Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Kịch bản văn học: Đừng nên chỉ là sự “cứu cánh” đối với nghệ thuật

Thứ Hai 27/02/2023 | 11:34 GMT+7

VHO- Khán giả thời gian gần đây được xem nhiều bộ phim, vở kịch được làm lại từ kịch bản văn học Việt Nam và cả của nước ngoài. Không thể phủ nhận xu hướng này đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng thực tế, có những tác phẩm đã tạo nên sức hấp dẫn, giá trị nhưng cũng có những tác phẩm thể hiện sự “vay mượn” vô cùng khiên cưỡng, áp đặt, xa lạ với văn hóa và con người Việt Nam...

“Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một bộ phim chuyển thể thành công từ tác phẩm văn học đáng được ghi nhận

Vỉa quặng quý đang bị lãng quên

Bộ phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được xướng giải Khinh khí cầu vàng - Giải thưởng cao nhất tại LHP Ba châu lục tại Pháp - đã đánh dấu sự thành công của điện ảnh khi chuyển thể thành công kịch bản từ 2 truyện ngắn Tro tàn rực rỡ Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đến với các tiểu thuyết, truyện ngắn trong văn học là một trong những con đường, giải pháp để có tác phẩm nghệ thuật thành công đối với các nhà làm phim và sân khấu hiện nay. Điều này cũng không phải là phát hiện mới mẻ gì trên thế giới và ở Việt Nam. Bài học về thành công của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu đoạt nhiều giải xuất sắc tại các LHP thế giới đa phần đều chuyển thể hoặc cảm tác từ tác phẩm văn học của Mạc Ngôn (nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel năm 2012), đó là các phim Cao lương đỏ, Noãn, Hoa bông đỏ, Thời kỳ hạnh phúc…

Ở ta, mỗi khi các đạo diễn tìm đến văn học để khai thác thì đều gặt hái được “quả ngọt” như Nguyễn Phan Quang Bình trước đó với Cánh đồng bất tận, và nay là Bùi Thạc Chuyên… Điểm qua trong lịch sử điện ảnh, truyền hình Việt Nam cũng có rất nhiều những phim được xây dựng từ kịch bản chuyển thể văn học như Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Sóng dưới đáy sông của Lê Lựu...

Nhưng thật đáng buồn, sự khai thác văn học - một vỉa quặng quý cho phim điện ảnh, nhất là phim truyền hình - chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thì bị lãng quên. Thay vào đó là lối làm phim “bóc ngắn, cắn dài”, “ăn xổi ở thì” dễ dãi. Mua bản quyền kịch bản nước ngoài về Việt hóa một cách vội vàng, thiếu đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, bất chấp thị hiếu người xem trong nước khi làm lại kịch bản đã khiến những người làm nghệ thuật chấp nhận sự xâm thực của văn hóa ngoại lai đối với tâm hồn người Việt. Thậm chí, đã có những phim được làm theo kiểu “mì ăn liền”, thiếu hẳn yếu tố nghệ thuật cũng được trao giải.

Trong một sinh hoạt của Hội điện ảnh Hà Nội diễn ra trung tuần tháng 12.2022, nhà văn, biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh, một tên tuổi sưu tầm phim số 1 của Việt Nam hiện nay, người chịu trách nhiệm tuyển chọn phim cho LHP quốc tế tại Hà Nội, đã đưa ra một nhận định gây sốc cho giới văn chương và điện ảnh, rằng “nền văn học của chúng ta hiện nay chưa có tác phẩm lớn nên điện ảnh cũng chưa thể có những phim xứng tầm với thời đại, làm thế giới chấp nhận như nền điện ảnh của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ”.

Đúng là văn học nước ta về mặt nào đấy còn chưa đạt được mong muốn của người đọc trong nước và thế giới. Lối phản ảnh một chiều theo chủ quan của người viết về đề tài chiến tranh cũng như trong cuộc sống đương đại, né tránh thực tế đã làm mất đi tính chân thực của tác phẩm. Thêm vào đó, tính đặc trưng dân tộc, một trong những yếu tố rất được thế giới quan tâm, dường như vẫn bị xem nhẹ. Từ thành quả của đạo diễn Trương Nghệ Mưu khi làm các phim đoạt giải trong những kỳ LHP thế giới, giới chuyên môn cũng như người xem toàn cầu đánh giá cao đạo diễn này khi thường khai thác các tác phẩm văn học thể hiện rõ nhất đặc tính dân tộc Trung Hoa. Phim Cao lương đỏ, Đèn lồng treo cao, Thu Cúc đi kiện… là những dẫn chứng tiêu biểu.

Xin dừng lối làm nghệ thuật theo kiểu “ăn xổi”...

Đến với văn học là một trong những giải pháp có thể xem là cứu cánh của phim truyền hình nói riêng và của điện ảnh Việt nói chung. Theo thời gian, số lượng tác phẩm văn học với truyện ngắn và tiểu thuyết được xuất bản đều đặn chuyển tải dung lượng khá lớn hiện thực sôi động của cuộc sống. Đó là chưa kể các cuộc vận động sáng tác của ngành công an, quân đội, tiêu biểu như “Vì cuộc sống bình yên, vì an ninh tổ quốc” được tổ chức 3 năm một lần luôn luôn sản sinh ra cách tác phẩm văn học đủ sức làm chất liệu quý cho các bộ phim. Đáng tiếc, lĩnh vực phim truyền hình hiện nay, nhất là ở phía Bắc, lại dường như từ bỏ, quên lãng một cách phí hoài vùng mỏ vô tận này. Trong khi các nhà làm phim truyền hình miền Nam chịu khó tìm đến tác phẩm văn học, đáng kể là tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Tư và nhất là của Hồ Biểu Chánh, nhà văn thời kỳ đầu của nền văn học sơ khai Nam Bộ (chỉ tính trong vòng gần hai thập niên qua, đã có tới hơn 10 bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết và truyện ngắn của ông ra đời). Điển hình là phim chuyển thể từ bộ tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa được Hồ Biểu Chánh Việt hóa một cách tài tình từ tác phẩm lừng danh Những người khốn khổ của đại văn hào Pháp Victor Hugo

Dòng phim truyền hình Việt hóa mở đầu bằng tác phẩm nói về thế giới xã hội đen của Israel Người phán xử, kế liền chỉ trong một thời gian ngắn là sê-ri phim Việt hóa như: Cả một đời ân oán (Đài Loan), Sống chung với mẹ chồng (Trung Quốc) và nhất là sự đổ xô Việt hóa kịch bản Hàn Quốc như Gạo nếp gạo tẻ (từ phim Wang Family), Mối tình đầu của tôi (She Was Pretty), Hương vị tình thân (My only one)...

Từ một kịch bản, một tiểu thuyết nước ngoài muốn chuyển qua một quốc gia khác thì tác giả chuyển thể phải thật công phu để tác phẩm không mất đi tinh hoa của nguyên tác, nhưng lại phải hòa đồng, hợp lý với người xem, người thưởng thức của nước sở tại. Điều này trên thế giới đã có không ít các thành công, như Pháp chuyển tiểu thuyết thơ Épghenhi Ôneghin của Puskin sang nhạc kịch, Anh làm phim về Thằng gù Nhà thờ Đức Bà theo tiểu thuyết của V.Hugo… Người xem mặc dù vẫn thấy chất Nga, chất Pháp trong nguyên tác nhưng cũng không thấy sự khập khiễng, khó chấp nhận khi được remake.

Bên cạnh việc lạm dụng Việt hóa kịch bản phim nước ngoài thì các nhà làm phim của ta còn tìm đến những đề tài dễ dãi, sáo mòn. Trong khi người xem đòi hỏi cần có những bộ phim truyền hình phản ánh đa dạng thực tế sôi động, nóng bỏng của cuộc sống đương đại thì chúng ta lại bất chấp dư luận để cày xới đề tài gia đình cũ kỹ. Nguyên nhân của việc ưu tiên này là hàng loạt phim gia đình Việt hóa từ kịch bản nước ngoài đã được các bình luận của nhà Đài gán cho nó sự hấp dẫn người xem (như các phim Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ…). Thế rồi sau đó, hàng loạt phim nội địa theo gu này cũng xuất hiện dày đặc trong giờ vàng như: Dưới bóng cây hạnh phúc, Đừng làm mẹ cáu, Khi nói tiếng yêu… với những khuôn mặt diễn viên quá quen thuộc cùng đề tài và mô típ giống nhau đến nhàm chán!

Sự vay mượn, làm phim theo trào lưu có thể thoả mãn thị hiếu của một bộ phận công chúng, nhưng nó lại dễ trở thành lực cản đối với sáng tạo mới. Hệ lụy là không những không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng về các bộ phim thuần Việt, mà về lâu dài có thể đánh mất tình yêu cũng như niềm tin của khán giả. Những dấu hiệu về sự thoái trào gần đây của trào lưu phim Việt hóa không phải là điều bất ngờ. Chúng ta hoàn toàn thông cảm khi Đài truyền hình với lượng phát sóng quá dầy trong một ngày, ngốn không biết bao nhiêu lượng thông tin các thể loại, nhưng biện pháp Việt hóa kịch bản nước ngoài cũng chỉ nên xem là một giải pháp gỡ thế bí trước mắt, và cũng chỉ nên xem là một đề tài trong số nhiều đề tài mà khán giả cần. Đã đến lúc các nhà làm phim điện ảnh, truyền hình và cả sân khấu nên chú trọng đến vùng mỏ “văn học”, nguồn tư liệu vô cùng phong phú đang có dấu hiệu bị lãng quên. 

Nhà văn NGUYỄN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top