Ai cũng có thể sơ cấp cứu để giành sự sống

VHO- Mới đây một tài xế (53 tuổi, TP. HCM) đang lái xe thì bị đột quỵ. Tiếp đó, ngày 5.9, một hiệu trưởng (45 tuổi) cũng bị đột quỵ khi đang phát biểu trong lễ khai giảng. Nhiều người chứng kiến sự việc ấy nhưng hầu như đều tỏ ra hoang mang vì không biết phải làm gì.

Ai cũng có thể sơ cấp cứu để giành sự sống - Anh 1
 

 Hội Chữ thập đỏ tập huấn kỹ thuật sơ cứu và diễn tập tình huống hưởng ứng Ngày Sơ cấp cứu thế giới Ảnh: HỒNG LOAN

Trước đó, tại km1726+630 Quốc lộ 1 qua thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tài xế lái xe chở khách nghi bị đột quỵ và tử vong. Như vậy liên tiếp xảy ra các vụ đột quỵ, báo động gia tăng tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Bé gái 11 tuổi cứu sống em trai nhờ học sơ cấp cứu

Điều đáng nói là, các ca đột quỵ đều xảy ra lúc đông người chứng kiến nhưng ai cũng luống cuống, mất bình tĩnh, không biết xử trí như thế nào. Sự việc xảy ra khiến cộng đồng nhớ tới câu chuyện cách đây một tháng khi một bé gái 11 tuổi (Hà Nội) đã cứu em mình thoát chết sau khi bị đuối nước nhờ thực hiện kỹ thuật ép tim và hô hấp nhân tạo được học ở trường và xem tivi.

Theo lời bé gái chia sẻ, em trai (10 tuổi) được vớt lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, người tím tái, mềm nhũn nên cháu đã áp tai vào ngực nghe tim của em còn đập nhưng yếu, sờ lên mũi thì thấy hơi thở rất yếu. Với kiến thức sơ cứu cho người bị đuối nước được nhà trường trang bị và xem qua truyền hình, cháu đã hô hấp nhân tạo, ép tim cho em và thấy ra được một chút nước. Ép tim được 2 lần thì em thều thào nói yếu ớt: “Cứu”. Chị gái tiếp tục ép tim, em mở to mắt ra nhìn. Trong lúc đó mọi người đã hỗ trợ gọi cấp cứu. Khi được đưa tới bệnh viện tuyến cơ sở, nhận thấy tình trạng của bé trai nguy kịch nên đã kịp thời chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai. Sức khỏe bé trai đã trở về bình thường một tuần sau đó. Các bác sĩ cho biết, có được kết quả này là nhờ chị gái đã bình tĩnh, nhanh chóng sơ cứu đúng cách, không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi tử vong mà còn không để lại di chứng do thiếu oxy trong não.

Theo PGS.TS.BS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (BV Bạch Mai), vì đột quỵ có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn nên điều quan trọng là phải xử trí nhanh. Cần gọi xe cứu thương ngay lập tức, tốt nhất nên gọi 115. Khi gọi 115 cần thông báo ca “đột quỵ não” để nhân viên cấp cứu chuẩn bị tốt nhất có thể và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhân viên y tế được trang bị đủ kiến thức để hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm tác động gây hại của đột quỵ não. Trong lúc chờ xe cứu thương, có thể tiến hành sơ cứu bằng cách đặt người bệnh nằm nghiêng người, tư thế đầu cao giúp tăng cường lưu lượng máu đến não, đồng thời tránh nước bọt, rớt rãi chảy ngược sặc vào phổi. Không di chuyển người bệnh nếu họ bị ngã; nới lỏng quần áo của người bệnh. Một số trường hợp có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não, người bên cạnh cần thực hiện kỹ thuật ép tim phổi và hô hấp nhân tạo… Bằng cách sơ cứu này có thể giúp người bệnh qua được cơn nguy kịch trong khi chờ nhân viên y tế đến.

3 triệu lượt người được truyền thông về sơ cấp cứu

Nhằm nâng cao vai trò của sơ cấp cứu, từ năm 2000, Hiệp Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã phát động và lấy ngày thứ Bảy, tuần thứ hai của tháng 9 hằng năm là ngày Sơ cấp cứu thế giới. Qua đó, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động sơ cấp cứu đối với xã hội. Để hưởng ứng, ngày 7.9, tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ kỷ niệm ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023 với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số” và diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ nhằm nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thúc đẩy, lan tỏa, chia sẻ, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng của người dân, cộng đồng và xã hội đối với hoạt động sơ cấp cứu.

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sơ cấp cứu thế giới và xác định sơ cấp cứu ban đầu luôn là một trong những hoạt động quan trọng có tính truyền thống, thế mạnh của Hội CTĐ Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội, các Hội quốc gia trong phong trào và các đơn vị liên quan, Hội CTĐ Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt và ban hành bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu cho tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng. Qua đó, các cấp Hội đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu đạt chuẩn. Đây là đội ngũ cán bộ tham gia huấn luyện, trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại trên 500 trạm, điểm sơ cấp cứu và đội ngũ lái xe taxi, lái xe ôm, những người thường xuyên hoạt động tại những khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra tai nạn. Tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho đối tượng học sinh trong trường học, người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn như dọc các đường quốc lộ, nơi thường xuyên xảy ra bão, lũ lụt, sạt lở, động đất cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng các cộng đồng an toàn, có khả năng ứng phó kịp thời trong các tình huống cần thiết.

Tại buổi lễ, các tình nguyện viên đã được hướng dẫn các kỹ thuật sơ cứu, diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức các khóa tập huấn sơ cấp cứu cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trong các doanh nghiệp... với mục tiêu ai cũng có thể sơ cấp cứu, và sơ cấp cứu vì mọi người và ở mọi nơi. Các chuyên gia khẳng định sơ cấp cứu sớm, quyết định sự sống cho người bị nạn, góp phần giảm thiểu rủi ro, tạo dựng cuộc sống an toàn cho mọi người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng. 

 LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc