Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Gắn kết nghệ thuật Bài chòi với phát triển du lịch

Thứ Tư 01/03/2023 | 10:35 GMT+7

VHO- Để bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh Quảng Ngãi sẽ dành hơn 14 tỉ đồng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại; xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại một điểm du lịch.

CLB Bài chòi huyện Nghĩa Hành biễu diễn phục vụ du khách tham quan ở làng du lịch cộng đồng Bình Thành

Gian nan tìm kiếm nguồn nhân lực

Theo thống kê của Sở VHTTDL Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh có một nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 9 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Nghệ thuật Bài chòi. Số lượng nghệ nhân, diễn viên Bài chòi khoảng 150 người. Thời gian qua, Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy Bài chòi, thế nhưng hiện di sản này vẫn đang gặp không ít thách thức. Trong đó, số lượng nghệ nhân truyền dạy cơ bản về hô, hát, các làn điệu dân ca nguyên gốc, sáng tác mới… còn rất ít, chưa có điều kiện để truyền dạy lại cho thế hệ sau. Đặc biệt, diễn viên nhạc công đệm đàn cho Dân ca - Bài chòi rất hiếm, quá trình tìm kiếm, đào tạo những người thực sự có tố chất kế thừa nghệ thuật truyền thống này gặp nhiều khó khăn. Đào tạo hàng trăm người cũng chỉ 3 - 4 người đáp ứng tiêu chí của Bài chòi.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, số lượng hiểu biết gốc gác, căn bản về Dân ca - Bài chòi còn khiêm tốn, dẫn đến việc vay, mượn, hô, hát những làn điệu không phải của Bài chòi, mang tính đối phó trong các hội thi, liên hoan. Mặt khác, tác giả sáng tác kịch bản văn học cho Bài chòi hiện nay rất hiếm, bởi những tiêu chuẩn, quy định để viết một kịch bản đòi hỏi phải đạt 3 yêu cầu là giá trị xã hội, giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật, kể cả kết hợp với âm nhạc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, nghệ nhân bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi, chưa điều tra, khảo sát, kiểm kê đánh giá hệ thống giá trị di sản, các giá trị truyền thống tốt đẹp Nghệ thuật Bài chòi có nguy cơ thất truyền, mai một. Việc trao truyền, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh các giá trị văn hóa Nghệ thuật Bài chòi chưa được quan tâm tương xứng với Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch chưa nhiều, chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong việc quảng bá, xây dựng chương trình tour, tuyên truyền du lịch với những hoạt động bảo tồn di sản Bài chòi, chưa khai thác hết tiềm năng của Nghệ thuật Bài chòi trong hoạt động phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Nghĩa Hành bộc bạch, Dân ca - Bài chòi, đặc biệt là Bài chòi Trung Trung Bộ có sức hấp dẫn đến kỳ lạ một khi đã cảm nhận được cái hay, cái gần gũi, chân quê, thâm thúy của thể loại này. Ông đã sáng tác, dàn dựng và đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biểu diễn, từ lúc còn trai trẻ cho đến giờ, trong ông vẫn một niềm đam mê tha thiết với Bài chòi. Bởi vậy, ông vẫn ước nguyện làn điệu dân ca, Bài chòi sẽ được truyền dạy cho thế hệ trẻ, để giữ gìn và phát huy.

Phát huy giá trị di sản trong thời kỳ hội nhập

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Tiến Dũng, để giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật Bài chòi, Sở đã xây dựng Ðề án Bảo tồn, phát huy Di sản Bài chòi Quảng Ngãi và đã được UBND tỉnh phê duyệt. “Đề án tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá tổng thể giá trị Di sản Bài chòi để phát hành rộng rãi đến công chúng; đào tạo những giáo viên dạy âm nhạc, người có năng khiếu ca hát thành hạt nhân hát Bài chòi; hình thành và phát triển thêm các đội, nhóm, CLB hát Bài chòi ở các địa phương, gắn kết nghệ thuật này với phát triển du lịch. Quảng Ngãi sẽ tổ chức truyền dạy Bài chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc...”, ông Dũng cho hay.

Cụ thể, tỉnh sẽ dành hơn 14 tỉ đồng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại; xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại một điểm du lịch. Phục dựng thí điểm một điểm trò chơi dân gian hô Bài chòi tại TP Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì Trung tâm Bài chòi đã thành lập, 100% các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và hải đảo thành lập Câu lạc bộ Bài chòi trực thuộc cấp huyện… Đến năm 2030, Quảng Ngãi tiến tới nhân rộng mô hình tổ chức trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại các điểm du lịch khu vực đồng bằng, hải đảo, phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô Bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, phấn đấu có 50% các xã, phường, thị trấn đồng bằng và hải đảo thành lập các Câu lạc bộ Bài chòi cấp xã.

Trong đề án này, tỉnh chú trọng hỗ trợ đối với các “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi, các nghệ nhân có vai trò trực tiếp phổ biến, lưu truyền, truyền dạy những người kế cận, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng cho các “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu.

Bà Bùi Thị Vân, thành viên CLB Bài chòi ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ chia sẻ: “Dù thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, dù tuổi tác có thể làm quên lãng bao điều, nhưng tình yêu với Bài chòi vẫn luôn cháy trong trái tim của người dân làng Gò Cỏ. Hiện chúng tôi cùng nhau gây dựng phong trào văn nghệ bằng cách tập hát, biểu diễn... để phục vụ dân làng và du khách khi đến với làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ”. 

NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top