Nhiệt huyết trên mặt trận chống “H”

VHO- Đã từng “bập” vào ma túy để rồi nhiễm HIV, cuộc sống bế tắc đến mức phải nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng họ không bị bỏ rơi mà được giúp đỡ để từ đó trở thành những tư vấn viên tham gia nhóm đồng đẳng Sao Va (Quế Phong, Nghệ An) đồng hành với ngành Y tế giúp đỡ, vận động những người lầm lỡ bảo vệ sức khỏe, làm lại cuộc đời.

Nhiệt huyết trên mặt trận chống “H” - Anh 1

 Nhóm đã cung cấp kiến thức phòng tránh, thuốc, vật phẩm cho người “có H” để giúp giảm nguy cơ lây nhiễm

 Hơn hai năm nay, ở huyện vùng cao Quế Phong có một nhóm tình nguyện thường xuyên hỗ trợ hàng trăm người nhiễm HIV được tiếp cận thuốc và điều trị, có tên gọi là Sao Va. Trưởng nhóm Sao Va, anh Lang Trung Hiền cho biết: Nhóm chỉ có 5 thành viên, địa bàn rộng, giao thông trắc trở nhưng các đồng đẳng viên của nhóm luôn sẵn sàng đi vào các “điểm nóng” HIV với phương châm “chỉ cần tôi biết bạn nhiễm, tôi sẽ có mặt hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh”. 

Băng rừng, lội suối vào “điểm nóng” 

Mỗi thành viên đều trang bị cho mình kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về cơ chế lây bệnh, biện pháp ngăn ngừa lây lan, cách thức điều trị. Nhóm tìm cách tiếp cận, vận động các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gia đình có người nhiễm HIV… rồi kết nối họ vào chương trình điều trị bằng thuốc ARV nếu họ nhiễm vi rút HIV. 
Nhóm Sao Va họp vào đầu tháng để đánh giá công việc và lên phương án mới khi một số địa bàn xuất nhiệm ca nhiễm HIV mới. Mỗi tháng, mỗi người sẽ chăm sóc, tiếp cận 40-50 người nghi mắc HIV. Địa bàn rộng, đường đi trắc trở, nhóm ít người nên phải phân công cụ thể. Anh Ngân Văn Un được anh em tín nhiệm phụ trách xã Tiền Phong, nơi có người nhiễm nhiều nhất huyện. Người nhiễm bệnh ở đây hầu hết cuộc sống đang rất khó khăn nên việc của anh Un vất vả bội phần. Anh Un tâm sự: “Có vất vả thì mình phải càng cố gắng. Nếu lơ là một ngày thì rất nguy hiểm vì địa phương đang là điểm “nhức nhối” về người nhiễm HIV với hơn 400 người mắc ở hầu hết các bản”. Anh Un cho biết, ngoài phải vượt quãng đường xa xôi, hiểm trở, việc tiếp cận để thuyết phục những người nghi nhiễm HIV đi xét nghiệm cũng là một vấn đề, đòi hỏi thành viên phải có kỹ năng. Mỗi người có một cách khác nhau, nhưng ai cũng đều phải kiên trì, kể cả khi bị xua đuổi. 
“Trước đây, chúng tôi cũng giống như họ, có tâm lý e ngại. Tuy nhiên tin tưởng vào cán bộ y tế, đến nay đã có nhiều kết quả vui như anh Lô Thanh Nhất, thành viên của nhóm nay lượng vi rút HIV trong người đã xuống ngưỡng phát hiện, có thể có con được. Để có được kết quả này là cả một quá trình dài phấn đấu điều trị. Anh Lô Thanh Nhất năm 16 tuổi đã dính vào “cái chết trắng”. Cho đến khi sức khỏe ngày một yếu, dân bản xa lánh vì “mắc bệnh xã hội”, anh Nhất đã từng thắt cổ tự tử. Khi được các đồng đẳng viên tìm đến trò chuyện mỗi ngày, anh Nhất dần lấy lại được niềm tin yêu cuộc sống, bắt đầu cai nghiện ma túy và uống thuốc điều trị HIV. Từ đó anh là một trong những thành viên hoạt động năng nổ, nhiệt huyết của nhóm”, anh Un tâm sự. 

Nhiệt huyết trên mặt trận chống “H” - Anh 2

Giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV 

Nói đến căn bệnh HIV, BS Vi Văn Kim, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho biết, xã có nhiều người bị HIV đã tạo nên vũng xoáy dịch ở vùng cao. Hầu hết các bản của xã đều có người mắc. Số người nghiện do công an xã quản lý là hơn 30 người nhưng số nghiện “ngầm” (nghi nghiện) thì gấp nhiều lần. 
Dịch HIV phần lớn phát sinh từ những người nghiện này. Trong số những bệnh nhân nhiễm “H” có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm được Trung tâm y tế huyện cấp phát thuốc mỗi tháng một lần. Nhiều người biết mình mang căn bệnh nguy hiểm khi được tình nguyện viên đồng đẳng vận động đi khám như chị C.T.M (18 tuổi), chồng là L.V.T (19 tuổi) là người Khơ mú, trú ở bản Na Nhắng… Trước đây người dân rất sợ và sống thu mình khi biết mình mắc bệnh. Mỗi tháng Trạm y tế xã xuống bản một lần để giám sát dịch bệnh kết hợp tuyên truyền. Nhờ có những đồng đẳng viên nhiệt huyết như nhóm Sao Va thường xuyên tuyên truyền đến tận từng bản, từng người dân nên họ dần hiểu rõ về căn bệnh cũng như cách phòng tránh. Theo BS Kim, công việc phòng chống HIV chưa giảm những gian nan khi các dự án rút về thì công tác tuyên truyền cũng như các tổ xét nghiệm lưu động phải hoạt động cầm chừng. 
Chị Vi Thị Hồng, Phó khoa kiểm soát dịch bệnh, chuyên trách phòng chống HIV (Trung tâm Y tế huyện Quế Phong) thông tin, dù các dự án không còn nhưng chính quyền cũng như đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn luôn cố gắng vượt khó để phát hiện, điều trị những người nhiễm “H”. Đơn vị vẫn nỗ lực duy trì CLB Phòng chống “H” do Bí thư Đoàn xã làm chủ tịch. Ông Thái Văn Nhàn, Phó khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng thứ 6 của cả nước. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời cũng đang là một trong số các tỉnh trọng điểm về ma túy, cả buôn bán và sử dụng. Toàn tỉnh hiện có 30 đồng đẳng viên, hoạt động trong 6 nhóm. Dù tiền phụ cấp ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống nhưng họ đều hoạt động rất tích cực, nhiệt tình. 
Nhóm Sao Va là một trong những nhóm đồng đẳng viên hoạt động năng nổ góp phần quan trọng trong cuộc chiến gian nan chống dịch bệnh. Phụ trách công việc vất vả, đặc thù riêng trong khi phụ cấp còn ít, nhưng các thành viên trong nhóm đồng đẳng Sao Va vẫn miệt mài đến với những người có nguy cơ cao, các ca bệnh đang ẩn khuất trong bản làng để góp phần ngăn chặn bệnh HIV. 

Thiếu 2 mục tiêu để chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030 

Báo cáo tình hình dịch HIV/AIDS 9 tháng đầu năm 2023 của Bộ Y tế cho thấy, trong số người nhiễm HIV mới có nguyên nhân từ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 49%. Ông Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2020, người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng gia tăng, chiếm hơn 80% trong tổng số nhiễm mới được phát hiện hằng năm. Đáng chú ý là năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, độ tuổi người nhiễm mới từ 16 - 29 chiếm tới 50%. 
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt một số thành tựu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức khi dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhất là ở nhóm thanh thiếu niên, người trẻ tuổi, và khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó. Cùng với đó là thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV vẫn còn nhiều, khiến một số người không tìm kiếm sự hỗ trợ, điều trị...; khó khăn về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. 
“Nhằm hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, chúng tôi mong muốn được đáp ứng đủ kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ BHYT chi trả. Đồng thời tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các tổ chức cá nhân, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”, ông Võ Hải Sơn cho hay. 
Thời gian qua, nhiều biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng thời ở nhiều tỉnh, thành như tổ chức xét nghiệm sàng lọc HIV (phát sinh phẩm, tự xét nghiệm và xét nghiệm khẳng định), điều trị chất gây nghiện bằng thuốc thay thế, cấp phát bơm kim tiêm, phương pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, thuốc dự phòng lây nhiễm HIV, thuốc điều trị ARV... Tuy nhiên để kiểm soát dịch thì mục tiêu đạt được phải là 95-95-95, trong đó 95% người biết mình mắc HIV, 95% người có HIV được điều trị ARV và 95% người mắc HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (không có khả năng lây truyền sang người khác). Nhưng báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ thực tế chỉ đạt lần lượt là: 88% - 80% - 98,4%. QUỲNH HOA 

PHẠM NGÂN 

Ý kiến bạn đọc