Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mòn mỏi chờ trùng tu ngôi đình cổ ở xứ Thanh

Thứ Tư 01/03/2023 | 10:33 GMT+7

VHO- “Thú thật lòng tôi rất xót xa khi phải từng ngày chứng kiến ngôi đình cổ, niềm tự hào của người dân làng Đông Môn, đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Mòn mỏi chờ đợi ngôi đình sớm được tu sửa để trả lại giá trị vốn có của di sản, nhưng càng chờ càng thấy nó xa vời quá”, ông Vũ Xuân Đới (93 tuổi, thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tâm sự với chúng tôi.

Ngôi đình cổ gần 400 năm tuổi vẫn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng

 Đình Đông Môn tọa lạc trên địa bản thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long. Ban đầu được xây dựng bằng tranh tre dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), đến năm Cảnh Hưng thứ 15 triều Vua Lê Hiển Tông (năm 1753), đình được xây cất lại bằng gỗ, có kiến trúc gồm 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái. Đình trong giáp với đình ngoài tạo nên kết cấu theo kiểu chữ chữ đinh (J). Đây là di tích quan trọng trong hệ thống di tích phụ cận của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Hiện nay ngôi đình cổ gần 400 năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ đổ sập khi nào không biết.

Sau gần một năm kể từ khi Văn Hóa có bài “Ngôi đình cổ nhất xứ Thanh có nguy cơ đổ sập” (ra ngày 6.6.2022) phản ánh tình trạng di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đình Đông Môn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chưa có phương án tu bổ; ngày 13.6.2022, Sở VHTTDL Thanh Hóa có văn bản số 2566/SVHTTDL-DSVH đề nghị Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan và UBND xã Vĩnh Long khẩn trương kiểm tra thực tế theo thông tin Báo Văn Hóa phản ánh, đồng thời thực hiện các biện pháp chống đỡ, tránh sập đổ công trình, bảo quản di vật, hiện vật thuộc di tích, đảm bảo an ninh, an toàn cho người và nội thất đồ thờ của di tích. Đề xuất phương án bảo quản, tu bổ di tích, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Mới đây chúng tôi có dịp trở lại thăm ngôi đình cổ Đông Môn, và thực tế là đến thời điểm hiện tại di tích này vẫn chưa được trùng tu. Tiếp tục ghi nhận, toàn bộ phần mái ngói của ngôi đình vẫn đang xuống cấp nghiêm trọng, các lớp ngói bị tụt thành hàng dài, rơi khỏi vị trí ban đầu làm hở mái, các kết cấu bằng gỗ bên trong ngôi đình hầu như đã bị mốc đen, bức đại tự cổ và một số các cột, kèo đã bị mục do ngấm nước mưa. Vì lo sợ nguy cơ đổ sập, phần mái ngói bị tụt hiện đang được chính quyền địa phương gia cố bằng cách giăng bạt, lập hàng rào, lắp đặt biển cảnh báo người dân và khách du lịch không vào bên trong ngôi đình.

Tiếp chúng tôi, ông Vũ Xuân Đới (93 tuổi, ở thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long), người đã có thâm niên gắn bó với ngôi đình cho biết, ngôi đình là niềm tự hào của người dân làng Đông Môn có lịch sử rất lâu đời. Chứng kiến ngôi đình ngày càng xuống cấp, ông và bà con trong làng càng thêm xót xa. Gần 3 năm nay chính quyền địa phương đã cấm mọi hoạt động diễn ra tại ngôi đình, trong đó không cho mở cửa để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng. “Người dân chúng tôi rất mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tu sửa lại đình làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn lưu giữ giá trị lịch sử lâu đời của dân tộc”, ông Đới kiến nghị. ÔngVũ Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho biết, ngôi đình đang xuống cấp nghiêm trọng, địa phương đã báo cáo thực trạng xuống cấp và lập tờ trình xin chủ trương đầu tư tu bổ di tích đình Đông Môn, làm cơ sở để huyện Vĩnh Lộc đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ nguồn kinh phí tu bổ. Hiện nay địa phương vẫn đang chờ văn bản của tỉnh để tiến hành thực hiện các bước tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết, đình Đông Môn nằm ở cửa Đông Thành nhà Hồ và là di tích phụ cận của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Trước đây là một điểm đến thu hút rất nhiều khách tham quan trên tuyến hành trình tham quan di sản. Tuy nhiên, kể từ khi di tích bị xuống cấp, các tuyến tham quan trên không thể triển khai đến đình Đông Môn được do để đảm bảo an toàn cho di tích cũng như khách tham quan. “Đây là một điều rất đáng tiếc vì đình Đông Môn nằm ngay sát cổng Đông di sản Thành nhà Hồ, lại là một trong những đình cổ, đẹp, độc đáo của xứ Thanh. Việc kết nối di sản Thành nhà Hồ với di tích bày cũng rất thuận lợi. Do vậy mong mỏi của đơn vị cũng như nhân dân và du khách khi đến với di sản là sớm trùng tu, chống xuống cấp ngôi đình này, đưa di tích trở lại phục vụ tham quan và sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng”, ông Linh mong mỏi. 

NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top