Chuyên gia lưu ý dinh dưỡng và chăm sóc trẻ khi thời tiết giá lạnh

VHO - Ngày 25.12 tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng tổ chức buổi chia sẻ thông tin về chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ em và chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khi thời tiết thay đổi, đặc biệt trong dịp Tết.

Thời điểm giao mùa, không khí chuyển lạnh là điều kiện thích hợp sản sinh các mầm bệnh và khiến diễn biến bệnh nặng thêm. Do đó, chủ động phòng bệnh là hết sức cần thiết. Một chế độ dinh dưỡng thích hợp kết hợp lối sống lành mạnh là chìa khóa giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và những rối loạn trong cơ thể.

Chuyên gia lưu ý dinh dưỡng và chăm sóc trẻ khi thời tiết giá lạnh - Anh 1

Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em Phan Bích Nga chia sẻ về bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho trẻ em

Ts.Bs Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho biết, trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết do khả năng thích nghi và hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, cảm cúm... là những bệnh rất thường gặp. Kèm theo đó là những triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể dẫn tới thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Do đó, trong thời điểm chuyển lạnh giúp duy trì và nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cần cho trẻ uống đủ nước, thường xuyên và đều đặn mỗi ngày giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhịp nhàng, đây chính là dung môi giúp hòa tan và vận chuyển các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm thiểu tình trạng táo bón. Khi đã bị viêm hô hấp uống đủ nước còn giúp làm giảm các triệu chứng ho, làm loãng chất nhầy, giảm ứ đọng, thúc đẩy dịch đờm thoát ra ngoài dễ dàng, làm sạch họng…

Lượng nước cần cho trẻ khỏe mạnh uống mỗi ngày được ước lượng 100 ml nước/1kg cân nặng; ví dụ, trẻ 10 kg thì cần uống 1.000 ml nước mỗi ngày. Trẻ từ 11-20 kg thì nên dùng 1.000 ml nước/10kg đầu + 50 ml/1kg cân nặng tăng thêm. Lượng nước này bao gồm cả nước sữa, nước lọc, nước trong bữa ăn của trẻ.

“Bên cạnh đó, cho trẻ một khẩu phần ăn lành mạnh, cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng. Ăn đủ các bữa trong ngày gồm 3 bữa chính và có thể thêm từ 1 đến 2 bữa phụ. Đáp ứng cung cấp đủ các nhóm chất bao gồm chất đường bột, chất đạm, chất béo và đặc biệt là Vitamin và Khoáng chất. Kết hợp đa dạng giữa các loại thực phẩm và trong một bữa nên có từ 10 -12 loại. Đặc biệt, nên ưu tiên cung cấp đủ các dưỡng chất quan trọng, hỗ trợ hệ miễn dịch như chất đạm, sắt, kẽm, selen và vitamin A, C, E, D”, bác sĩ Phan Bích Nga nhấn mạnh.

Trẻ em cũng cần được cho ăn rau quả, tùy vào độ tuổi của trẻ sẽ cần tiêu thụ lượng rau củ quả khác nhau từ 100 đến 300 gram, với cách chế biến phù hợp.  Hàm lượng chất xơ, Vitamin và các khoáng chất có được từ đa dạng các loại rau xanh, củ quả sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng. Từ đó, củng cố chức năng của hệ miễn dịch của trẻ. 

Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho biết thêm, nguồn thực phẩm giàu Vitamin A bao gồm các loại rau xanh lá (rau chân vịt, cải xanh, rau ngót, cải ngọt...), trái cây củ quả có màu vàng cam (cà rốt, ớt chuông, bí ngô, cà chua...). Ngoài ra, cần chú trọng tới các thực phẩm cung cấp Vitamin C (ổi, bưởi, cam, quýt...) và Vitamin D (trứng, bơ, sữa, gan động vật, nấm,... và đặc biệt từ ánh nắng mặt trời)

Bên cạnh đó, việc xây dựng một lối sống lành mạnh cho trẻ là rất cần thiết để duy trì sức khỏe: Mặc quần áo đủ ấm, sử dụng khăn choàng cổ, khẩu trang để giữ ấm vùng mũi, cổ họng và ngực là biện pháp đầu tiên giúp cơ thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Đồ uống và thức ăn ấm nóng cũng rất hữu ích để hạn chế các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp của trẻ.

Luyện tập thể thao thường xuyên, vệ sinh cá nhân đúng cách: thường xuyên cho trẻ vệ sinh tay bằng nước sạch và xà phòng, súc họng và rửa mũi bằng nước muối ấm để ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Tắm bằng nước ấm vừa giúp cơ thể trẻ thư giãn, vừa giúp loại bỏ những bụi bẩn…

Chuyên gia lưu ý dinh dưỡng và chăm sóc trẻ khi thời tiết giá lạnh - Anh 2

PGS.TS.Bùi Thị Nhung trình bày tại chương trình

Sau nhiều năm nỗ lực, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em cũng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam và các nước trong khu vực cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường đang có xu hướng nghiêng về thừa cân, béo phì ở cả khu vực nông thôn và thành thị; trong khi đó ở khu vực miền núi và cao nguyên gánh nặng kép về dinh dưỡng có xu hướng nghiêng về suy dinh dưỡng thấp còi nhiều hơn.

PGS.TS.Bùi Thị Nhung – Trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề ( Viện Dinh Dưỡng) cho rằng, đây là một trong những thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường trong giai đoạn tới mà chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng các giải pháp về dinh dưỡng ở tại nhà trường và gia đình, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

“Trong giai đoạn 2021-2030, giáo dục dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ em. Học sinh và gia đình cần có kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, từng bước thay đổi thói quen ăn uống, giúp trẻ hình thành hành vi ăn uống tốt cho sức khỏe, biết cách lựa chọn các thực phẩm an toàn, hạn chế sử dụng thực phẩm không an toàn, không lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực và có nếp sống năng động, tích cực để có cơ thể khỏe mạnh, tăng trưởng chiều cao tốt, phòng chống thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Cần xây dựng giáo trình và chương trình giáo dục dinh dưỡng lồng ghép vào giờ sinh hoạt. Tập huấn về chương trình giáo dục dinh dưỡng cho giáo viên và có đánh giá định kỳ phục vụ cho công tác tập huấn nhắc lại và điều chỉnh chương trình”, Trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề nhấn mạnh.

LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc