Sử dụng lá tắm khiến bệnh của trẻ trở nên nặng hơn

VH- Ths.Bs Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (BV Da liễu Trung ương) cho biết, một số loại nước lá mà cha mẹ nghĩ là lành, mát dùng để tắm cho trẻ không chỉ gây kích ứng trực tiếp trên da mà còn có thể gây bỏng rát vì một số lá chứa nhiều tinh dầu thực vật .

Sử dụng lá tắm khiến bệnh của trẻ trở nên nặng hơn - Anh 1

Dùng lá tắm không khoa học sẽ khiến bệnh của trẻ nặng hơn

Theo Ths.Bs Nguyễn Thùy Linh, đợt nắng nóng trên 40 độ vừa qua, BV đã tiếp nhận nhiều trẻ mắc các bệnh da liễu, trong đó, một số bé đã ở giai đoạn nặng. Nguyên nhân là trước đó gia đình đã sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ, hoặc tự mua thuốc về bôi. 
Bs Linh giải thích, trong khi tuyến mồ hôi của trẻ phát triển chưa đầy đủ thì thời tiết nóng nực, cơ thể trẻ tiết mồ hôi nhiều, không được vệ sinh sạch sẽ hoặc phương pháp vệ sinh không đúng sẽ gây ra bệnh. Hay gặp nhất là bệnh rôm sảy, ngoài ra còn có bệnh  sẩn ngứa và bệnh viêm da cơ địa xuất hiện cả mùa đông và mùa hè.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã chăm sóc trẻ không đúng cách khiến bệnh da liễu của con nặng hơn. Bs Thuỳ Linh nhấn mạnh việc chăm sóc đúng cách và làm mát cho trẻ vô cùng quan trọng: “Khi thời tiết quá nóng nực, nếu gia đình không chú ý làm mát cho trẻ hoặc mặc quần áo quá bí có thể gây ra tình trạng viêm rất nông ở tuyến mồ hôi hay dân gian gọi là rôm. Những trường hợp này đa phần chỉ cần vệ sinh sạch và chọn loại sữa tắm mềm, không kích ứng da dành cho trẻ em có thể cải thiện được tình trạng. Nếu cha mẹ chăm sóc sai cách có thể khiến bệnh nặng hơn rất nhiều”.
Một trong những sai lầm của cha mẹ là  sử dụng các loại lá tắm theo kinh nghiệm dân gian, hậu quả là bệnh da liễu ở trẻ không đỡ mà còn bị kéo dài, trẻ chịu tình trạng tổn thương da ngứa rát, khó chịu và đau. Trong khi đó, nếu cha mẹ cho con khám ngay từ sớm, trong vòng một tuần đầu, bệnh của trẻ có thể thuyên giảm và trở về bình thường.

Sử dụng lá tắm khiến bệnh của trẻ trở nên nặng hơn - Anh 2

Những nốt mẩn viêm da cơ địa, rôm sảy ở trẻ

Theo các chuyên gia, những loại nước lá, thuốc đông y hay thuốc nam tắm cho trẻ chưa được các nhà khoa học kiểm chứng về công hiệu. Những loại nước này ngoài việc có thể gây kích ứng trực tiếp trên da, mà còn gây bỏng rát cho trẻ do chứa nhiều tinh dầu thực vật. Ngoài ra, nếu dùng những loại lá tắm này lâu dài có thể làm khô, mất đi lớp bảo vệ bề mặt trên da. Mặt khác, chúng không đủ khả năng sát khuẩn nên không thể tiêu diệt được hết vi khuẩn trên da trong mùa hè khi trẻ vận động ra nhiều mồ hôi.  Chưa kể đến nguồn gốc, xuất xứ các loại lá, trong quá trình trồng, vận chuyển có thể vẫn còn thuốc bảo vệ thực vật dính vào. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tổn thương ban đầu ở trẻ từ nhẹ có thể nặng hơn (từ nông sang sâu) hoặc gây nhiễm khuẩn từ vùng da này sang vùng da khác. 
Cũng theo bác sĩ BV Da liễu Trung ương, ngoài sai lầm trong dùng lá tắm, phụ huynh còn tự điều trị ở nhà, tự bôi thuốc có chứa thành phần corticoid theo lời khuyên của người quen hoặc tư vấn bán hàng. “Đây là loại thuốc được dùng trong nhiều bệnh lý của chuyên ngành da liễu, tuy nhiên để sử dụng cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Việc dùng thuốc bôi có thành phần corticoid lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ như teo da, mỏng da, rậm lông, trứng cá... và trong một số trường hợp còn ảnh hưởng tới sự phát triển toàn thân của trẻ”, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em cho hay.

 ​Những bệnh da liễu mùa hè thường gặp ở trẻ được bác sĩ BV Da liễu Trung ương chia sẻ: 
- Mụn nhọt: là tình trạng tổn thương ở nang lông và khu vực phần cấu trúc da xung quanh nang lông đó. Nó có thể viêm nhiều nang lông cạnh nhau thành nhiều mụn nhọt to, nhiều ngòi. Với trường hợp nặng như này, trẻ sẽ được nhập viện để theo dõi bởi ngoài việc dùng kháng sinh, trẻ còn phải chích tổn thương lấy mủ bên trong và dùng thuốc tại chỗ để đảm bảo cho ổ viêm khỏi hoàn toàn. Trong đợt nắng đỉnh điểm trên 40 độ C vừa rồi, một số trường hợp trẻ phải nhập viện vì bị mụn nhọt, hay gặp ở cả trẻ lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đa phần tình trạng xuất hiện ở trẻ nhỏ có hiện tượng mụn nhọt khá nhiều.
- Chốc: là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác. Trong đợt nắng đỉnh điểm trên 40 độ C vừa rồi, một số trường hợp trẻ cũng phải nhập viện vì bị chốc.
- Nhiễm nấm: trẻ bị có thể nhiễm nấm ở trên vùng da đầu cũng phải nằm viện và điều trị rất lâu. Nấm này thường lây ở chó mèo sang gây hiện tượng viêm rụng tóc và thành từng mảng mủ trên da đầu, ở từng chân tóc một.
- Rôm sảy: là viêm các tuyến mồ hôi nông trên da. Tình trạng này rất đơn giản có thể không cần dùng thuốc mà chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, mặc các đồ thoáng, thấm hút mồ hôi cho trẻ, rôm sảy sẽ tự hết hoặc có thể điều trị ngoại trú, không cần nằm viện.
- Sẩn ngứa: bệnh xảy ra quanh năm nhưng mùa hè nóng ẩm là điều kiện rất tốt cho các loại côn trùng phát triển như muỗi, bọ chét... 
- Viêm da cơ địa: là một bệnh thuộc dạng cơ địa chiếm khoảng 30% dân số. Hiện nay, mùa hè, trẻ bị viêm da cơ địa càng ngày càng tăng nhiều hơn so với trước. Trung bình khoảng 1/3 trẻ đến khám bị viêm da cơ địa ở độ tuổi từ nhỏ đến lớn.
Trước đây, mọi người quan niệm viêm da cơ địa thường hay diễn ra vào mùa đông, thu khi thời tiết hanh khô khiến làn da của trẻ viêm da cơ địa vốn dĩ bị mất lớp ẩm bảo vệ sẽ càng bị hanh khô hơn và hay gây bệnh. Tuy nhiên, hiện tại vào mùa hè, nhà nào cũng sử dụng điều hòa khiến cho không khí trong phòng thường xuyên khô làm cho viêm da cơ địa ở trẻ vẫn nặng lên nhiều.


Lan Hương 
 

Ý kiến bạn đọc