Du lịch xanh tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh

VHO - Với lợi thế địa hình vùng núi, là nơi sinh trưởng và phát triển phù hợp của cây sâm Ngọc Linh và những loại dược liệu quý hiếm; có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, khí hậu trong lành, mát mẻ; đồng bào các DTTS còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp… việc đầu tư phát triển “du lịch xanh” được xem là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Trà My (Quảng Nam) giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo.

Du lịch xanh tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh - Anh 1

 Các hoạt động văn hóa tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh

 Ứng dụng văn hóa - lễ hội để phát triển du lịch miền núi

Để hiện thực hóa chủ trương đó, địa phương đã tập trung phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của Lễ hội Sâm Ngọc Linh huyền thoại làm điểm nhấn thúc đẩy du lịch phát triển, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào ngân sách, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

Qua ba lần tổ chức, Lễ hội Sâm Ngọc Linh đã trở thành sản phẩm “điểm nhấn” của du lịch đại ngàn huyện miền núi Nam Trà My. Không chỉ quảng bá dược liệu quý hiếm, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc đến du khách, Lễ hội còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng, khai thác các tuyến, tour… tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai.

Tham gia Lễ hội, người dân và du khách có cơ hội khám phá vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” sâm Ngọc Linh với các điểm đến hấp dẫn như: Đỉnh Ngọc Linh huyền thoại cao 2.598m; Rừng thông cổ hàng nghìn năm tuổi; Rừng đỗ quyên; Công viên dây leo cổ đại; Vườn sâm giống Tắk Ngo; Trải nghiệm chăm sóc trồng sâm; Thăm Bảo tàng sâm Ngọc Linh… Cùng với đó, du khách cũng sẽ khám phá về văn hóa truyền thống bản địa cũng như những sản phẩm du lịch xanh - bền vững, cùng đồng bào nơi đây chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc…

Tại tọa đàm về chủ đề Phát huy sự sáng tạo giá trị bản địa trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UNESCO phối hợp tổ chức, ông Lê Văn Mai, Trưởng Phòng VHTT huyện Nam Trà My cũng đã đưa ra gợi ý được nhiều đại biểu, doanh nghiệp quan tâm, tán đồng. Theo ông Mai, Lễ hội Sâm Ngọc Linh cần có những góc nhìn sáng tạo để tạo nên một sản phẩm đặc sắc và hấp dẫn, đủ sức đánh thức du lịch đại ngàn dưới chân núi Ngọc Linh; qua đó cũng hy vọng về sự ứng dụng văn hóa - lễ hội đặc trưng cho phát triển du lịch miền núi.

Du lịch xanh tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh - Anh 2

 Lễ cúng máng nước của đồng bào ở Nam Trà My

Gắn văn hóa bản địa với du lịch xanh

Với tổng dân số gần 30.000 người, trong đó dân tộc Ca Dong chiếm 55,49%, sinh sống tại các xã Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn..., đồng bào nơi đây đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc, được trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó trong đời sống của từng gia đình. Phát huy giá trị trong việc cố kết cộng đồng, nhiều giá trị đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo hút khách du lịch.

Huyện Nam Trà My đã chọn nương tựa vào tự nhiên và văn hóa, các giá trị bản địa để làm chất liệu, phát huy những yếu tố sáng tạo để hình thành giá trị đặc trưng cho sản phẩm du lịch trên nền tảng du lịch xanh - phát triển bền vững. Năm 2017, Nam Trà My lần đầu tiên đưa Lễ tạ ơn, văn hóa cúng Thần sâm Ngọc Linh của đồng bào Xê Đăng từ cấp độ làng vào chương trình Lễ hội Sâm với quy mô cấp huyện. Từ đó, tổ chức Lễ hội định kỳ hằng năm, tổ chức Phiên chợ Sâm Ngọc Linh vào ngày mùng 1 - 3 hằng tháng. Qua đó làm điểm nhấn để phát triển du lịch sâm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, để tất cả cộng đồng đều được tham gia và được hưởng thành quả du lịch phát triển đem lại.

Qua ba lần tổ chức, bình quân mỗi mùa Lễ hội Sâm Ngọc Linh đạt doanh thu gần 10 tỉ đồng, lượng khách du lịch đến với đại ngàn Nam Trà My tăng nhanh qua từng năm (2017 có 15.000 lượt khách đến, năm 2020 có hơn 50.000 lượt). Doanh thu xã hội từ du lịch tăng đáng kể, năm 2020 đạt mức gần 60 tỉ đồng.

Trong mỗi kỳ Lễ hội sẽ có các hoạt động hấp dẫn đi kèm như: Cuộc thi sáng tác ca khúc về bảo vệ rừng có gắn với cây sâm Ngọc Linh; sáng tác ảnh nghệ thuật về văn hóa con người Nam Trà My; Liên hoan diễn tấu Cồng chiêng; Trưng bày và Triển lãm ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh, cây dược liệu, sản phẩm đặc trưng, văn hóa của các dân tộc trong huyện; Hội chợ, triển lãm sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu, sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm văn hóa địa phương; Tổ chức Hội thi sâm Ngọc Linh; Tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian ngoài trời để du khách cùng tham gia trải nghiệm…

Bên cạnh đó, Phiên chợ Sâm Ngọc Linh định kỳ được tổ chức để người dân và doanh nghiệp bán sâm, sản phẩm từ sâm và các loại cây dược liệu của đồng bào vùng cao. Bình quân mỗi phiên đạt doanh thu hơn 5 tỉ đồng, nhờ đó các sản phẩm của đồng bào sản xuất, chế biến đã được tiêu thụ nhanh, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con.

Việc tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh, Phiên chợ Sâm Ngọc Linh là hoạt động nhằm quảng bá những đặc trưng văn hóa, dược liệu quý hiếm, văn hóa truyền thống, thắng cảnh và sản phẩm du lịch; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; đưa thương hiệu Sâm núi Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, ngang tầm với những loại dược liệu của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc