​Xung quanh Thông tư số 15 của Bộ Y tế quy định giá và thanh toán BHYT: Vẫn còn nhiều kẽ hở

VH- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37/2017/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã khắc phục được những hạn chế trước đó.

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho rằng, Thông tư 15 vẫn còn nhiều bất cập để một số nơi vẫn có thể dựa vào đó để lạm dụng Quỹ BHYT.

​Xung quanh Thông tư số 15 của Bộ Y tế quy định giá và thanh toán BHYT: Vẫn còn nhiều kẽ hở - Anh 1

Giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, người dân sẽ được hưởng lợi

Bất đồng giữa bên “tiêu tiền” và bên “chi tiền”

Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về những bất cập của Thông tư 15, BHXH Việt Nam cho rằng các nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư sẽ chưa thể khắc phục được tình trạng kê thêm giường bệnh không kiểm soát, tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu dẫn đến gia tăng chi khám, chữa bệnh như năm 2016, 2017. Ngoài ra, giá một số dịch vụ tại Thông tư 15 vẫn chưa phù hợp vì Bộ Y tế đa số khảo sát ở các bệnh viện tuyến trên, trong khi tại tuyến dưới, chất lượng các trang thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Đáp lại về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, việc điều chỉnh một số giá dịch vụ tại Thông tư 15 là theo đúng quy định và dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp báo cáo của 4 bệnh viện hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng I, 140 bệnh viện hạng II, hơn 250 bệnh viện hạng III. Về chi phí giường bệnh bằng nhựa có tay quay đối với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I phần lớn được các bệnh viện sử dụng; chỉ còn một số ít khoa, phòng chưa sử dụng. Ngân sách nhà nước không cấp để mua giường nên Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị phải sử dụng 3-5% số thu tiền khám bệnh, ngày giường để mua bổ sung, thay thế bằng loại giường nhựa có tay quay cho đồng bộ. Đối với các bệnh viện hạng II trở xuống do chưa có điều kiện trang bị nên vẫn tính theo giường I- nốc.

Cũng theo ông Liên, việc điều chỉnh giá lần này có hạn chế là mức giá vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo Nghị định 72/2018/ NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ 1.7.2018 là 1.390.000 đồng). Do vậy, để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo Nghị định 16 và các Nghị quyết số 19, số 20 của Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 thì trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính căn cứ vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, khả năng cân đối quỹ BHYT để tính toán lộ trình và thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

 ​ Thông tư 15 chưa có quy định điều kiện, giới hạn đối với số giường được kê thêm. Việc thanh toán 100% giá dịch vụ giường như quy định tại Thông tư sẽ không kiểm soát được tình trạng kê thêm giường bất cập như hiện nay. Điều này là bất công với những bệnh viện kê đúng quy định.  (Ông Lê Văn Phúc, Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam)

Chưa hạn chế được bất cập hiện nay

Với việc giảm giá một số dịch vụ y tế của Bộ Y tế từ ngày 15.7, nhiều ý kiến lo ngại về việc thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế sẽ giảm. Là một bệnh viện tự chủ, tự thu, tự chi, PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, không lo lắng cho cán bộ của mình nhưng tỏ ra chia sẻ với đồng nghiệp ở các bệnh viện tuyến dưới. “Việc giảm giá một số dịch vụ ngoài việc cân đối Quỹ BHYT còn mục đích muốn tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm nên đưa ra các bài toán tính toán để việc lạm dụng đó tối thiểu như khám, chụp X-quang bao nhiêu ca một ngày… Tuy nhiên, lương cán bộ y tế được tính trong giá dịch vụ y tế, nếu giảm giá dịch vụ đồng nghĩa với việc giảm lương. Đòi hỏi các bệnh viện phải tính toán, cân đối để lấy thu bù chi…”, Giám đốc BV Tim Hà Nội nhận định.

Đứng về góc độ chi Quỹ BHYT, ông Lê Văn Phúc, Phụ trách Ban thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) cho rằng, lương của các y bác sĩ sẽ không bị tác động nhiều, bởi vì số lượng dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm giá không nhiều, chỉ có 88 dịch vụ trong khi tổng số dịch vụ y tế trong danh mục thanh toán BHYT lên tới mấy nghìn. Thậm chí, phản ánh về bất cập của Thông tư 15, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, các nội dung điều chỉnh chưa thể khắc phục được tình trạng kê thêm giường bệnh không kiểm soát, tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị… dẫn đến tăng nguồn thu, tăng chi khám chữa bệnh như năm 2016 - 2017 vừa qua.

Phân tích về điều này, ông Lê Văn Phúc cho hay, Thông tư 15 đưa ra cách tính giá giường bệnh, mà đáng ra phải tính giá giường theo thực tế, thực hiện định mức nhân lực. Qua khảo sát thực tế các cơ sở khám chữa bệnh tại Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum… cho thấy, một số bệnh viện đã xây dựng cơ sở hạ tầng khá khang trang. Nhưng bên trong cơ sở ấy thì đa phần cơ sở vật chất vẫn cũ kỹ, thiếu ánh sáng, diện tích khoa phòng điều trị chật hẹp do kê thêm giường mặc dù công suất sử dụng đạt dưới 80%. Một số bệnh viện còn tận dụng hành lang, gầm cầu thang, tầng trệt để kê thêm giường điều trị, một số phòng chỉ đạt khoảng 2m2/giường bệnh, dưới mức tiêu chuẩn là 5m2/giường bệnh, chỉ có 0,8 - 0,9 bác sĩ/giường bệnh. Trong khi những cơ sở y tế kê đúng diện tích, đúng định mức nhân lực là 1 bác sĩ/giường bệnh cũng được thanh toán bằng với giá cơ sở không đủ tiêu chuẩn.

 Bài, ảnh: QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc