Bất cập như...thu phí tự động đỗ xe ô tô dưới lòng đường

VH- Sau hơn 20 ngày áp dụng thu tự động phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường tính theo thời gian thông qua ứng dụng My Parking và tin nhắn SMS gửi đến đầu số 1008, nhiều người dân tỏ ra bức xúc cho rằng cách làm này bộc lộ nhiều bất cập.

Bất cập như...thu phí tự động đỗ xe ô tô dưới lòng đường - Anh 1

 Một điểm thu phí tự động đỗ xe dưới lòng đường trên đường Thành Thái (quận 10) khá vắng vẻ xe đến đậu

Chính thức triển khai từ ngày 1.8 tại 23 tuyến đường thuộc các quận 1, 5 và quận 10 với mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô theo Nghị quyết 01 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Theo đó, hình thức thu phí tự động được áp dụng đối với xe ô tô đến 16 chỗ ngồi hoặc xe tải có tải trọng từ 1,5 đến không quá 2,5 tấn. Để đỗ xe, các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện nói trên phải cài đặt và sử dụng ứng dụng My Parking theo hướng dẫn, hoặc thanh toán phí đỗ xe bằng hình thức soạn tin nhắn SMS theo cú pháp quy định gửi đến đầu số 1008.

Nghịch lý

Với hình thức trên, giá trông giữ xe ô tô tại 23 tuyến đường trên địa bàn các quận 1, 5 và quận 10 tính theo giờ chứ không còn tính theo lượt như trước kia. Cụ thể, tại các tuyến đường trung tâm của quận 1 và 5 đối với xe ô tô đến 9 chỗ và xe tải khối lượng dưới 1,5 tấn là 50.000 đồng trong hai giờ đầu; giờ thứ ba và thứ tư, mỗi giờ là 30.000 đồng, từ giờ thứ năm trở đi thì mỗi giờ 35.000 đồng. Giá phí áp dụng đối với ô tô từ 10 –

16 chỗ và xe tải có tổng tải trọng từ trên 1,5 đến không quá 2,5 tấn có mức phí cao hơn 5.000 đồng mỗi giờ so với các phương tiện nhỏ hơn. Mức phí đối với các phương tiện tương tự như trên đỗ tại các tuyến đường khu vực quận 10 có mức thu thấp hơn 5.000 đồng so với quận 1 và 5.

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, việc áp dụng mức phímới dù cao hơn nhiều so với mức cũ, nhưng sau 20 ngày triển khai, ngân sách thành phố thu về cũng chỉ tương đương mức thu cũ là 5.000 đồng/xe/lượt. Trung bình mỗi ngày chỉ thu được 11 triệu đồng/ngày, không cao hơn cách thu tính theo lượt trước đây. Thậm chí là thất thu khi có tới 50-60% tổng số phương tiện sử dụng lòng đường để đỗ xe nhưng không thu được phí. Lý giải về nghịch lý trên, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho rằng, do các đơn vị thu phí hoạt động chưa đảm bảo về thời gian, phần lớn nhân viên chỉ làm việc theo giờhành chính, chưa thực hiện thu phí theo đúng Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định thời gian thu phí diễn ra từ 6-24 giờtất cảcác ngày trong tuần. Bên cạnh đócòn có hiện tượng tài xế chây ìkhông chịu đóng phí, hoặc nhân viên thu phí trực tiếp nhưng không xé vé… Cũng theo ông Đường, việc áp dụng phương thức mới, bước đầu hạn chế được tình trạng chiếm dụng lòng lề đường, một số nơi trên đường phố đã thông thoáng hơn…

Bất cập

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại nhiều tuyến đường thuộc trung tâm các quận nêu trên, lượng xe đến đỗ khá vắng vẻ, thậm chí không ít tài xế chạy xe lòng vòng, bất hợp tác với nhân viên hướng dẫn cài đặt ứng dụng thu phí tự động, gây kẹt xe… Một nhân viên thu phí trên hẻm 51 đường Thành Thái (quận 10) cho biết, lượng xe đậu dưới lòng đường những ngày gần đây giảm đi nhiều so với trước do mức phí tăng quá cao, gấp nhiều lần, chưa kể tính theo giờ đỗ. Nhiều tài xế đã tìm đến các bãi giữ xe khác có mức giá thấp hơn, phần khác do nhiều lái xe chưa biết đến thông báo ứng dụng thu phí tự động nên không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên thu phí.

Nhiều năm kinh doanh xe dịch vụ dưới 16 chỗ, đồng thời cũng là tài xế, anh Thành (ngụ quận 5), thành viên “Bạn hữu đường xa” cho rằng với mức phí cao như vậy, nếu đỗ xe 8 giờ/ngày thì tài xế phải trả 250.000 đồng mà không có hóa đơn thì không thể thanh toán với công ty được. Cũng theo anh Thành, đối với những tài xế lớn tuổi, không rành công nghệ thì khó thanh toán theo hình thức mới này, mặc dùcó nhân viên thu phí hỗ trợ nhưng cũng rất rờm rà. Hơn nữa, giá tăng đột biến mà cách thanh toán thì mất thời gian hơn là rút tiền mặt trong túi ra. Trong khi đó, không có chính sách ưu đãi để người sử dụng có thói quen dùng sản phẩm, tài xế lớn tuổi không biết sử dụng ứng dụng My Parking tới đỗ xe mà thấy vậy thì họ cũng bỏ đi luôn. Mặt khác, nếu trong tài khoản tài xế đó không đủ tiền để trả phí đỗ xe thì đành tìm nơi khác, chạy lòng vòng tìm chỗ đỗ dễ dẫn đến kẹt xe hơn. Bên cạnh đó, việc thanh toán phí đỗ xe bằng tin nhắn SMS qua đầu số 1008 chỉ được thực hiện thông qua thuê bao của Viettel, chưa thanh toán được với các thuê bao khác như Vinafone, Mobifone…

Theo Sở GTVT TP.HCM, thời gian đầu, nhân viên tại bãi đỗ sẽ hỗ trợ đăng ký đặt chỗ và thu hộ phí đỗ xe thông qua thiết bị cầm tay. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời, về lâu dài thì tài xế phải sử dụng ứng dụng trên di động để đặt chỗ và thanh toán phí bằng các hình thức thanh toán điện tử. Trong tháng đầu tiên thực hiện thì chủ yếu là tuyên truyền, vận động tài xế chấp hành chứ chưa xử phạt, vào đầu tháng 9 sẽ tăng cường phạt nguội, thậm chí cẩu phương tiện về trụ sở để xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp tài xế không thực hiện đúng theo hướng dẫn sẽ không được sử dụng dịch vụ và sẽ bị xử lý theo quy định (tùy theo mức độ vi phạm). Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện về công nghệ, thiết bị như chức năng nhận diện biển số, cảm biến ghi nhận có xe… Đồng thời cập nhật, hoàn chỉnh các chức năng quản lý giám sát, điều hành thực hiện công tác thu phí đỗ xe, làm cơ sở để đấu thầu dịch vụ thu phí dự kiến vào quý I năm 2019. 

 HOÀNG QUÂN

Ý kiến bạn đọc