Vụ Trung tâm Y tế phát thuốc phá thai để… dưỡng thai: Cảnh báo bác sĩ và sản phụ đều phải cẩn trọng

VH- Chiều tối ngày 2.4, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn số 1781/BYT- BM-TE gửi Sở Y tế Tiền Giang về việc xác minh và báo cáo thông tin các trường hợp phát thuốc Misoprostol 200 mcg có tác dụng phá thai cho thai phụ để dưỡng thai tại Trung tâm y tế huyện Tân Phước.

Vụ Trung tâm Y tế phát thuốc phá thai để… dưỡng thai: Cảnh báo bác sĩ và sản phụ đều phải cẩn trọng - Anh 1

Thuốc Misoprostol của Công ty dược phẩm Ba Đình được cấp cho sản phụ gây xảy thai đã bị Bộ Y tế đình chỉ lưu hành (ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Tiền Giang khẩn trương kiểm tra, xác minh sự việc nêu trên, gửi báo cáo nhanh về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) trước 17h ngày 5.4. Sở Y tế Tiền Giang cần yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tân Phước và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo trung thực các thông tin về vụ việc; Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm quy chế chuyên môn (nếu có) theo quy định hiện hành. Đồng thời công văn cũng chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh rà soát việc tuân thủ các quy trình kê đơn, phát thuốc theo các quy định hiện hành về an toàn dược.

Theo các chuyên gia, vì nhiều tên thuốc, biệt dược có tên na ná giống nhau nên việc nhầm lẫn có thể xảy ra. Đặc biệt trên hệ thống máy tính, chị cần đánh 1-2 chữ cái đầu thì có thể hiện lên rất nhiều thuốc, nên nếu không thận trọng sẽ chọn nhầm loại thuốc. Nếu bác sĩ viết tay thì khó có thể nhầm lẫn, nhưng nếu điều dưỡng không chú ý, không tập trung thì nhầm lẫn vẫn xảy ra.

Về vấn đề này, BS.Trần Vũ Quang – Khoa sản Bệnh lý (BV Phụ sản Trung ương) cho rằng, việc nhầm lẫn tên giữa loại thuốc này với loại thuốc kia là điều dễ xảy ra và có nguy cơ ngày càng gia tăng. Có nhiều yếu tố góp phần gây ra nhầm lẫn thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau. Trong đó, năm yếu tố cơ bản gây nhầm lẫn các thuốc này gồm có: lỗi nhận thức bằng thị giác, lỗi nhận thức bằng thính giác, lỗi khi ghi nhớ tên thuốc trong thời gian ngắn, lỗi nhập dữ liệu vào máy tính (chọn sai tên thuốc gần giống nhau đã được cài đặt trên phần mềm của bệnh viện).

“Yếu tố con người như thói quen trong công việc, thiếu sự tập trung trong quá trình cấp phát và sử dụng thuốc cho bệnh nhân, nhân viên y tế chưa nắm rõ tên thuốc đặc biệt là các tên thuốc mới cũng là nguyên nhân cho việc cấp phát nhầm lẫn loại thuốc. Như tên thuốc nội tiết giữ thai Duphaston có thể nhầm thành Duphalac trị táo bón cho sản phụ; giữa thuốc tránh thai Marvelon và Mercilon có thành phần khác nhau. Do đó, nhân viên y tế cần cẩn trọng hơn hết việc thực hiện theo đúng quy trình có sẵn: luôn cẩn thận kiểm tra đối chiếu và bàn giao giữa các đồng nghiệp đầy đủ”, BS Quang nói.

Cũng theo bác sĩ BV Phụ sản Trung ương, bệnh nhân trước khi sử dụng loại thuốc mới cho mình phải tìm hiểu đầy đủ thông tin của thuốc, hỏi bác sĩ từng loại thuốc được kê. Khi mua thuốc cần đối chiếu, so sánh giữa đơn thuốc và kê đơn của bác sĩ. Bệnh nhân cũng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng về tác dụng, cách dùng, liều lượng, phản ứng phụ… để phòng tránh trường hợp nhầm lẫn và tự bảo vệ mình.

Q.Hoa

 

 

Ý kiến bạn đọc