Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng tăng số ca và chuyển nặng rất nhanh

VHO - Từ đầu tháng 7 đến nay, số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi tăng cao. Nhiều trẻ trở nặng rất nhanh, thậm chí xảy ra một số biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng tăng số ca và chuyển nặng rất nhanh - Anh 1

Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy

Một bệnh nhi hai tuổi trú ở huyện miền núi Sơn Hà đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi ban đầu chỉ bị sốt, quấy khóc, bỏ ăn do mắc tay chân miệng, nhưng khi đưa vào viện, bệnh nhi này được các bác sĩ chẩn đoán đã chuyển nặng, có biến chứng chuyển sang viêm não, viêm dạ dày. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn ở thể nặng. Chị Đinh Thị Nổ, người nhà bệnh nhân cho hay, bé ở nhà sốt hai ngày, rồi xuống bệnh viện, bác sĩ nói con bé viêm não, tay chân miệng, dạ dày.
Hiện tình hình dịch tay chân miệng rất căng thẳng, không thể lơ là. Nguy hiểm của tay chân miệng so với một số bệnh khác là trước khi trở nặng thường ở giai đoạn yên bình. Đa số trẻ sốt nhưng vẫn chơi, tỉnh táo khiến phụ huynh dễ lầm tưởng. Do đó, điều quan trọng để tránh trẻ gặp biến chứng khi mắc tay chân miệng là các bậc cha mẹ phải theo dõi sát sức khỏe của con để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời. Bác sĩ Trần Đình Điệp, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết: “Biến chứng của bệnh cũng giống như viêm não, suy hô hấp, suy tuần hoàn, ngưng thở, ngưng tim, suy đa tạng. Tay chân miệng cái quan trọng nhất không phải là tìm ra biến chứng mà là phát hiện sớm, điều trị sớm kịp thời. Nặng hơn nữa thì can thiệp sớm”.

Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng tăng số ca và chuyển nặng rất nhanh - Anh 2

Bác sĩ cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp

Hiện mỗi ngày Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh thu dung và điều trị hơn 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Con số này đã tăng cao gấp đôi so với tháng trước. Số lượng bệnh nhân nặng cũng tăng lên đáng kể, trong đó có các ca bệnh nặng độ 2B nhóm 1, 2B nhóm 2 và độ 3. Các bác sĩ cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp. Hiện nhiều địa phương đã xuất hiệp chủng vi rút EV71 có đặc tính lây lan nhanh, là tác nhân gây bệnh nặng cho các trẻ mắc tay chân miệng. Bác sĩ Đỗ Duy Thanh, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh chia sẻ: “Quan trọng nhất của tay chân miệng là theo dõi điều trị ở nhà. Theo dõi những dấu hiệu chuyển độ nặng để đưa đi nhập viện gấp. Em bé sốt cao 39 độ, khó hạ sốt khi uống thuốc hạ sốt thông thường. Sốt trên 2 ngày, em bé nôn ói, cái đó là phải thăm khám tại viện, hoặc tái khám hằng ngày. Khi em bé có dấu hiệu khác như em bé ngủ giật mình chới với, em bé co giật, tím tái, run chi, đi đứng loạng choạng, da nổi vân tím, thở bất thường… thì phải nhập viện ngay, vì bệnh diễn tiến rất nhanh”.
“Thông thường, cao điểm bệnh tay chân miệng vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Tuy nhiên, năm nay dịch đến sớm hơn, diễn tiến bất thường hơn và có nhiều ca bệnh nặng. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp chậm trễ khiến bệnh có thể chuyển nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi”, bác sĩ Thanh khuyến cáo.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc