm biogas chính của trang trại chăn nuôi heo của hộ ông Nguyễn Đức Thấn bị sự cố, gây ô nhiễm môi trường chưa thể khắc phục

Ông Hoàng Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết, trại chăn nuôi heo thịt của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn ở thôn 5, xã Ngọk Wang được xây dựng trên diện tích hơn 1,8 ha với quy mô 4.800 heo thịt/ năm. Tháng 4.2023 sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, chính quyền xã đã kiểm tra, nhắc nhở.

“Sau khi tiếp nhận được thông tin người dân phản ánh thì UBND xã cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra sự việc xảy ra và qua đó cũng mời đại diện chủ cơ sở trang trại lên làm việc và có sự cam kết, khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể. Đến nay, sau hơn 7 tháng cam kết khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ Trại chăn nuôi mới khắc phục được việc chất thải tràn ra rẫy cao su và cà phê của người dân còn sự cố bạt phủ hầm biogas chính bị rách vẫn chưa được khắc phục”, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Wang nói.

Trong khi đó, ông Trần Nhật Tuấn, kỹ thuật trưởng trang trại chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Đức Thấn thừa nhận: “Việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường là không thể do trang trại hiện đang nuôi trên 1.800 heo thịt. Phần xử lý chất thải là hầm biogas hiện tại bị xảy ra sự cố không có hoạt động đúng mục đích của hầm biogas. Hiện tại đang trong quá trình chăn nuôi chưa thể có hoạt động sửa chữa”.

Cũng theo ông Tuấn, việc xử lý hầm biogas cần rất nhiều thời gian. Bởi, dung tích hầm biogas hiện nay khoảng 2000 m3, trong khi 1 xe hút hầm biogas chỉ có 8m3. Muốn xử lý hầm biogas này cần ít nhất khoảng 250 xe vận chuyển liên tục, chưa kể việc chất thải được vận chuyển đi đâu nên rất khó.

Kon Tum: Trại heo ô nhiễm thời gian dài, chính quyền “chậm xử lý” - Anh 3

Theo quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh Kon Tum, dự án này phải có ít nhất 8 bể xử lý với quy trình rất chặt chẽ nhưng thực tế cơ sở này chỉ có 3 bể chứa

Sau khi ghi nhận thực tế ở hiện trường, phóng viên đã liên hệ với Phòng TN&MT huyện Đăk Hà để nắm thêm thông tin chỉ đạo của UBND huyện. Tuy nhiên, đại diện Phòng TN&MT huyện cho rằng: “Vụ việc trại chăn nuôi lợn ở thôn 5, xã Ngọk Wang chỉ có Chủ tịch UBND huyện mới được phát ngôn”.

Theo bà Đường Thị Hồng Luân, Phó Phòng Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết, theo Luật Môi trường đối với cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải, phải lập thủ tục xin cấp phép môi trường.

“Dự án trang trại chăn nuôi heo ở thôn 5, xã Ngọk Wang phải có giấy phép môi trường mới được đưa vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên, đến nay Sở TN&MT chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với dự án trại lợn này”, bà Luân cho hay.

NGỌC HOÀ

Ý kiến bạn đọc